Chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản: Cần tháo điểm nghẽn
Việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản hiện còn nhiều bất cập về số lượng, chất lượng đào tạo và công tác tổ chức.

Vướng pháp lý cấp chứng chỉ hành nghề, nhân sự ngành môi giới bất động sản gặp khó khăn. Ảnh minh họa: INT
Chưa đồng bộ hướng dẫn
Theo khảo sát từ Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) có tới 89% lực lượng môi giới bất động sản hiện nay chưa có chứng chỉ hành nghề hợp lệ. Trong đó, 51,8% chưa từng qua đào tạo, 24,1% đã học nhưng chưa thi, 12,8% có chứng chỉ nhưng đã hết hạn và chỉ có 11,3% môi giới đang sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về chuẩn hóa lực lượng, tăng cường đào tạo và đặc biệt là minh bạch hóa quy trình thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề. Dù lực lượng môi giới bày tỏ nhu cầu rất lớn (93% người khảo sát mong muốn được tham gia kỳ thi sát hạch) nhưng việc tổ chức kỳ thi hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Tại hội thảo “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản: Vướng ở đâu, gỡ thế nào?”, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, ngành môi giới đang bước vào thời kỳ thay đổi với yêu cầu chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống tổ chức thi và cấp chứng chỉ gần như chưa vận hành, gây ra tình trạng lúng túng.
Dù pháp luật đã phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi, nhưng đến nay phần lớn tỉnh, thành vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Người học không biết đăng ký ở đâu, thi như thế nào; doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực đạt chuẩn để vận hành sàn giao dịch. Tình trạng này không chỉ gây tâm lý bất ổn trong đội ngũ môi giới mà còn cản trở sự lưu thông của thị trường bất động sản.
TS Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, điểm nghẽn hiện nay không nằm ở chính sách mà ở khâu tổ chức thực hiện. Việc thiếu hướng dẫn thống nhất, chưa xác định rõ vai trò của các bên liên quan đang khiến hệ thống vận hành bị đình trệ.
Theo TS Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng VARS IRE nhìn nhận, thị trường đang tồn tại một nghịch lý rằng đội ngũ môi giới chưa được cấp chứng chỉ, doanh nghiệp thiếu nhân lực đạt chuẩn nhưng kỳ thi thì chưa thể tổ chức.
Ông Lượng nhận định: “Vấn đề không chỉ là kỹ thuật mà là điểm nghẽn trong toàn chuỗi vận hành thị trường. Nếu không tháo gỡ kịp thời, sẽ kéo theo nguy cơ đóng băng nhân lực và đình trệ phục hồi thị trường”.
Từ thực tiễn hoạt động, đại diện các doanh nghiệp môi giới bất động sản cho biết, vẫn đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động do thiếu hụt nhân sự có chứng chỉ hợp pháp. Một số đơn vị đã phải thu hẹp quy mô, từ chối giao dịch, hoặc tạm ngừng hoạt động để chờ hướng dẫn từ cơ quan Nhà nước.
Tạo cơ chế thông thoáng
Góp ý để sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, nhiều chuyên gia đề xuất Bộ Xây dựng sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình tổ chức thi, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, địa phương, đơn vị đào tạo và tổ chức nghề nghiệp.
Một số đề xuất khác bao gồm cho phép các đơn vị đào tạo đủ điều kiện phối hợp tổ chức kỳ thi, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hành nghề môi giới, tích hợp quy trình đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ và giám sát hành nghề, nghiên cứu hình thức thi trực tuyến hoặc liên tỉnh để tăng tính linh hoạt và minh bạch.
Chia sẻ với báo chí, ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch HĐQT CTCP Tâm Thành Group, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, các môi giới của công ty, đặc biệt là những người chưa có chứng chỉ hành nghề, đều đã hoàn thành chương trình đào tạo do Hội Môi giới Bất động sản Bắc Giang tổ chức. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa được thi sát hạch do địa phương chưa có kế hoạch triển khai.
Thực tế tại Bắc Giang, các cơ quan chức năng cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn nhằm cập nhật chính sách mới và hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều mà các môi giới quan tâm nhất hiện nay là thời điểm tổ chức thi sát hạch để đủ điều kiện hành nghề hợp pháp.
Theo ông Thắng, ngoài kiến thức chuyên môn, điều quan trọng mà các công ty môi giới cần hướng đến là xây dựng đội ngũ hành nghề chuyên nghiệp, có đạo đức và được đào tạo bài bản. Nếu thiếu chuẩn hóa, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng người chưa qua đào tạo vẫn hành nghề, dễ gây rối loạn và thiếu minh bạch.
Dù còn một số vướng mắc pháp lý nhưng công việc vẫn phải tiếp tục, các môi giới vẫn hành nghề vì đó là sinh kế của họ, và doanh nghiệp vẫn phải mở rộng hoạt động, công ty cũng tuyển dụng thêm nhân sự tại các tỉnh ven Hà Nội như Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng để phát triển các dự án...
Trong đó, những ứng viên đã có chứng chỉ hành nghề luôn được ưu tiên hơn, bởi môi giới được đào tạo bài bản thường có năng lực đánh giá dự án, tuân thủ pháp luật và sẵn sàng từ chối tư vấn nếu sản phẩm chưa đủ điều kiện pháp lý thay vì chốt giao dịch bằng mọi giá.
Theo chuyên gia Trần Minh Phong, vấn đề chứng chỉ môi giới không chỉ dừng lại ở câu hỏi “thi ở đâu, ai tổ chức”, mà còn liên quan đến việc xây dựng một chuẩn mực hành nghề toàn diện, từ đào tạo, sát hạch cho đến giám sát sau khi cấp phép.
“Nếu không có một cơ chế liên thông đồng bộ và minh bạch từ Trung ương đến địa phương, tình trạng chậm trễ hiện nay có thể trở thành điểm nghẽn dài hạn, kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản nói chung và ngành môi giới nói riêng”, ông Phong cho biết.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã công bố Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp dành cho nhà môi giới bất động sản gồm 6 chương và 21 điều, quy định chi tiết các nguyên tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử trong các mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, thị trường và cộng đồng. Đó là nguyên tắc chung nghề môi giới bất động sản, ứng xử với khách hàng chuyên nghiệp chuẩn mực, chung tay xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh bền vững, hỗ trợ và hợp tác với đồng nghiệp trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh.