TPHCM trước ngưỡng cửa trở thành đô thị dịch vụ hàng đầu
Đồng hành tăng trưởng cùng nền kinh tế TPHCM không chỉ có các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự góp mặt của các doanh nghiệp tại nước ngoài. Trong hơn ba thập niên hoạt động, với quy mô tài sản đang quản lý khoảng 5 tỉ đô la Mỹ, Dragon Capital là một trong những công ty quản lý quỹ đang tích cực trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn.
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã có dịp trao đổi với ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital, về cơ hội đưa TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực tài chính trong bối cảnh chuỗi cung ứng châu Á đang tái định hình mạnh mẽ.

Ông Dominic Scriven, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Dragon Capital
Là quỹ ngoại tham gia thị trường Việt Nam hơn 30 năm qua, gắn bó với TPHCM kể từ khi thị trường vốn bắt đầu mở cửa, ông đánh giá gì tăng trưởng của thành phố hiện nay?
- Nếu thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta có thể thấy vai trò của TPHCM trong 10 năm qua đang giảm sút so với nền kinh tế chung, không hẳn là vì bản thân thành phố yếu đi mà chủ yếu bởi các khu vực khác đang phát triển mạnh mẽ hơn nhờ động lực mới.
Động lực này đến sự chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, hay Hàn Quốc, Đài Loan, khu vực Đông Nam Á... Trong đó, Việt Nam thể hiện sức cạnh tranh rõ nét, tạo nên làn sóng đầu tư mới, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Chúng ta thấy rõ điều này qua tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng, nổi bật nhất là Bắc Ninh. Với con số như vậy, nền kinh tế phía Nam nói chung và đặc biệt là TPHCM nói riêng không còn giữ vị thế dẫn đầu xét về tốc độ tăng trưởng. Điều này vừa là sức ép nhưng cũng là cơ hội của thành phố.
Vậy cơ hội cho thành phố sẽ đến từ đâu, thưa ông?
- Một vấn đề nóng được nhắc nhiều hiện nay là thành phố sẽ được giữ lại bao nhiêu nguồn kinh phí để tự chủ đầu tư cho các nhu cầu phát triển. Về cá nhân, tôi quan tâm đến lợi thế của thành phố như là một trung tâm thương mại hàng đầu của cả nước và khu vực. Điều này đã có từ khá lâu rồi nhưng chưa được “đánh bóng” lại, chưa được ủng hộ đầy đủ. Thành phố không phải là nơi để đặt nhà máy sản xuất, mà là trung tâm dịch vụ, cơ sở hoạt động của rất nhiều dịch vụ như hậu cần nguồn nhân lực, tài chính và chiến lược kinh doanh.
Tiếp theo là nguồn nhân lực, cơ sở để doanh nghiệp kinh doanh, doanh nhân trẻ khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở hoạt động. TPHCM là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng. Trong đó, có sự hiện diện của nhiều nhóm công dân nước ngoài đến từ nhiều khu vực như Đông Á, Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nga.
Với sự dịch chuyển của hệ thống chuỗi cung ứng như hiện nay, cộng đồng này sẽ đem lại cơ hội lớn cho sự phát triển. Vì vậy, chúng ta nên xem xét thiết kế một cơ chế chiến lược hướng đến nhóm này. Trong đó, có việc cải thiện môi trường sống, bao gồm nhiều yếu tố như chi phí sinh hoạt, nhà ở, trường học, dịch vụ y tế và các tiện ích đi kèm.
Ngoài việc tạo môi trường cho người lao động, TPHCM cần làm gì để gia tăng sức hấp dẫn khi nhìn từ góc độ của một quỹ đầu tư?
- Theo tôi, đầu tiên các bên liên quan nên sử dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS; kế đến là cho phép các công ty có trụ sở tại TPHCM có thể hạch toán các nguồn thu nhập được hưởng ở các nước khác mà không bị đánh thuế hai lần; các khoản thu nhập này được gửi ngân hàng bằng ngoại tệ, được chuyển đi một cách hợp pháp; đẩy mạnh hoạt động và nâng cao uy tín của trung tâm trọng tài thương mại và cuối cùng là xem xét cơ chế cho chuyên gia nước ngoài, đây không phải là vấn đề quá lớn nhưng được quan tâm.
Nhìn chung, các giải pháp này dù không mới nhưng vẫn chưa thấy rõ ràng và chưa được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Nếu liên kết được các vấn đề này thành một gói giải pháp thì sẽ rất hấp dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài đến với thành phố.
Một vấn đề khác là phải đầu tư thêm vào hạ tầng gần như đặc biệt là giao thông vận tải và giao thông công cộng. Tôi vẫn chưa hiểu vì sao đến giờ này thành phố vẫn chỉ có một bãi đỗ xe cao tầng phục vụ cho công chúng ở sân bay. Năm 2025, TPHCM chúng ta có metro nhưng gần như cũng quá tải, taxi đường sông đến khu Thảo Điền cũng chưa có. Tất nhiên, có những lý do để giải thích cho dự án chậm trễ nhưng chính quyền thành phố cần có sự thay đổi rõ nét trong cách tiếp cận.
Gần đây, một chủ đề rất được quan tâm là việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, ông nghĩ gì về việc này?
- Đây là vấn đề rất hợp thời, phù hợp cả về thời gian, địa điểm, cả về nhu cầu và cơ hội. Nếu tính quy mô thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chính phủ, có khoảng 75% là tập trung ở TPHCM. Đây là cơ hội và cũng là nhu cầu để xây trung tâm tài chính, nâng cấp, khuyến khích sao cho thị trường tại đây hoạt động hiệu quả hơn.
Vấn đề là thị trường vốn của Việt Nam cho đến bây giờ chủ yếu vẫn tập trung bán lẻ, không khuyến khích bán sỉ trong khi bán sỉ có quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và nhiều lợi ích hơn.
Trong điều kiện thiếu vắng các tổ chức thì việc xây dựng thị trường ban đầu dựa vào bán lẻ, phù hợp, khuyến khích người dân tham gia. Với một thị trường có nhiều nhà đầu tư cá nhân, cần phải đảm bảo đến mức tối đa quyền lợi của họ nhưng nhiều cơ chế trên thị trường lại chưa hiệu quả. Điển hình như cơ chế phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý chưa có định nghĩa rõ ràng và thống nhất về tiêu chuẩn “nhà đầu tư chuyên nghiệp” được hưởng quyền lợi gì và phải chấp nhận rủi ro gì khi tham gia thị trường.
Cho nên, dựa trên nền tảng sẵn có là thị trường nhà đầu tư cá nhân cơ quan quản lý, cần phải nâng cấp thêm một bước là thị trường bán sỉ, tiếp theo là kết hợp và thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia. Theo quan điểm của tôi, đây mới đúng là tinh thần của trung tâm tài chính quốc tế.