Thương chiến 2.0: Việt Nam hưởng lợi khi Mỹ 'để ý' tới các đối thủ nhưng khó tránh thiệt hại sau đó
Trong giai đoạn đầu khi Mỹ 'để ý' tới các đối thủ gồm: Trung Quốc, Mexico và Canada, Việt Nam và các quốc gia ASEAN sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc nhưng ở giai đoạn sau của thương chiến 2.0, rất khó để tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.
Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1, ông Donald Trump đã đưa ra hàng loạt động thái về thuế quan đánh dấu cuộc chiến thương mại 2.0 chính thức bắt đầu.
Đầu tháng 2/2025, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, ngoại trừ dầu Canada bị đánh thuế ở mức 10%. Đồng thời, toàn bộ hàng Trung Quốc cũng bị áp thêm 10% thuế.
Đến ngày 3/2, ông Trump đồng ý hoãn áp thuế đối với Mexico thêm một tháng khi nước này cam kết ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ. Tương tự, Canada cũng được lùi thời gian áp thuế thêm 1 tháng.
Mới đây, ông Trump tiếp tục áp thuế 25% với các mặt hàng nhôm và thép, dự kiến áp dụng từ 4/3. Điều này cho thấy cuộc chiến tranh thương mại lần thứ 2 vào nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ không dễ dàng dừng lại mà thậm chí còn phức tạp hơn.
Việt Nam nằm ở giai đoạn "phía sau" của thương chiến
Đánh giá về những rủi ro đối với Việt Nam trong cuộc thương chiến 2.0, các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan cao nhất trong ASEAN do thặng dư thương mại lớn nhất trong khu vực.
Với toàn cầu, rủi ro thuế quan vẫn phủ một bóng mây lên triển vọng thương mại. Trong đó, các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ đứng trước nhiều bất định. Bởi động thái trì hoãn việc áp thuế với Canada và Mexico trong 30 ngày cho thấy vấn đề thuế quan hoàn toàn có thể đàm phán thay đổi cách nhanh chóng khác với tất cả các giai đoạn trước.
![TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương quốc Anh. (Ảnh: NVCC).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_365_51473929/242e173a2674cf2a9665.jpg)
TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương quốc Anh. (Ảnh: NVCC).
TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Vương quốc Anh thì cho rằng, những diễn biến về thuế quan vừa qua có thể gọi là “bất định từ rủi ro đã biết trước”.
Rủi ro từ việc ông Trump trở thành Tổng thống sẽ khơi mào chiến tranh thương mại là điều chúng ta đã biết từ trước nhưng phạm vi tới đâu, tác động ra sao và sẽ kéo dài bao lâu lại là những điều bất định.
Thương chiến sẽ gây ra nhiều tác động, trong đó dễ thấy nhất là làm tăng lạm phát ở những nước bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đẩy lạm phát toàn cầu lên. Đồng thời, cuộc chiến này chắc chắn sẽ gây tổn thất với lợi nhuận doanh nghiệp nếu họ không thể chuyển toàn bộ chi phí thuế quan lên người tiêu dùng.
Chuỗi cung ứng và việc làm ở những nước bị ảnh hưởng trước mắt là Trung Quốc, Mexico, Canada sẽ bị tác động tiêu cực và các chính sách đáp trả ngoài phạm vi thương mại (như Trung Quốc đang làm) gây tổn hại cho các công ty đa quốc gia, ông Tuấn phân tích.
Trong đó, việc những nhóm hàng nào sẽ chịu thuế suất bao nhiêu và có điều khoản miễn trừ không là câu hỏi đang rất được quan tâm. Trong “thương chiến 1.0”, có một danh sách “ngoại lệ” dài đối với nhiều nhóm hàng, do đó, tác động của thuế quan có thể không lớn như nó cho thấy bề ngoài.
Ngoài ra, những quyết định được thay đổi chóng vánh của ông Trump khiến việc dự báo và đưa ra các kịch bản trở nên khó khăn. Ngay cả việc di chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc giá cũng có thể bị dừng lại bởi việc chuyển đổi rất tốn kém cả thời gian lẫn đầu tư nhưng quyết định thuế quan của ông Trump lại chỉ trong ngắn hạn.
![Việt Nam đứng thứ 4 trong số các đối tác mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn nhất năm 2024. (Nguồn: Hạ An tổng hợp).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_365_51473929/1cc72ad31b9df2c3ab8c.jpg)
Việt Nam đứng thứ 4 trong số các đối tác mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn nhất năm 2024. (Nguồn: Hạ An tổng hợp).
Trên thực tế, Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại rất lớn với Việt Nam (tới 123 tỷ USD năm 2024) liên tục có xu hướng tăng. Một số quốc gia mà Mỹ thâm hụt lớn như: Trung Quốc, Mexico hay Canada đều đã có phương án áp thuế, vì vậy rủi ro của Việt Nam là rất lớn.
"Tuy nhiên, Mỹ đang tập trung sự chú ý vào các đối tác thương mại lân cận (Mexico, Canada và EU) cùng với đối thủ truyền thống là Trung Quốc", các nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) phân tích.
Mặt khác, cán cân thương mại Mỹ - Việt phản ánh một thực tế sâu xa hơn về chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi thâm hụt thương mại hiện tại chủ yếu bắt nguồn từ xuất khẩu linh kiện điện tử, dệt may và giày dép từ khu vực FDI - các doanh nghiệp đang tận dụng lợi thế chi phí lao động cạnh tranh và chính sách đầu tư nước ngoài thuận lợi của Việt Nam, đồng thời thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1".
Các nhà phân tích từ MASVN cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ việc thực thi các quy tắc xuất xứ “rules-of-origin” đối với hàng hóa chuyển tải. Tuy nhiên, chính Mỹ cũng không tránh khỏi tác động.
Đối với Mỹ, Economist Intelligence Unit ước tính việc tăng thuế 20 điểm % đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể làm giảm GDP của Trung Quốc khoảng 0,6 điểm % từ năm 2025 đến 2027, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ước tính rằng việc kết hợp thuế quan đối với Canada, Mexico và Trung Quốc có thể dẫn đến lạm phát PCE cơ bản tăng 0,8 điểm %.
Do đó, một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát đối với hoạt động tiêu dùng nội địa của Mỹ, làm chậm lộ trình giảm lãi suất của Fed; qua đó tác động gián tiếp đến tỷ giá và môi trường lãi suất của Việt Nam.
Trong ngắn hạn, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, phía Mỹ sẽ “để ý” tới Việt Nam với tư cách là một nước có thặng dư thương mại lớn. Vì vậy, Việt Nam có thể hưởng lợi từ tiến trình “câu giờ” này. Tuy nhiên, sau đó, Việt Nam khó có thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, chuyên gia Hồ Quốc Tuấn dự báo.
Tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt
Về tỷ giá, báo cáo từ MASVN cho hay năm 2024, tỷ giá USD/VND chịu áp lực kéo dài đến từ các yếu tố bất định liên quan đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed, khiến đồng VND mất giá 4,8% so với đầu năm.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động triển khai các biện pháp can thiệp tiền tệ, bao gồm quản lý thanh khoản thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và các hợp đồng mua lại đảo ngược (RRP), kết hợp với việc bán USD từ dự trữ ngoại hối thông qua các giao dịch kỳ hạn kết hợp với hợp đồng giao ngay, giúp phần nào ổn định tỷ giá và lãi suất trong nước.
![Tỷ giá USD/VND các tháng giai đoạn 2022 - 2025. (Nguồn: MASVN).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_365_51473929/ba1f810bb045591b0054.jpg)
Tỷ giá USD/VND các tháng giai đoạn 2022 - 2025. (Nguồn: MASVN).
Sang năm 2025, tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ các yếu tố hỗ trợ như dòng kiều hối tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán và các chỉ số kinh tế vĩ mô cải thiện. Đáng chú ý, lạm phát cơ bản của Mỹ (không bao gồm các mặt hàng có tính biến động cao như thực phẩm và dầu khí) ổn định đã làm giảm áp lực từ bên ngoài.
Tính đến ngày 7/2/2025, tỷ giá trên kênh liên ngân hàng đã giảm 0,57% so với đầu năm, cho thấy một khởi đầu tương đối thuận lợi đối với năm 2025 dù có tăng nhẹ vào đầu tháng 2.
Trong tháng 1/2025, NHNN phát hành tín phiếu qua OMO với tổng giá trị 162,5 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, lãi suất 4%/năm. Đồng thời, NHNN cũng thực hiện các hợp đồng RRP với tổng giá trị 233,5 nghìn tỷ đồng, cùng mức lãi suất. Sau ngày 20/1, NHNN điều chỉnh kỳ hạn của các hoạt động RRP lên 14 ngày và 21 ngày để phù hợp hơn với điều kiện thanh khoản thị trường.
Diễn biến này cũng được Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dự báo từ trước.
Ông cho rằng, hiệu ứng với việc ông Trump làm tổng thống sẽ giảm dần. Đầu năm nay, các chính sách kinh tế của ông Trump bắt đầu bộc lộ rõ nên hiệu ứng lo ngại với cuộc chiến thương mại sẽ dần thu hẹp dần.
Bên cạnh đó, dù các chính sách của ông Trump có thể khiến lạm phát dai dẳng hơn nhưng do Fed đã giữ lãi suất ở mức cao khá lâu nên năm 2025, cơ quan này vẫn phải tiếp tục giảm lãi suất dù tốc độ chậm hơn. Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND sẽ giảm đi và áp lực tỷ giá bớt dần. Ngoài ra, USD Index đã có giai đoạn tăng đáng kể và sẽ phải điều chỉnh tạo thuận lợi cho điều hành tỷ giá.
"NHNN cũng luôn đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ chủ động, linh hoạt, sử dụng đồng bộ nhiều công cụ nên tôi cho rằng năm tới, tỷ giá vẫn chịu tăng nhưng sẽ tăng khoảng 3 - 4%", TS. Lực cho hay.