Dấu ấn đô thị Pleiku nhìn từ cột mốc số 0

Nhiều người cho rằng khi nhà thơ Vũ Hữu Định viết về phố núi 'đi dăm phút đã về chốn cũ' là ông lấy cột mốc Pleiku 0 km (cột mốc số 0) làm điểm khởi đầu. Vậy cột mốc này nằm ở vị trí nào, vì sao đến nay không còn xuất hiện trên bản đồ dù nó vẫn 'sống' trong ký ức nhiều người?

Gần 60 năm sinh sống ở khu vực ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku), ông Hàn Hải Thọ-Chủ lò bánh mì Vĩnh Lợi đã chứng kiến bao đổi thay ở “ngã ba đường-ngã ba đời” này.

Ông cho rằng, trong nhiều dấu ấn của đô thị Pleiku, cột mốc số 0 ở ngã ba Diệp Kính đã trở thành một phần ký ức của ông và nhiều người nơi đây. Từ nhỏ, ông đã thấy chỉ dấu điểm khởi đầu của đô thị Pleiku là từ ngã ba đường này.

“Bố mẹ tôi bán nước giải khát ở trước Khách sạn Viễn Đông (nay là Khách sạn Hùng Vương) nên tôi thường theo mẹ dọn hàng vào mỗi buổi sáng. Cột mốc Pleiku 0 km là hình ảnh tôi nhìn thấy mỗi ngày. Sau giải phóng, bố mẹ tôi mở lò bánh mì phía bên này ngã ba (nay là số 5A đường Quang Trung)”-ông Thọ kể.

 Cột mốc số 0 tại ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku) chụp năm 1995. Ảnh tư liệu Nguyễn Quang Hiền

Cột mốc số 0 tại ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku) chụp năm 1995. Ảnh tư liệu Nguyễn Quang Hiền

Theo ông Thọ, cột mốc số 0 ở ngã ba Diệp Kính cũng là chứng nhân của bao chuyện vui buồn. Ông hồi nhớ: “Hồi đó, bùng binh ở vị trí ngã ba đường này rộng lắm, trồng rất nhiều cây phượng. Mùa hoa phượng nở rất đẹp, tán nghiêng xuống đường nhìn rất lãng mạn.

Nhưng cũng vì vòng xoay rộng, nhiều thanh niên ôm cua không hết đã tông vào cột mốc số 0. Sau nhiều lần cải tạo, thành phố mới thu nhỏ nút giao thông này như bây giờ. Cột mốc Pleiku 0 km ở vị trí ngã ba này cũng bị bỏ đi mất”.

 Ông Hàn Hải Thọ (sinh sống gần 60 năm tại ngã ba Diệp Kính) cho rằng, cột mốc số 0 Pleiku là một trong những dấu ấn của đô thị nên phục dựng lại. Ảnh: H.N

Ông Hàn Hải Thọ (sinh sống gần 60 năm tại ngã ba Diệp Kính) cho rằng, cột mốc số 0 Pleiku là một trong những dấu ấn của đô thị nên phục dựng lại. Ảnh: H.N

Trước giải phóng, ngã ba Diệp Kính được xem là trái tim của đô thị Pleiku. Xung quanh khu vực này tập trung nhiều loại hình vui chơi, giải trí, có rạp xi nê Diệp Kính, tiệm chụp ảnh Mỹ Lệ, nhà thờ Thăng Thiên, tiệm cơm gà Mỹ Tâm, Khách sạn Viễn Đông…

Ông Trần Văn Thuyên (đường Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) từ Quảng Ngãi lên Pleiku năm 1967 làm nghề chạy xe khách kể rằng: Xe đón, trả khách đều dừng tại ngã ba Diệp Kính ngay vị trí cột mốc Pleiku 0 km. Những “khách lạ” bắt đầu vào trung tâm thành phố từ điểm khởi đầu này.

Nhiều người cho rằng, khi nhà thơ Vũ Hữu Định lần đầu đến phố núi rồi viết “đi dăm phút đã về chốn cũ”, hẳn là ông lấy cột mốc Pleiku 0 km-ngã ba Diệp Kính làm điểm khởi đầu.

Là người sưu tầm nhiều hình ảnh, tư liệu về Pleiku xưa và nay, trong đó có hình ảnh quý giá về cột mốc số 0 ở ngã ba Diệp Kính, ông Nguyễn Quang Hiền (03 Tăng Bạt Hổ, TP. Pleiku) còn có những ký ức gắn với dấu ấn này.

Ông chia sẻ: “Cuối tuần, bọn nhóc chúng tôi thường rủ nhau ra rạp Diệp Kính xem phim ké không tốn tiền mua vé, gọi là coi “cọp”. Cứ đến khoảng hơn nửa phim thì họ thường mở cửa cho trẻ con vào xem thoải mái.

Có hôm chờ để được vào xem, quanh quẩn trước rạp, tôi tò mò xem kỹ cột mốc “trồng” trong bùng binh chỗ sát mép đường Lê Lợi thì thấy họ đề dòng chữ “Pleiku 0 KM”. Mãi 60 năm sau, tôi mới đọc được tài liệu của Pháp và hiểu rõ “lai lịch” của cột mốc này”.

Theo tài liệu của người Pháp được ông Nguyễn Quang Hiền dịch, tại Nghị định ký ngày 3-12-1929 thành lập thị tứ Pleiku trên phần đất của 2 làng Hội Thương và Hội Phú ghi: Cột mốc số 0 đặt tại phần đất bao quanh bởi đường đi Sê-San (đường Lê Lợi hiện nay), đường đi đến tòa nhà Công sứ tỉnh (tức đường Quang Trung), đường nội thị số 4 (đường Phan Chu Trinh trước 1975, nay là đoạn cuối đường Quang Trung) và đường đi đến nhà Bưu điện-Điện tín (tức đường Hùng Vương bây giờ).

Ông Hiền cũng sưu tầm được những bức ảnh còn ghi lại đầy đủ nội dung cả 2 mặt của cột mốc số 0.

“Km số 0” là thuật ngữ quy hoạch đô thị xác định tọa độ điểm khởi đầu của đô thị tới những nơi khác và ngược lại. Ví dụ như tới Hàm Rồng thấy cột mốc đề “Pleiku 5 km” tức là quãng đường từ đó tới km số 0.

Là người dịch tài liệu tiếng Pháp về cột mốc Pleiku 0 km, ông Hiền cho biết: “Tại nhiều đô thị khác, chuyện cột mốc số 0 nằm ở vị trí nào có khi là đề tài tranh luận kéo dài cả chục năm chưa ngã ngũ vì không có tài liệu liên quan do người Pháp để lại.

Trong khi đó, đô thị Pleiku ngay từ khi thành lập đã được người Pháp xác định luôn vị trí cột mốc 0 km bằng một nghị định do Khâm sứ Trung Kỳ ký. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở, điều kiện thuận lợi để phục dựng lại cột mốc số 0 về đúng vị trí, hình dạng ban đầu”.

 Bùng binh ngã ba Diệp Kính trước đây là vị trí đặt cột mốc Pleiku 0 km. Ảnh: H.N

Bùng binh ngã ba Diệp Kính trước đây là vị trí đặt cột mốc Pleiku 0 km. Ảnh: H.N

Gần đây, chính quyền TP. Pleiku có kế hoạch phục dựng cột mốc km số 0 tại ngã ba Diệp Kính. Không chỉ phục dựng lại một dấu tích lịch sử đô thị cao nguyên, việc “hồi sinh” cột mốc số 0 Pleiku còn mang đến một điểm check-in cho khách du lịch khi đến với phố núi.

Song để điểm check-in tại vị trí có mật độ giao thông cao như ngã ba Diệp Kính đòi hỏi yêu cầu trước hết là đảm bảo an toàn. Do đó, thành phố đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành về phương án phục dựng.

Gần 60 năm sinh sống ở ngã ba Diệp Kính, ông chủ lò bánh mì Vĩnh Lợi cho hay: “Khách sạn Viễn Đông nay đã đổi tên thành Khách sạn Hùng Vương. Nhiều khách quốc tế dù tìm đúng vị trí nhưng họ vẫn ghé vào hỏi tôi vì không nhìn thấy cột mốc Pleiku 0 km đối diện khách sạn như trên bản đồ cầm theo.

Như vậy, nếu phục dựng cột mốc số 0 đúng vị trí như gần 100 năm trước sẽ tạo điều kiện để khách du lịch, nhất là khách quốc tế dễ dàng nhận biết vị trí họ đến, dù các công trình kiến trúc quanh khu vực này có thay đổi hay đổi tên như thế nào đi nữa”.

Với những cư dân như các ông Hàn Hải Thọ, Trần Văn Thuyên, Nguyễn Quang Hiền, việc phục dựng những dấu ấn đô thị như cột mốc số 0 Pleiku mang lại giá trị tinh thần to lớn.

Họ đã sống, chứng kiến trọn vẹn sự vươn mình của đô thị sau 50 năm giải phóng với những dấu ấn không mờ phai. Và không chỉ họ, các thế hệ đều có quyền nhận thấy giá trị của sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

HOÀNG NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dau-an-do-thi-pleiku-nhin-tu-cot-moc-so-0-post312062.html
Zalo