Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Siết lỗ giả, chống chuyển giá

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng ưu đãi cho đổi mới sáng tạo, siết gian lận thuế, tránh ưu đãi tràn lan.

Sáng 12/5, tại phiên họp toàn thể Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là một trong những dự luật then chốt tại Kỳ họp thứ 9, nhằm cập nhật chính sách thuế phù hợp với thực tiễn phát triển, bảo đảm công bằng và hiệu quả trong thu thuế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cần được củng cố mạnh mẽ.

Quốc hội họp toàn thể tại hội trường

Quốc hội họp toàn thể tại hội trường

Không để ưu đãi thuế bị lợi dụng để chuyển giá, trốn thuế

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý với nhiều điểm mới đáng chú ý, trên nguyên tắc “khuyến khích phát triển đi đôi với kiểm soát gian lận”. Một trong những nội dung trọng tâm là quy định miễn thuế đối với khoản tài trợ cho hoạt động phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

“Chúng tôi đề nghị Quốc hội cho phép miễn thuế với tất cả các khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ, đồng thời yêu cầu Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết để chống việc bị lợi dụng chính sách”, ông Phan Văn Mãi phát biểu.

Mặc dù chủ trương là khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh phải đặc biệt thận trọng với các quan hệ tài trợ giữa các doanh nghiệp có liên kết. Bởi lẽ, các khoản tài trợ lớn trong lĩnh vực công nghệ thường khó định giá theo thị trường, dễ bị lợi dụng để chuyển lợi nhuận, giảm nghĩa vụ thuế.

Dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản và chuyển nhượng dự án đầu tư với lỗ từ ngành nghề khác. Đây là thay đổi lớn so với quy định hiện hành vốn không cho phép bù trừ, nhằm bảo đảm đóng góp đầy đủ của ngành bất động sản vào ngân sách.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ lo ngại: “Quy định này nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo cơ chế để doanh nghiệp hạch toán lỗ giả từ hoạt động phụ để làm giảm nghĩa vụ thuế từ bất động sản, vốn là lĩnh vực tạo ra lợi nhuận lớn”.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải đánh giá chi tiết tác động thực tiễn sau khi chính sách được áp dụng, nhất là trên cơ sở theo dõi sự thay đổi nghĩa vụ thuế và số nộp ngân sách của các doanh nghiệp bất động sản.

Tập trung ưu đãi đúng đối tượng, siết lại chi phí mập mờ

Về chính sách ưu đãi, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng “ưu đãi có chọn lọc”, tránh dàn trải. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 94% tổng số doanh nghiệp cả nước dự thảo chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế suất 15% hoặc 17%, thay vì áp dụng toàn bộ các tiêu chí như trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Luật cũng siết lại các quy định về chi phí được trừ. Những khoản chi không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng đã phát sinh thực tế được quy định thành một khoản mục riêng, nhằm tránh vướng mắc và lạm dụng trong thực hiện.

Đặc biệt, Luật cho phép doanh nghiệp được trừ khoản chi bổ sung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vượt mức thực chi. Tuy nhiên, quy định này đi kèm với điều kiện chặt chẽ về phạm vi, mức chi và tiêu chuẩn áp dụng, do Chính phủ hướng dẫn.

Một điểm nhấn khác trong báo cáo của ông Phan Văn Mãi là đề xuất chấm dứt việc lồng ghép các chính sách ưu đãi thuế trong các luật chuyên ngành như đầu tư, khoa học - công nghệ, thông tin và truyền thông…

“Ưu đãi thuế chỉ nên được quy định trong văn bản pháp luật về thuế. Không thể để các luật chuyên ngành tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn và khiến chính sách thuế bị phân tán, khó kiểm soát”, ông Mãi nêu quan điểm.

Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật này”. Quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất và quyền chủ động cho ngành tài chính trong quản lý hệ thống thuế.

Báo chí, công nghệ số và đầu tư mở rộng tiếp tục được ưu đãi

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định ưu đãi thuế cho các lĩnh vực đặc biệt như báo chí, công nghệ số, và đầu tư mở rộng. Theo đó, tất cả các loại hình báo chí cả báo in và báo điện tử đều được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%. Đây là một động thái thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới vai trò của truyền thông trong xây dựng xã hội thông tin.

Đối với lĩnh vực công nghệ số, quy định ưu đãi thuế được điều chỉnh đồng bộ với Luật Công nghiệp công nghệ số. Còn với đầu tư mở rộng, mặc dù một số ý kiến lo ngại sẽ gây khó khăn trong quản lý, nhưng cơ quan thẩm tra vẫn cho rằng cần duy trì ưu đãi thuế cho các dự án đã hết thời hạn ưu đãi, miễn là đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi khẳng định định hướng xuyên suốt là tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, nhưng đồng thời đảm bảo kỷ cương ngân sách, tránh thất thu.

Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra mức tăng trưởng GDP 8% như mục tiêu đề ra, nhưng điều đó chỉ bền vững nếu chính sách thuế đủ chặt chẽ, minh bạch và không bị lợi dụng”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Các điểm nhấn nổi bật trong dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi)

Miễn thuế tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cho phép bù trừ lãi từ bất động sản với lỗ ngành khác; doanh nghiệp được trừ chi phí R&D vượt mức thực chi; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo doanh thu; cấm lồng ghép chính sách ưu đãi thuế trong luật chuyên ngành; thống nhất thuế ưu đãi 10% cho toàn bộ báo chí; điều chỉnh ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ số, đầu tư mở rộng; tăng kiểm soát chuyển giá, chống gian lận thuế giữa doanh nghiệp liên kết; bổ sung cơ chế đánh giá tác động, theo dõi thực hiện chính sách; đảm bảo đồng bộ với Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-siet-lo-gia-chong-chuyen-gia-387138.html
Zalo