Giá vàng biến động dữ dội, Trung Quốc tung kế hoạch chưa từng có

Trung Quốc khởi động chiến dịch nhằm đưa Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE) vươn tầm quốc tế trong bối cảnh giá vàng trên đỉnh lịch sử và quốc gia này tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới.

Kế hoạch đầy tham vọng

Theo Kitco, Trung Quốc đang triển khai một chiến dịch quy mô lớn nhằm nâng cao vị thế của Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE) trên thị trường quốc tế.

Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng ba cơ quan chính phủ khác đã công bố “Kế hoạch hành động nhằm tăng cường hơn nữa việc tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ tài chính xuyên biên giới tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Thượng Hải”.

Cụ thể, PBoC và ba cơ quan chính phủ sẽ đầu tư vào quá trình quốc tế hóa SGE, nhằm hướng đến mục tiêu đóng vai trò lớn hơn trong việc xác lập giá vàng toàn cầu, bên cạnh các sàn giao dịch lớn như London (LME).

Khác với phương pháp định giá của LME thông qua thị trường vàng OTC giữa người mua và người bán, Trung Quốc sẽ sử dụng SGE làm trung tâm định giá. Hiện SGE đã liên hệ với một số ngân hàng quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn như HSBC, ANZ, Standard Bank và Standard Chartered Bank.

Kế hoạch cũng đề cập đến việc tăng cường vai trò của các nền tảng tài chính chủ chốt trong việc phân bổ nguồn lực toàn cầu và tạo điều kiện để các nhà đầu tư quốc tế tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính Trung Quốc.

Quốc gia này cũng có kế hoạch thiết lập kho lưu trữ vàng ở nước ngoài để hỗ trợ thanh toán quốc tế và mở rộng khả năng tiếp cận cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong thương mại kim loại quý.

Vàng vật chất trên Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải. Ảnh: VCG

Vàng vật chất trên Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải. Ảnh: VCG

Trên thực tế, nỗ lực nâng cao vị thế của SGE đã được Trung Quốc triển khai từ hơn một thập kỷ trước, nhưng chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy giao dịch vàng bằng đồng NDT. Vai trò của Trung Quốc trên thị trường vàng quốc tế còn khá khiêm tốn.

Tuy nhiên, kế hoạch lần này có tính đột phá, nhằm mở rộng ảnh hưởng ra thị trường quốc tế để nâng cao vai trò của SGE trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới.

Kế hoạch mới phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm phụ thuộc vào các cơ chế định giá phương Tây và tăng cường vai trò của đồng NDT trong thương mại kim loại quý, qua đó từng bước giảm sự chi phối của đồng USD.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá vàng liên tục lập kỷ lục mới kể từ đầu năm. Hoạt động thương mại vàng của Trung Quốc hiện vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ giá quốc tế. Giá vàng tại Thượng Hải liên tục cao hơn tại London, mức chênh lệch lên đến hàng chục USD/ounce.

Ngày 22/4, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế có thời điểm vượt ngưỡng 3.500 USD/ounce, so với mức 2.650 USD/ounce hồi đầu năm. JPMorgan dự báo giá vàng có thể đạt 4.000 USD/ounce vào năm 2026.

Trong khi đó, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang do chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Tham vọng của Trung Quốc và nguy cơ cuộc chiến tài chính mới

Tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy SGE cạnh tranh với LME của châu Âu và Comex của Mỹ, mà còn nhằm củng cố vị thế của nước này trong thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu.

Việc quốc tế hóa SGE và cạnh tranh trong xác lập giá vàng toàn cầu sẽ giúp nâng cao vai trò của đồng NDT, qua đó tạo điều kiện để Trung Quốc thách thức sự thống trị của đồng USD, đặc biệt khi các nước BRICS cũng đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng tiền này.

Ngoài ra, kế hoạch còn được xem là công cụ để Trung Quốc đối phó với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh. Mức thuế quan lên đến 125% mà Mỹ áp dụng đang gây áp lực lớn lên xuất khẩu Trung Quốc, buộc nước này phải phát triển các công cụ tài chính như SGE để bảo vệ nền kinh tế.

Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong lĩnh vực tài chính và hàng hóa. Là quốc gia sản xuất và tiêu thụ vàng, đồng cùng nhiều kim loại quý khác lớn nhất thế giới, Trung Quốc sở hữu các sàn giao dịch ngày càng có sức hút như Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên (DCE) và Sở Giao dịch Tương Lai Thượng Hải (SHFE).

Thị trường vốn của Trung Quốc hiện lớn thứ hai thế giới, với các ngân hàng như ICBC và China Construction Bank nằm trong nhóm hàng đầu toàn cầu. Tuy nhiên, sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và các hạn chế về dòng vốn quốc tế đã làm giảm tính thanh khoản so với các trung tâm tài chính như New York hay London.

Các quy định nghiêm ngặt và mức độ minh bạch thấp cũng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Việc cạnh tranh trực tiếp với LME và Comex cũng gặp khó khăn do đây là các sàn giao dịch lâu đời, có uy tín cao, thanh khoản lớn và mạng lưới toàn cầu rộng khắp. Còn SGE chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Nhiều chuyên gia cho rằng SGE có thể thống trị thị trường vàng châu Á, nhưng sẽ khó vượt qua LME và Comex trong một sớm một chiều do thiếu mạng lưới toàn cầu và lòng tin từ giới đầu tư quốc tế.

Dù vậy, kế hoạch đầy tham vọng này có thể khơi mào một cuộc đối đầu tài chính mới giữa Trung Quốc và phương Tây.

Theo chuyên gia Philip Klapwijk đến từ tổ chức Precious Metals Insights, nếu Trung Quốc thành công trong việc quốc tế hóa SGE, điều này sẽ làm lung lay vai trò trung tâm định giá vàng của London và New York.

Khi SGE giành được quyền định giá, LME và Comex có thể mất thị phần, kéo theo các phản ứng từ Anh và Mỹ như áp đặt hạn chế giao dịch hoặc kiểm soát chặt thị trường vàng.

Việc Trung Quốc thúc đẩy vai trò của đồng Nhân dân tệ có thể tác động đến sự thống trị hiện tại của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Một SGE phát triển mạnh không chỉ giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tài chính, mà còn góp phần củng cố hợp tác trong khối BRICS. Những diễn biến này được giới phân tích đánh giá là có thể làm gia tăng cạnh tranh kinh tế và công nghệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển.

Những động thái này có nguy cơ làm gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu, đẩy giá vàng và các tài sản trú ẩn an toàn khác tăng cao.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-vang-bien-dong-du-doi-trung-quoc-tung-ke-hoach-chua-tung-co-2394404.html
Zalo