Thương hiệu Việt: Chuyển đổi để thích ứng xu hướng tiêu dùng mới

Trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về các yếu tố liên quan đến sức khỏe, môi trường, nhiều doanh nghiệp Việt đang chủ động thay đổi để thích ứng.

Theo nhận xét của nền tảng Metric, người tiêu dùng Việt ngày càng ưu tiên các cửa hàng chính hãng nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của dịch vụ.

Dây chuyền hiện đại hướng tới sản xuất xanh, bền vững của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Dây chuyền hiện đại hướng tới sản xuất xanh, bền vững của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Hàng kém chất lượng tràn lan

Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, chỉ riêng quý I-2025, hàng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử Shopee vào Việt Nam đạt doanh số 3.600 tỷ đồng với hơn 80 triệu sản phẩm bán ra, tăng hơn 12% doanh số và hơn 7% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng nhập khẩu hút khách nhờ lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng và phù hợp thị hiếu.

Cũng theo nền tảng này, giá trị trung bình mỗi sản phẩm trên sàn thương mại điện tử trong thời gian qua chỉ khoảng 45.200 đồng, cho thấy người tiêu dùng chuộng mua sắm số lượng lớn với chi phí thấp.

Một vấn đề đáng chú ý nữa là tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng không chỉ xuất hiện trên thị trường mà còn được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Thực phẩm giả và hàng hóa giả nói chung không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo một số tài liệu, việc sản xuất thực phẩm giả gây thiệt hại cho châu Âu hàng chục tỷ euro mỗi năm. Các chuyên gia độc lập cũng ước tính ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do thực phẩm giả.

Tại Việt Nam, tình trạng này có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp. Bởi với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm thực phẩm chức năng khác xa so với thực tế, đây là hành vi lách luật đáng bị lên án.

Xu hướng này đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nhà bán hàng trong nước, đặc biệt ở nhóm sản phẩm phổ thông, buộc nhà bán hàng trong nước phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược giá phù hợp để giữ thị phần.

Thay đổi theo hướng chất lượng, mang tính khác biệt

Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, kinh tế toàn cầu suy giảm và các yếu tố như chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá đang tác động tiêu cực đến thu nhập và tiêu dùng nội địa. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi với xu hướng mua sắm trực tuyến (online) và nhu cầu về sản phẩm xanh, có nguồn gốc rõ ràng.

Theo dự báo của Fortune Business Insights, thị trường công nghệ xanh và phát triển bền vững toàn cầu sẽ đạt quy mô 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 20,8% trong giai đoạn 2023-2030. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết nhanh chóng thích ứng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các giá trị bền vững khi lựa chọn sản phẩm. Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam Nguyễn Tuấn Dương chia sẻ, khách hàng giờ đây mua sản phẩm không chỉ vì chất lượng, mà vì họ tin sản phẩm đó gắn với trách nhiệm môi trường và xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp còn phải chú trọng đến toàn bộ quy trình sản xuất. Bao bì đóng gói phải thân thiện với môi trường, nguyên vật liệu đầu vào cần minh bạch nguồn gốc, bảo đảm không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, các doanh nghiệp ngành đồ uống đã và đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới từ thị trường. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường như nghĩa vụ tái chế, Luật Bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đồ uống còn mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, tận dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh tái chế phụ phẩm. Việc đầu tư vào sản xuất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành mà còn gia tăng niềm tin từ người tiêu dùng, mở rộng cơ hội xuất khẩu, đồng thời tạo nền tảng phát triển bền vững.

Trước xu hướng tiêu dùng mới của người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không chủ động thay đổi để thích ứng, doanh nghiệp sẽ tụt lại phía sau. Đây là thực tế đã được minh chứng trên thị trường quốc tế và đang ngày càng rõ nét tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) không chỉ là bộ tiêu chí đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn là "giấy thông hành" giúp doanh nghiệp bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà đầu tư, đối tác quốc tế hiện nay đều rất coi trọng các tiêu chí ESG khi lựa chọn hợp tác hoặc rót vốn.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện sống còn cho doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Việc chủ động xây dựng chiến lược số hóa, phát triển ESG sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuong-hieu-viet-chuyen-doi-de-thich-ung-xu-huong-tieu-dung-moi-701893.html
Zalo