Tiệm radio trên dốc Minh Mạng
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ở Đà Lạt có một người thợ bá nghệ nhưng rốt cuộc neo lại cơ nghiệp tạo một tiệm sửa radio nằm ở lưng chừng dốc Minh Mạng.
Tiệm sửa radio có tên Hoàng Anh, số 60 Minh Mạng, được ngăn ra từ tiệm thuốc bắc Thiên An Đường. Được biết, đây chỉ là một phần của cửa hiệu, được Thiên An Đường cho thuê lại. Và ông chủ hiệu thuốc bắc Thiên An Đường cũng đi thuê lại nguyên căn từ ông Võ Quang Tiềm, một doanh gia nổi tiếng Đà Lạt thập niên 1950 - 1970, nhạc phụ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Trở lại vị trí tiệm radio Hoàng Anh trên đường Minh Mạng. Từ đây đi ngược dốc, lần lượt là dãy cửa hiệu nổi tiếng liền kề, có thể kể: Uốn tóc Isana, Photo Hồng Thủy, Photo Văn Lang, Phòng nha của bác sĩ Nguyễn Văn Nghi... Xa hơn, trong bán kính một cây số xoay quanh khu Hòa Bình, có thể nhắc đến hai cửa hiệu sửa và bán radio lớn, nổi tiếng Đà Lạt là Việt Hoa (24 khu Hòa Bình) và Cộng Đồng (51 - 53 Minh Mạng).
Thập niên 1960, các tiệm radio lớn ở Đà Lạt thường có bán thiết bị âm thanh, đài radio, cassette, máy hát đĩa than, băng cối. Riêng tiệm Hoàng Anh thì chỉ chuyên về sửa chữa. Không gian khá nhỏ hẹp (chừng 30m2), các bức tường được tận dụng gắn thêm kệ để linh kiện, đồ nghề. Ngoài ra, chủ tiệm còn làm một gác lửng để những hôm làm việc khuya, ở lại thì có thể chuồi mình vào căn gác hẹp mà ngủ qua đêm.
Chủ tiệm là ông Nguyễn Anh, sinh năm 1937, gốc Huế.

Ông Nguyễn Anh (ngồi) trong tiệm sửa radio của mình. Ảnh: Album gia đình ông Nguyễn Thi
Thân phụ của ông Nguyễn Anh là Nguyễn Quế, thuộc lớp những người Việt đầu tiên nhập cư Đà Lạt. Ông Nguyễn Quế vào Đà Lạt năm 1910, làm thuê ở bệnh viện, sau đó đi lính khố đỏ cho Pháp trong Đệ nhất Thế chiến.
Trong thời lính tráng, ông sang Pháp, cầm súng thực chiến trên chiến trường. Khoảng hòa bình giữa hai cuộc thế chiến, ông tranh thủ trốn đi ngao du một vòng nước Pháp rồi mới chịu về Đà Lạt. Ông dành dụm được một số tiền, cùng vài người đi lập đồn điền trồng trà, cà phê ở Phú Sơn (nay thuộc Lâm Hà) và dựng một ngôi chùa ở đó cho thợ thầy, dân chúng thờ tự.
Có lẽ cũng chịu ảnh hưởng phần nào tính cách phóng khoáng của người cha, ông Nguyễn Anh học trường Tây tại Đà Lạt, rồi học qua hơn chục nghề, có thể kể: thợ đóng guốc, thợ đồng, thợ bạc, thợ mộc, thợ may, thêu, thợ rèn, thợ tiện, thợ sửa máy ảnh, thợ sửa đồng hồ, thợ máy xe hơi..., ông là người bá nghệ, đụng đâu cũng biết. Nhưng chính xác là năm 1960, sau khi học khóa hàm thụ lắp ráp và sửa chữa vô tuyến điện tại trường Công nghệ Điện và Vô tuyến (168 Lê Văn Duyệt, Sài Gòn) rồi theo đuổi lấy được mảnh bằng trưởng xưởng vô tuyến điện năm 1962 của tư thục Vô tuyến điện Tấn Phát (50 Nguyễn Huệ, Sài Gòn), thì ông chính thức trở thành thợ lành nghề. Từ đây, ông trụ lại với nghề sửa vô tuyến điện theo nghĩa một công việc chính để mưu sinh trong thành phố có nhịp sống an nhàn.

Lễ cưới tục huyền của ông Nguyễn Anh với bà Nguyễn Thị Dết vào năm 1963. Ảnh: Album gia đình ông Nguyễn Thi
Ông Nguyễn Anh lập gia đình sớm, khoảng năm 1955. Vợ đầu của ông sinh được ba người con. Năm 1960, sau khi sinh người con thứ ba thì bà qua đời. Ba năm sau, ông tục huyền, sinh ra cậu con trai đầu là Nguyễn Thi (năm 1964), về sau thì có thêm ba người con nữa. Tức là qua hai đời vợ, ông có cả thảy bảy người con.
Tính tình ông đơn giản, hòa nhã với vợ con lẫn người ngoài, nên giữ được tương quan cân bằng trong gia đình và xã hội dù đời sống có đi qua nhiều biến cố.
“Thời đó giải trí chính của mọi người là radio, sau đó thì máy hát đĩa than, cassette, Akai băng cối. Ba tôi thường sửa radio, máy hát của Philips, Sharp, National, Sony, Grundig, Telefunken... cho khách trong thành phố. Và ông cũng nhận thâu băng nhạc khi khách hàng có nhu cầu” - anh Nguyễn Thi, con trai trưởng của ông chủ hiệu radio Hoàng Anh kể lại về tiệm sửa vô tuyến điện của ba mình trên đường Minh Mạng.
Trong gia đình thì anh Thi là người có nhiều cơ hội gắn bó với cha nhất. Từ nhỏ, anh bị chứng kinh phong, nên đi đâu cũng được cha chở theo trên chiếc xe Jeep. Anh kể mỗi buổi sáng mùa hạ, hai cha con từ căn hộ của gia đình ở khu Thương phế binh (gần cổng Câu lạc bộ golf Đồi Cù) chạy chầm chậm, đánh một vòng qua các con phố yên tĩnh của khu trung tâm và dừng lại ở khoảng trống bên lề đường đối diện rạp Ngọc Hiệp. Họ tản bộ đến tiệm sửa radio ở khoảng cuối dốc Minh Mạng.
Những năm học tiểu học, ba anh đã bày cho anh cách sử dụng một số đồ nghề và không la rầy khi đứa con trai nghịch ngợm, tháo tung những chiếc đài cũ. Những ngày hè ở tiệm radio, anh được ba cho tiền đi thuê truyện tranh từ các tiệm sách Minh Thu (Phan Đình Phùng), Minh Tâm (Hoàng Diệu) hay một tiệm không tên ở đầu đường Yagout.... mang về tha hồ đọc. Anh đã ngốn hết những cuốn truyện tranh, từ Lucky Luke, Phong thần cho đến Tây du ký, và cả sách dành cho học trò của các tác giả miền Nam ngay tại tiệm radio của ba mình.
Sau 1975, vẫn theo cha lang thang qua các tiệm thuê truyện cũ, anh mua được những bộ truyện mà chủ tiệm lén lút bán rẻ như bộ Liên Thành Quyết, Độc bá quần hùng, Bích Cơ ma nữ, Tứ quái giang hồ... Nhưng đó là chuyện về một thời kỳ khác.

Các con của ông Nguyễn Anh. Ảnh: Album gia đình ông Nguyễn Thi
Trở lại trước 1975, người Đà Lạt khá giả một chút là nghĩ ngay tới sắm sửa các phương tiện giải trí gia đình. Gia đình công chức, trung lưu thường có chiếc máy cassette hay những đầu đĩa, dàn amply nghe nhạc. Về sau, gia đình khá giả hơn còn có cả tivi đen trắng để xem đài Sài Gòn, Cần Thơ, đài Mỹ. Nhưng phổ biến nhất là chiếc radio nhiều băng tần. Hầu như nhà nào cũng có một, hai chiếc radio.
Trong một thành phố thanh bình gần như đứng bên ngoài thời cuộc rối ren, làn sóng radio giúp cho người Đà Lạt không bị biệt lập. Họ cập nhật tin tức chiến sự, đời sống văn hóa, thông tin thương mại xảy ra ở thế giới bên ngoài. Các tài năng âm nhạc của Đà Lạt thời điểm này như Tuấn Ngọc, Thanh Tuyền, Từ Công Phụng, Lê Uyên - Phương... cũng được nuôi dưỡng, lan tỏa từ chương trình ca nhạc trên đài phát thanh. Thính giả nghe Đài Phát thanh Thành phố Đà Lạt hay trước đó là Đài Phát thanh Quân đội Đà Lạt, ngoài cập nhật tin tức từ đô thành Sài Gòn, họ còn được tiếp nhận một sinh khí văn hóa không chỉ trong nước mà cả ngoại quốc. Các chương trình âm nhạc phát từ radio giới thiệu tác phẩm và các trào lưu từ cổ điển đến cập nhật hiện đại khá dồi dào. Nội dung chương trình được nhà đài chọn lọc khá kỹ lưỡng vì gu (goût) thưởng thức của cư dân ở mức cao.
Đó là lý do những tiệm sửa vô tuyến điện thời điểm này sống được, sống khỏe.
Sau biến cố lịch sử, nhiều gia đình ly tán. Lớp thị dân cũ nhiều người không còn quay trở lại thành phố này. Và ta có thể hiểu đó là một phần lý do ông chủ tiệm sửa radio vẫn giữ lại cái không gian nhỏ ngổn ngang máy móc, thiết bị trong khoảng ba năm sau cuộc đổi dời 1975.
“Thợ sửa vô tuyến điện như ba tôi thì có mức sống trung lưu; tạm gọi là kiếm tiền dễ. Nếu là nghề may, khi anh may cái áo thì xấu đẹp, chuẩn hay lỗi, người ta nhìn vào có thể biết để bình phẩm, còn sửa máy vô tuyến thì thợ sửa thế nào không mấy ai biết, thậm chí nói giá bao nhiêu cũng được. Nhưng ba tôi giữ được khách vì giữ chữ tín, sự tận tình với khách, thành thử khách đến tiệm ngày một đông.
Những ngày tôi đi học ở trường Võ Tánh, ba tôi lái xe ra tiệm làm việc. Ba sẽ tập trung chi li với từng khung máy, mẹ thì phụ nấu nướng cơm nước và lo sổ sách, hóa đơn. Có lúc cao điểm, nhận nhiều hàng, ba phải tập trung làm đến ba giờ sáng mới tắt đèn ngủ lại căn gác xép trong tiệm, sáng hôm sau 9 giờ mới dậy nổi. Khi đó, mẹ tôi sẽ lo mở cửa, tiếp khách, nhận hàng mới...
Sau giờ học, tôi cuốc bộ từ trường Võ Tánh gần Ngã năm Đại học đi ra tiệm thăm ba. Con đường đi qua dốc ngã ba chùa Linh Sơn vắng vẻ lắm. Hai bên đường là thông và dã quỳ, nhà cửa thưa thớt. Tôi theo đường Hàm Nghi đi ra khu Hòa Bình rồi từ Hòa Bình có một con hẻm đá đi xuống tiệm radio của ba”, anh Thi kể lại.
Ngày ngày, ông Nguyễn Anh vẫn lái chiếc Jeep đến kéo mở cánh cửa lá sắt của cửa hiệu và bật đèn ngồi vào bàn, chăm chú trên từng mạch, tụ nhỏ li ti của những hộp máy vô tuyến, giữa một không gian chật đầy linh kiện, phụ tùng. Thời thanh niên, ông Nguyễn Anh từng đi lính, rồi trở về với một tai bị nhược thính, ông phải thường xuyên đeo máy trợ thính khi sửa máy móc, thiết bị âm thanh. Được bầu làm phó chủ tịch Hội Thương phế binh Đà Lạt, ông đứng ra chăm lo đường điện, đường nước cho các gia đình thương phế binh ở khu cư xá này một thời. Các con của ông cũng lớn lên, hòa đồng cùng với bọn trẻ con cái thương phế binh.
Ngày còn độc thân, ông có tham gia một ban nhạc nhỏ trong thành phố, chơi Hạ Uy cầm (còn gọi là guitar Hawaii). Cũng không ai biết vì sao ông gắn bó với nhạc cụ này, và học cách chơi từ bao giờ, chỉ biết loại nhạc cụ này du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước, và là nhạc cụ từng rất phổ biến trong giới chơi nhạc. Đứa con trai đầu chưa từng nghe ba mình chơi nhạc từ cây Hạ Uy cầm, chỉ nghe các bác trong ban nhạc nhắc lại rằng, ông chơi nhạc Pháp và tiền chiến trên cây đàn này rất hay. Một lần, vào năm 1974, lúc chở con trai đi dạo phố, ông thợ sửa radio đã bất ngờ dừng xe Jeep trước một tiệm đàn trên đường Tăng Bạt Hổ, hỏi mua một cây guitar, rồi mang về căn nhà ở khu cư xá Thương phế binh. Ông bắt đầu dạy nhạc lý căn bản cho đứa con trai từ đây.

Khách chọn đĩa hát ở tiệm radio Hoàng Anh. Ảnh: Album gia đình ông Nguyễn Thi
Anh Thi nói rằng ba mình là một anh thợ radio có đời sống tâm hồn riêng, đầy phong phú, nhưng có phần kín đáo. Ông cũng có nỗi khổ tâm khi đôi tai ngày càng yếu đi trong khi nghề nghiệp, niềm đam mê của ông đều cần đến sự phân tích thanh âm. Điều này được ông Nguyễn Anh ghi chép lại rất nhiều trong các tập nhật ký mà về sau này, khi ông đã qua đời thì các con mới mở ra đọc được.
Nhiều ngành nghề xuống dốc trong giai đoạn bao cấp, đóng cửa kinh tế. Thợ điện tử phải vào hợp tác xã quốc doanh. Tiệm radio Việt Hoa ở khu Hòa Bình trở thành cơ sở quốc doanh lớn, quy tụ giới thợ vô tuyến điện trong thành phố đến đăng ký làm nghề mưu sinh. Nhà nước quản lý chặt nghề này, mỗi thứ mỗi kê khai do thiết bị liên quan tới tuyên truyền, văn hóa thông tin. Hàng hóa cũng không nhiều, nên các thợ radio trong thành phố rảnh rỗi lại tụ tập đánh cờ tướng để đốt thời gian tìm khuây khỏa.
“Cửa tiệm vô tuyến điện Hoàng Anh của ba tôi dần dần cũng đìu hiu, vắng vẻ. Có thời gian đóng cửa, tiệm bị kẻ cắp khoét vách lấy máy móc. Thời gian này muốn mua sắm thiết bị hay linh kiện gì đều phải làm giấy khai báo. Cuốn album gia đình tôi vẫn giữ lại khá đầy đủ những giấy kê khai này. Dẫu khó khăn là vậy, ba tôi vẫn giữ tiệm cho mãi đến năm 1978 thì dời về ngôi nhà ở số 3 đường Yagout. Lúc bấy giờ sức khỏe của ông đã xuống dốc...”, anh Thi nói tiếp, “và ông ở đây cho đến khi ra đi nhẹ nhàng vào năm 1997”.
Một vài khách gửi máy móc sửa từ trước ngày 3.4.1975. Sau biến cố lịch sử, nhiều gia đình ly tán. Lớp thị dân cũ nhiều người không còn quay trở lại thành phố này. Và ta có thể hiểu đó là một phần lý do ông chủ tiệm sửa radio vẫn giữ lại cái không gian nhỏ ngổn ngang máy móc, thiết bị trong khoảng ba năm sau cuộc đổi dời 1975. Ông vào ra nơi đó, trong một cuộc đợi chờ mênh mông ở vào cái thời khắc quạnh quẽ im tiếng của lịch sử thành phố.