Thương mại điện tử: Cần sự phối hợp nhịp nhàng trong hệ sinh thái
Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. vừa được Chính phủ triển khai, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành thương mại điện tử đạt từ 20 - 22% trong năm 2025. Dù còn nhiều thách thức, song mục tiêu này có thể đạt được nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên trong hệ sinh thái.
Bứt tốc về doanh thu, đa dạng về mô hình
Năm 2024 chứng kiến sự phát triển đa dạng của các mô hình thương mại điện tử tại Việt Nam. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong đó, sàn giao dịch thương mại điện tử (Marketplace) vẫn chiếm vị trí nổi bật, các nền tảng lớn như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo tiếp tục dẫn đầu, chiếm lĩnh phần lớn thị phần nhờ khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ vận chuyển nhanh chóng. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội tích cực tham gia vào cuộc chơi thương mại điện tử, đặc biệt TikTok Shop nổi lên như một đối thủ đáng gờm thu hút hàng triệu người dùng trong thời gian ngắn.
Trước những kết quả tích cực đã đạt được, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Hãng chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam trong năm 2025 ở mức 20 - 22% là phù hợp với xu hướng phát triển hiện tại của thị trường. Từ 2021 - 2024, mỗi năm thị trường đều duy trì mức tăng trưởng 21 - 25%. Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường đã tăng trưởng đến 25%. Giai đoạn 2023 - 2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá có đầy đủ các yếu tố để phát triển sang giai đoạn mới, khi có nhiều sàn thương mại điện tử lớn thế giới gia nhập thị trường. Trong khi đó, các nhà bán hàng và các sàn đã tồn tại cũng đã đúc kết được các kinh nghiệm để có thể bứt phá trong giai đoạn sắp tới.

Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025
Liên kết để thu hẹp khoảng cách vùng miền
Nói như thế không có nghĩa bức tranh phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn hiện nay chỉ toàn màu hồng. Minh chứng rõ nét qua báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 do Metric mới công bố, năm qua có khoảng 165.000 shop đã phải rời bỏ thương mại điện tử. Nguyên nhân là do nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ hoặc hoạt động không hiệu quả đã phải nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Thị trường đang còn nhiều thách thức cần sự chung tay hợp tác từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý. Theo các chuyên gia, đầu tiên là hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Mặc dù đã có cải thiện, nhưng hệ thống logistics tại các khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại điện tử. Vấn đề niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và bảo mật thông tin cá nhân vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử. Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tạo ra áp lực không nhỏ về giá cả và chất lượng dịch vụ cho cả thị trường nói chung.
Ngoài ra, ông Bùi Hữu Nghĩa - nhà sáng lập thương hiệu Vicolas - chuyên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử chia sẻ, việc bán hàng qua các nền tảng số không đơn giản như nhiều người nghĩ. Người bán phải gánh nhiều loại chi phí, bao gồm phí quảng cáo, phí hoa hồng cho sàn, thuế và chi phí vận hành khác, có thể chiếm từ 35 - 45% doanh thu. Người bán không có quyền truy cập vào thông tin chi tiết của khách hàng, mà chỉ nhận được mã đơn hàng và các dữ liệu cơ bản phục vụ giao hàng. Điều này gây khó khăn cho việc chăm sóc khách hàng và xây dựng mối quan hệ lâu dài. Thậm chí để duy trì lượng đơn hàng, nhiều thương hiệu chấp nhận giảm giá “cắt máu”, liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi quanh năm, khiến chi phí còn đội lên cao hơn. Trong khi đó, các nền tảng này luôn muốn đẩy mạnh giảm giá, tạo thói quen chờ khuyến mãi ở khách hàng, từ đó làm mất giá trị sản phẩm.
Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng mức 20 - 22%, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các đơn vị trong hệ sinh thái như doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, công ty logistics và chuyển phát nhanh, các đơn vị cung cấp dịch vụ marketing, lưu trữ hạ tầng... và cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, cải thiện hạ tầng logistics và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử. Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đào tạo thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thức mới cho doanh nghiệp; tổ chức chương trình liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử; xây dựng, triển khai sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh/thành (sanviet.vn) nhằm kết nối, tạo nền tảng hỗ trợ cả người bán, người mua và các nền tảng số trong việc cung cấp hàng hóa, kết nối dịch vụ…
Đáng chú ý, trong năm 2025, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, đơn vị tiếp tục coi thương mại điện tử phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng miền và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại các vùng để phát triển thương mại điện tử quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực tại các địa phương, thúc đẩy kết nối thương mại điện tử nội vùng và ngoại vùng thông qua kết nối các cơ quan quản lý nhà nước để có thể nâng cao năng lực thực thi chính sách pháp luật trong thương mại điện tử. Ví dụ như công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử, quản lý thuế, phối hợp với các công ty vận hành dịch vụ thương mại điện tử giải quyết bài toán giảm chi phí vận chuyển cũng như thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, đặc biệt thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng Việt qua thương mại điện tử...