Doanh nghiệp vật liệu xây dựng: Chủ động vượt khó

Năm 2025, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) tiếp tục xu hướng hồi phục, tuy vậy tăng trưởng nhu cầu trong nước ở mức trung bình trong bối cảnh thị trường bất động sản, công trình, dự án xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn.

Năm 2025, thị trường tiêu thụ VLXD được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng nhưng có nhiều biến động.

Năm 2025, thị trường tiêu thụ VLXD được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng nhưng có nhiều biến động.

Thị trường VLXD đối mặt nhiều khó khăn

Theo các nhà phân tích thị trường, bước sang năm 2025, DN VLXD lạc quan về triển vọng thị trường tiêu thụ nhờ lực đẩy từ các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ như đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, NƠXH, cùng kỳ vọng hồi phục của thị trường BĐS khi các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ.

Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ghi nhận mức đầu tư công kỷ lục lên tới 791 nghìn tỷ đồng (tương đương 6,4% GDP) đã được Quốc hội phê duyệt. Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm. Để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, liên tiếp các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ ban hành.

Đối với thị trường BĐS, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp, đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó với sự cải thiện của nguồn cung BĐS tại khu vực phía Bắc và phía Nam. Số lượng dự án đang triển khai tiếp tục duy trì ở mức cao…

Các yếu tố trên chính là lực đẩy, tạo đà cho thị trường VLXD trong năm 2025 phát triển, kỳ vọng tốt hơn năm 2024. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, năm 2025, thị trường tiêu thụ VLXD được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng nhưng có nhiều biến động. Mặc dù các DN có thể đón nhận được nhiều cơ hội lớn, song ngành VLXD có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp, khó dự đoán của thị trường.

Cụ thể như: Thị trường thép năm 2025 tiếp tục xu hướng hồi phục, nhưng xuất khẩu bị kiềm chế do xu hướng bảo hộ gia tăng… hiệu quả hoạt động có thể được cải thiện nhưng chậm và thiếu bền vững. Thị trường thép khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ gặp khó từ nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm tăng trưởng chậm lại, mà còn tiếp tục chịu thêm áp lực từ thép xuất khẩu của Trung Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới và nằm ngay cạnh ASEAN. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á còn đưa vào hoạt động các nhà máy thép mới khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường khu vực ASEAN càng tăng cao. Các chính sách thuế của Mỹ sẽ có tác động lớn tới dòng chảy thương mại sản phẩm thép trên thị trường thế giới, có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu thép trong nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Thị trường bất động sản năm 2025 được kỳ vọng sẽ có thay đổi tích cực và có thể bước vào một chu kỳ phát triển mới, song theo một số nhận định, xu hướng và tốc độ phục hồi chỉ thực sự rõ nét dần từ nửa cuối năm 2025. Trong nước, thêm nhiều nhà máy thép mới đi vào hoạt động, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường nội địa.

Từ những yếu tố trên, ông Phạm Công Thảo. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam nhận định thị trường thép năm 2025 tiếp tục xu hướng hồi phục, tuy vậy tăng trưởng nhu cầu trong nước ở mức trung bình trong bối cảnh thị trường bất động sản, công trình, dự án xây dựng còn nhiều khó khăn.

Hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục chịu sức ép cạnh tranh cao, đối mặt với sản phẩm thép giá rẻ từ nước ngoài, hoạt động xuất khẩu bị kiềm chế do xu hướng bảo hộ gia tăng… hiệu quả hoạt động có thể được cải thiện nhưng chậm và thiếu bền vững.

Đánh giá về triển vọng thị trường xi măng năm 2025, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2025, ngành Xi măng có nhiều tín hiệu tốt lên. Những khó khăn của ngành được Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, thị trường cuối năm 2024 đã có chuyển động tích cực hơn từ quý IV/2024.

Nhưng thực tế 2 tháng đầu năm 2025 là thời điểm xi măng tiêu thụ chậm do rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hầu hết các DN xi măng đều sản xuất xuyên Tết, không dừng lò do chi phí đốt lại lò rất cao. Thị trường tiêu thụ nội địa yếu, cung vẫn vượt cao so với cầu.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết: Dù tình hình lạc quan hơn so với năm 2024 nhưng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do dư cung cao nên cạnh tranh giữa các doanh nghiệp rất gay gắt, trong khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào luôn ở mức cao. Sức ép môi trường đối với các nhà sản xuất xi măng ngày càng lớn, buộc các nhà máy phải đầu tư các hạng mục liên quan đến môi trường trong khi sản xuất, tiêu thụ rất khó khăn.

Chung tay gỡ khó

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, cần sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, kích cầu tiêu dùng, các giải pháp về phòng vệ thương mại, xúc tiến xuất khẩu, cũng như các nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp trong ngành.

Cụ thể là việc điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, kiềm chế lạm phát, tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Hay việc mở rộng room tín dụng cho lĩnh vực hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành vay vốn với mức lãi suất phù hợp, đồng thời Chính phủ đẩy mạnh có hiệu quả việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung trong năm 2025.

Nhiều doanh nghiệp xi măng đã và đang đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu dây chuyền công nghệ, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp xi măng đã và đang đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu dây chuyền công nghệ, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng.

Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng, ngoài đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh; công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; các công trình ứng phó biến đổi khí hậu... thì việc tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là những giải pháp kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ xi măng trong nước.

Hiện nhiều doanh nghiệp xi măng đã và đang đầu tư nâng cấp, cải tạo chiều sâu dây chuyền công nghệ, thiết bị để tiết giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giảm phát thải; Đầu tư các hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong sản xuất clinker và xi măng để giảm tiêu thụ điện; Đầu tư sử dụng rác thải để thay thế nhiên liệu đốt...

Một giải pháp các doanh nghiệp xi măng mong sớm được triển khai, đó là bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker. Đặc biệt, doanh nghiệp mong Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới. Sớm ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất để tiết kiệm tài nguyên.

Vũ Huyền – Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-chu-dong-vuot-kho-395295.html
Zalo