Thương mại toàn cầu biến động: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, những biến động trên thương trường quốc tế đang tạo ra những tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước. Để tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường quốc tế, DN cần xây dựng năng lực thích ứng và sức đề kháng trước các cú sốc từ bên ngoài. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là chìa khóa quyết định sự thành công trong hành trình vươn ra biển lớn của DN Việt Nam.

Các DN Việt Nam chịu tác động rất lớn từ những biến động thương mại toàn cầu. Ảnh minh họa
Biến động thương mại thế giới đem đến cả thách thức và cơ hội
Thời gian gần đây, thương mại toàn cầu đối mặt với những biến động phức tạp do căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược, chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, và xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, gây bất ổn cho trật tự thương mại thế giới. Với nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt hơn 1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khiến nước ta dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài, đặc biệt là cộng đồng DN - lực lượng chủ chốt của nền kinh tế - chịu tác động nặng nề nhất. Các DN xuất khẩu phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng vọt và các vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và chính sách thuế quan khắt khe từ các thị trường lớn như Mỹ tiếp tục đe dọa sự ổn định của các ngành hàng chủ lực.
Phát biểu tại Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương năm 2024 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nhập không chỉ có “thảm đỏ và hoa hồng”, hội nhập có rất nhiều khó khăn, rất nhiều chông gai, nền kinh tế và cộng đồng DN phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả...
Năm 2024, các DN Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với khó khăn từ những biến động trong thương mại toàn cầu. Cụ thể, nửa đầu năm, căng thẳng ở Biển Đỏ kéo dài khiến cước vận tải biển tăng vọt, với giá cước một số tuyến quốc tế tăng 100%, thậm chí có tuyến tăng 200-300%, tạo áp lực lớn và gây thiệt hại cho các DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng khi nhiều thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam. Theo thống kê, năm 2024, Việt Nam đối mặt với 32 vụ kiện phòng vệ thương mại từ 12 thị trường tăng gấp đôi so với năm 2023, tác động mạnh đến DN và ngành sản xuất trong nước. Sang năm 2025, thương mại toàn cầu tiếp tục bất ổn, ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này.
Theo giới chuyên gia, những biến động của tình hình thương mại thế giới đem đến những khó khăn, thách thức dễ nhận thấy đối với cộng đồng DN Việt. Chính sách thuế quan mới của Mỹ nếu không được nới lỏng sau thời gian tạm hoãn 90 ngày có thể làm tăng giá hàng hóa trên thị trường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá hàng hóa trên thế giới ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của DN; ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN Việt Nam, từ nguồn cung nguyên liệu đến khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng trong thách thức luôn tồn tại cơ hội để DN Việt Nam tái cấu trúc và chuyển mình mạnh mẽ, qua đó củng cố vị thế trên trường quốc tế. Theo đó, mỗi lần “thử lửa” ứng phó với những biến động toàn cầu sẽ là một bài học quý đối với các DN Việt trên hành trình vươn ra “biển lớn”, là dịp để DN xem xét lại mọi khía cạnh từ chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, thị trường, quản trị rủi ro, cho đến việc tận dụng và tham gia sân chơi thương mại quốc tế, cũng như cần phải chuyển đổi không chỉ ở mặt sản phẩm mà còn ở khía cạnh tư duy quản trị, từ đó nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài.
Nâng cao năng lực ứng phó để trụ vững
Theo các chuyên gia, hiện nay tình hình thương mại thế giới đã có sự thay đổi rất nhiều so với các giai đoạn trước, khi những bất ổn, biến động luôn luôn thường trực. Do đó, việc nâng cao năng lực ứng phó, khả năng chống chịu trước những biến động, cú sốc thương mại từ thị trường toàn cầu không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn cần phải có đối với mỗi DN, để DN có thể trụ vững trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia cũng đánh giá, trên thực tế quan sát những thành tựu trong phát triển kinh tế và hoạt động của cộng đồng DN thời gian qua có thể thấy, các DN Việt đã phần nào chứng minh được năng lực ứng phó trước khủng hoảng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. Đơn cử, năm 2024, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn trong xu hướng suy giảm, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng GDP 7,09%, cao hơn gấp hơn 2 lần so với mức tăng trưởng khoảng 3,2% của kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đạt mốc kỷ lục gần 800 tỷ USD với mức xuất siêu gần 25 tỷ USD. Kết quả tích cực trên có được có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN với những nỗ lực vượt khó nhờ vào sự kiên cường, bền bỉ và khả năng linh hoạt ứng phó, thích ứng trước biến động.
Để có thể tiếp tục duy trì và phát huy mạnh mẽ hơn nữa năng lực này của DN trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia đã đưa nhiều “hiến kế” cho DN. Trước hết, các DN cần chú trọng thực hiện chiến lược phát triển đa dạng thị trường xuất khẩu, dựa trên việc tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Hiện nay, Việt Nam đã có 17 FTA đang thực thi với hơn 60 đối tác thương mại trên toàn cầu là nền tảng rất tốt để các DN thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường một cách ổn định. Cùng với đó, DN cũng cần tăng cường kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, tuân thủ quy tắc xuất xứ trong các FTA, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, quản trị nguồn lực tài chính và cân đối dòng tiền cũng là yếu tố rất cần thiết đối với mỗi DN, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn, biến động, bởi đây được coi là “mạch máu” của DN. Theo đó, các DN cần chuẩn bị nguồn lực với các mức dự trữ tài chính phù hợp với quy mô hoạt động của DN để có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ngay cả khi chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các cú sốc từ thị trường bên ngoài. Ngoài ra, DN cần chú trọng đến công tác quản trị DN, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, năng lực hoạch định chiến lược để có sức chống chịu kiên cường đối với rủi ro, khủng hoảng./.