Thương lắm, xuân quê!
Mùa xuân là mùa mà người ta trông đợi nhất bởi đó là mùa của những tươi vui; cây cối đâm chồi, nảy lộc; mùa để người ta chúc phúc nhau và là mùa sum họp gia đình;...
Không khí chuẩn bị đón tết ở quê thường đến sớm hơn ở phố. Hai mươi tháng Chạp, hương tết đã chạm hiên nhà. Thường thì người dân ở quê dọn vườn cho sạch sẽ, sau đó dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Ở quê, hầu như nhà nào cũng trồng một vài gốc mai. Với những cây mai đẹp, gia chủ khó tính thì việc lặt lá mai vào dịp tết cũng là kỳ công! Kế đến là chuẩn bị nguyên liệu gói bánh tét. Mỗi người một công việc, làm rất say sưa, thích thú để chuẩn bị tết.
Hai mươi bảy tháng Chạp, một số nhà rục rịch ăn tết. Ăn tết ở quê thường rất giản dị, họ mời nhau không “khách sáo”. Sáng gặp nhau ngoài đường hoặc họ đến nhà mời nhau. Ngày xưa ở quê, đi ăn tết chẳng cần quà cáp gì. Cứ thế, ăn tết “xoay vòng” cho đến ngày đón giao thừa.
Phút giây đón giao thừa ở quê ấm cúng lắm! Cả nhà thường ngồi bên bếp lửa có nồi bánh tét to, vừa ăn bánh, mứt, vừa trò chuyện. Tất cả mọi người đều háo hức đón chờ thời khắc “năm cũ qua đi, năm mới… xông nhà!”. Mọi âu lo, mọi bất an, mọi điều chưa vừa lòng nhau trong cuộc sống thường nhật đều tan biến. Những ánh mắt của các thành viên trong gia đình nhìn nhau tràn đầy yêu thương. Và có lẽ, trong giây phút ấy, trong lòng mọi người đều thầm chúc người thân, gia đình bình an.
Mùng một tết là ngày háo hức và huyên náo nhất của trẻ con trong xóm. Mới sáng sớm đã rộn ràng, nào quần áo, giày dép mới xúng xính đi thắp nhang cho tổ tiên và nhận được lì xì. Hết mùng ba, ở quê, người dân xem như hết tết, mọi người trở về với công việc thường nhật.
Ngoài đồng, những cánh én vẫn “nghiêng chao chẻ gió”. Không khí tết còn vương vấn trên những cánh đồng quê và người nông phu miệng nở nụ cười tươi, chào đón một năm mới, cho những niềm vui mới. Cứ vậy, xuân quê bao đời nay vẫn đong đầy yêu thương như thế!./.