Đổi mới lễ hội truyền thống để đảm bảo văn minh nhưng không tách rời nguồn cội

Theo các chuyên gia, phát triển lễ hội phải gắn với mục đích giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giữ được sự kết nối với cội nguồn.

Mùa Xuân trảy hội là truyền thống đẹp của người Việt. (Ảnh: TTXVN)

Mùa Xuân trảy hội là truyền thống đẹp của người Việt. (Ảnh: TTXVN)

Đến thời điểm này, hàng loạt lễ hội lớn Xuân Ất Tỵ 2025 như Hội chùa Hương, Hội Xuân Yên Tử, Hội Lim, Hội Gióng Đền Sóc, Hội Gò Đống Đa, Hội khai ấn đền Trần… đều đã lần lượt khai mạc, thu hút hàng chục vạn du khách thập phương.

Theo ghi nhận của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, các lễ hội không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, mà còn góp phần gia tăng giá trị điểm đến, tạo sức hút về du lịch cho địa phương.

Nhiều điểm mới trong tổ chức hội Xuân

Hội Lim (Bắc Ninh) là một trong những lễ hội đầu năm luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách gần xa. Năm nay, bên cạnh phần nghi lễ truyền thống, phần hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi tại trung tâm đồi Lim, hồ điều hòa Vân Tương (thị trấn Lim) và một số khu vực lân cận với phong phú hoạt động trình diễn dân ca Quan họ, trình diễn thư pháp, hội thơ, triển lãm tư liệu, hiện vật bảo tồn di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh...

 Hội Lim là nơi bảo tồn di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Hội Lim là nơi bảo tồn di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Năm nay, Ban tổ chức Hội Lim bố trí thêm lán Quan họ dành cho các “liền anh, liền chị nhí,” tạo sân chơi cho các em từ 4-15 tuổi, đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ của xã và được các nghệ nhân truyền dạy những câu hát, lề lối Quan họ.

Đại diện Ban Tổ chức lễ hội cho biết việc tăng thêm các lán dành cho thế hệ măng non góp phần nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và lan tỏa tình yêu Quan họ tới thế hệ trẻ.

Lễ hội đền Trần Thương (Thái Bình) năm 2025 cũng diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như lễ bái yết và dâng hương, lễ rước nước, lễ khai ấn, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: thi cỗ cá, gói bánh chưng, pháo đất, têm trầu cánh phượng, kéo lửa nấu cơm, kéo co, cờ tướng, liên hoan hát văn… Đặc biệt, năm nay, chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ Thái Bình - Miền Thánh Mẫu, đất Thánh nhân, dấu thiêng Phật pháp” được đầu tư công phu, sáng tạo, có điểm nhấn hơn, vừa giúp du khách hiểu thêm về những câu chuyện văn hóa, lịch sử gắn với vùng đất Thái Bình, vừa mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

 Các cụ cao niên ở địa phương phát lương cho người dân và du khách tham dự lễ hội đền Trần Thương, Thái Bình. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Các cụ cao niên ở địa phương phát lương cho người dân và du khách tham dự lễ hội đền Trần Thương, Thái Bình. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Hội khai ấn đền Trần (Nam Định) năm nay có nhiều điểm mới, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và văn minh được chú trọng.

Lễ Khai ấn được chuẩn bị chu đáo, các biện pháp an ninh được thực hiện chặt chẽ, bài bản. Công an tỉnh và Công an thành phố Nam Định huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sỹ thực hiện các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ; phòng, chống tội phạm, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng ăn xin, trộm cắp, móc túi, đảm bảo không gian văn hóa văn minh trong khu vực lễ hội.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp, Ban Tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ số lượng ấn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Người dân xếp hàng văn minh, trật tự chờ tới lượt.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương ngày càng đi vào nền nếp. Nhiều “điểm nóng” đã dần hạ nhiệt, đẩy lùi tiêu cực, đặc biệt tại các lễ hội lớn. Có được chuyển biến này nhờ hàng loạt giải pháp đảm bảo an toàn, lành mạnh, văn minh lễ hội đã được chính quyền các địa phương, Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội triển khai nghiêm túc theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Thận trọng khi thực hành nghi lễ

Tăng cường quản lý là biện pháp hiệu quả để lễ hội diễn ra văn minh, trật tự, tuy nhiên, tại một số địa phương, việc xóa bỏ nghi lễ, hình thức lễ hội khiến cho người dân không khỏi tiếc nuối.

Điển hình là tại Hội Phết Hiền Quan 2025, không khí lễ hội trầm lắng bởi đã nhiều năm màn tranh phết không được tổ chức. Địa phương đã tổ chức cả Hội thảo khoa học “Lễ hội Phết Hiền Quan-Nhận thức, giá trị và giải pháp quản lý, tổ chức” từ cuối năm 2024. Các chuyên gia, nhà quản lý khẳng định, không cần bàn cãi về giá trị truyền thống của hội phết, thế nhưng cái khó ở chỗ tìm ra giải pháp cho màn tranh cướp phết đảm bảo an toàn.

 Nghi lễ tại Hội Phết Hiền Quan. Đã nhiều năm màn tranh phết không được tổ chức. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nghi lễ tại Hội Phết Hiền Quan. Đã nhiều năm màn tranh phết không được tổ chức. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tại một số lễ hội có các nghi lễ chọi trâu, đâm trâu, chém lợn…, hiện dư luận và giới chuyên môn vẫn đang băn khoăn làm thế nào để bảo tồn di sản mà vẫn đảm bảo yếu tố văn hóa, lành mạnh, vui tươi của lễ hội.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng lễ hội truyền thống mang những nét bản sắc văn hóa riêng của các địa phương. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập của xã hội văn minh hiện nay, lễ hội đã mở rộng tầm ảnh hưởng, không chỉ của riêng một địa phương nữa mà mang tính khu vực, quốc gia và quốc tế. Do đó, nhiều tập tục không còn phù hợp với một cộng đồng người tham dự ngày một lớn dần.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Văn Sáu, việc giữ gìn và tôn trọng truyền thống bản địa là cần thiết nhưng cũng cần phải có sự giao thoa, hội nhập để phù hợp với sự phát triển của xã hội.

 Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Một số nghi lễ được xem là linh thiêng, riêng có của lễ hội đang trở nên phản cảm, bạo lực trong mắt cộng đồng tham dự lễ hội. Theo tôi, cần phải có sự điều chỉnh để vừa bảo tồn được di sản, vừa đảm bảo sự văn minh của lễ hội,” ông Dương Văn Sáu nói.

Cụ thể, ông Sáu cho rằng các nghi lễ có thể được thực hành trong không gian thiêng, dành riêng cho cộng đồng địa phương, còn tại không gian lễ hội có sự tham gia của nhiều cộng đồng dân cư khác, Ban Tổ chức có thể nghiên cứu, chuyển hình thái hiện thực thành hình thái biểu tượng, chẳng hạn như không thực hiện việc “chém lợn” thật.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố mới trong lễ hội là một điều cần thiết để lễ hội không bị lạc hướng, nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Yếu tố truyền thống là cái hồn, là cội nguồn của lễ hội, trong khi những yếu tố mới, nếu được áp dụng đúng cách, có thể làm cho lễ hội trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với thế hệ trẻ và khách du lịch.

Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, yếu tố mới có thể làm lệch đi mục tiêu ban đầu của lễ hội, biến nó thành một sự kiện giải trí đơn thuần mà không còn giữ được bản sắc văn hóa vốn có.

 Du khách trảy hội chùa Hương 2025. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Du khách trảy hội chùa Hương 2025. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

“Việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, chúng ta cần duy trì các yếu tố cốt lõi của lễ hội, từ những nghi thức truyền thống đến không gian tổ chức, đồng thời cho phép sự đổi mới diễn ra nhưng phải phù hợp với bối cảnh văn hóa và tinh thần lễ hội. Cần có sự tham gia của cộng đồng, các chuyên gia văn hóa và các cơ quan quản lý để giám sát quá trình phát triển này,” ông Bùi Hoài Sơn nói.

Theo ông, khi phát triển lễ hội, chúng ta phải luôn nhớ rằng mục đích cuối cùng là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giữ được sự kết nối với cội nguồn, với những giá trị vô giá mà lễ hội đã được truyền từ bao đời./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/doi-moi-le-hoi-truyen-thong-de-dam-bao-van-minh-nhung-khong-tach-roi-nguon-coi-post1013216.vnp
Zalo