Để ẩm thực Huế chinh phục thị trường Mỹ
Tình cờ ''săn' được trên trang Weee - sàn thương mại điện tử cung cấp những mặt hàng đồ ăn châu Á bán chạy và thời thượng nhất khu vực Bắc Mỹ - món khoái khẩu quê nhà bánh canh cá lóc với thương hiệu Huế Thương, tôi càng mong muốn sẽ có thêm nhiều thương hiệu ngành thực phẩm 'Made in xứ Huế' khác hiện diện trên thị trường Hoa Kỳ.

Bánh ép Huế lên đường sang Mỹ theo đường tiểu ngạch
Những cú “bắt tay” lịch sử
Từ việc dự án “Gia vị bún bò - chuẩn vị Huế” công ty TNHH Sản xuất & Thương mại YESHUE được trao giải Nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017 thì chỉ một năm sau đó, chị Lê Thị Kim Hằng, người sáng lập thương hiệu YesHue đã lặn lội qua 4 bang của Mỹ để kết nối với đối tác là nhà phân phối Anna Gourmet LLC do bà Anna Lê, một người con xứ Huế là chủ sở hữu, chuyên đưa hàng thực phẩm vào các nhà hàng của người Việt. Bốn tấn gia vị bún bò Huế đã sang Mỹ theo con đường chính ngạch, khởi đầu thuận lợi cho thương hiệu khởi nghiệp “rặt Huế” trong ngành thực phẩm có mặt ở thị trường nhiều cạnh tranh này.
Gần đây nhất, dự án “Huế Thương - Bánh canh đóng gói vị Huế” của cô gái trẻ gốc Huế Phạm Lê Nguyên Hảo đã nhận giải Ba cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Huế năm 2024” và cũng đánh dấu cán mốc xuất khẩu 100.000 gói bánh canh cá lóc Huế cùng các sản phẩm đặc sản Huế khác sang thị trường Mỹ theo đường chính ngạch. Các sản phẩm cũng đã có mặt trên kệ các siêu thị tiện lợi ở 48 bang của Mỹ là con số đáng khích lệ. Điều đặc biệt là các sản phẩm được phân phối độc quyền bởi tập đoàn Lee Bros Foodservices Inc. với chuỗi cửa hàng bánh mì Lee’s Sandwiches nổi tiếng ra đời từ năm 1983.
Hay những ngày cuối năm 2024, Hồ Nhật Phương - CEO của Công Ty TNHH SBC Hoàng Gia, người từng đoạt giải B trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Huế năm 2021” với dự án “Khởi nghiệp từ cây sâm Bố Chính” báo tin mừng với tôi rằng, đã có đơn hàng xuất khẩu tiểu ngạch đến cộng đồng người Việt ở California qua sự hỗ trợ của Kim Ngan wholesale trading Co. Cho dù đơn hàng chỉ với số lượng vừa phải để thăm dò, nhưng với sự tâm huyết của đơn vị nhập khẩu dành cho các sản phẩm địa phương của Cố đô Huế, Nhật Phương hy vọng các mặt hàng sâm Bố Chính sẽ sớm được thị trường chấp nhận.
Khó hay dễ?
Với việc thương hiệu được hiện diện trong thời gian dài, YesHue và Huế Thương đã xuất được nhiều sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử ở Hoa Kỳ. Đây là cách tiếp cận khách hàng thuận lợi, khi khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể mua được sản phẩm mà không cần phải đi đến các điểm bán như siêu thị, chợ Việt. Đồng thời, tối đa hóa chi phí trung gian để tăng lợi nhuận.
Để một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực sản xuất của Huế thành công tại thị trường Mỹ, các doanh nghiệp địa phương cần có một chiến lược bài bản dựa trên các yếu tố quan trọng như: Nghiên cứu và xác định thị trường tiềm năng với phân khúc khách hàng là người Việt Nam tại Mỹ, người Mỹ yêu thích ẩm thực châu Á, người quan tâm đến thực phẩm sạch và thủ công (artisan food)... Do đã có rất nhiều đơn vị kinh doanh các món Huế hiện diện tại thị trường Hoa Kỳ từ rất lâu, có nguồn vốn lớn nên việc các doanh nghiệp đến từ Huế mới góp mặt gần đây cũng sẽ gặp những khó khăn khi xây dựng thương hiệu. Việc tập trung vào sản phẩm sạch, truyền thống và đặc biệt là gắn kèm câu chuyện văn hóa Huế với các sản phẩm nhấn mạnh nguồn gốc địa phương, như: bánh canh, bún bò Huế đóng gói, bánh bèo đông lạnh, mắm Huế, bánh nậm lọc, chả Huế, các loại bột làm bánh Huế, thực phẩm chay… có thể thu hút thêm khách hàng.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng và tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thực phẩm, dược phẩm của Hoa Kỳ thì việc nghiên cứu kênh phân phối và bán hàng hiệu quả đã giúp cho nhiều doanh nghiệp rút ngắn thời gian đến tay người tiêu dùng ở Mỹ. Nếu thương hiệu YesHue gắn liền với siêu thị LA lucky ở California, cửa hàng hải sản Lam ở Washington, công ty Anna Gourmet ở Virginia và Ebay, Amazon thì Huế Thương đã song hành cùng Lee Bros và hiện diện trên trang Weee nổi tiếng của người Việt, đặc biệt du học sinh cũng rất thích đi chợ online ở đây. Các doanh nghiệp Huế cần đưa sản phẩm vào các siêu thị châu Á như H Mart, 99 Ranch Market, chợ Việt như Chợ Saigon, Đông Ba, Viet-Wah, Asia Times Square… cũng như tiếp cận thêm các nhà hàng Việt tại Mỹ để làm nhà phân phối.
Với các giải thưởng đã đoạt được tại quê nhà sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn khi tham gia các hội chợ, đặc biệt là các hội chợ Tết có nhiều cộng đồng người châu Á, chợ nông sản (farmer market) hàng tuần tại hầu hết các thành phố. Việc tham gia các hội nhóm của người Việt để quảng bá cho các sản phẩm địa phương, đặc biệt là những nhóm Facebook đi chợ Việt online với hàng trăm ngàn thành viên sẽ là kênh tiếp cận không chính thức tiết kiệm nhất. Đồng thời, lưu ý đến các tiêu chuẩn Halal để phục vụ người đạo Hồi, Ấn Độ kèm thêm các thông tin sản phẩm bằng tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ngoài tiếng Anh sẽ dễ dàng chinh phục các khách hàng châu Á lớn tuổi hơn.
Trong tương lai gần, việc sử dụng hình ảnh các KOL (Key Opinion Leader) người Huế, đầu bếp gốc Việt nổi tiếng để quảng bá cho nguyên liệu ẩm thực Huế cũng là điều mà các chủ doanh nghiệp lưu tâm khi rất nhiều người cũng luôn hướng về quê hương, mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của Huế.
Trao đổi đầu xuân Ất Tỵ về kế hoạch chinh phục thị trường Hoa Kỳ sắp tới, anh Ngô Đức Vương, Giám đốc Công ty TNHH Hue One Food với sản phẩm bánh ép Thuận An nổi tiếng đã chia sẻ rằng: “Với khoảng 2,3 triệu người Việt tại Mỹ, người Mỹ gốc Á quan tâm đến thực phẩm Việt Nam và người Mỹ yêu thích ẩm thực châu Á và thực phẩm sạch thì đây là thị trường cực kỳ lớn cần được quan tâm khai thác. Tinh thần không chịu khuất phục trước khó khăn của người Huế là động lực cho toàn thể công ty chúng tôi mang chuông đi đánh xứ người. Sự đặc trưng về công thức bột sẽ là điểm khác biệt lớn nhất và là điểm nhấn cho sản phẩm địa phương”.
Anh Ngô Đức Vương cho biết thêm, việc tìm hiểu và thâm nhập thị trường Hoa Kỳ đã được Công ty tiến hành thực hiện ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu cho sản phẩm. Hiện công ty đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy mới ở thành phố Grand Prairie (Texas). Với mong muốn thể hiện xuyên suốt từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, ông chủ trẻ khẳng định, mỗi sản phẩm bánh ép Huế sẽ là mỗi câu chuyện có giá trị về Huế.