Thuế quan 'có đi có lại' của ông Trump đe dọa kinh tế toàn cầu

Ông Trump và những người ủng hộ ông đưa ra lập luận rất đơn giản về thuế quan có đi có lại...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế thế giới đang phải đương đầu với một tập hợp biến số phức tạp, từ xung đột địa chính trị và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc tới biến đổi khí hậu. Giữa bối cảnh như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đưa ra hàng loạt biện pháp thuế quan có khả năng gây đảo lộn trật tự đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ của thương mại quốc tế.

Trong số những chính sách mà ông Trump công bố trong tháng cầm quyền đầu tiên, có kế hoạch áp thuế quan “có đi có lại” lên các đối tác thương mại có đánh thuế hàng hóa Mỹ. Động thái này của ông Trump là sự mở rộng cuộc chiến thương mại 2.0 mà ông đã phát động trong nhiệm kỳ thứ hai. Không chỉ khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Mỹ và các quốc gia khác trở nên bấp bênh hơn, cuộc chiến này - nhất là thuế quan có đi có lại - còn đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế thế giới.

Ông Trump và những người ủng hộ ông đưa ra lập luận rất đơn giản về thuế quan có đi có lại: nếu các công ty Mỹ phải chịu thuế quan và các rào cản thương mại khác khi bán hàng hóa của họ sang một quốc gia khác, hàng hóa từ nước đó vào Mỹ cũng phải bị áp thuế quan tương xứng. Ông Trump từ lâu đã theo đuổi ý tưởng này, coi đây là một phương pháp dễ dàng để mang lại sự bình đẳng trước thực tế có nhiều đối tác thương mại của Mỹ duy trì mức thuế quan cao hơn so với thuế quan của Mỹ.

Trên thực tế, việc tính toán mức thuế quan cụ thể của mỗi trong số hàng nghìn sản phẩm liên quan tới hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ - và được mua bán bởi một số lượng cũng rất lớn các công ty Mỹ, từ các nhà sản xuất phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu cho tới các công ty bán lẻ nhập hàng thành phẩm từ nước ngoài - là một “núi” công việc khổng lồ.

“Có lẽ đây là một nhiệm vụ quá lớn. Đối với mỗi sản phẩm, mỗi phân loại thuế quan, có thể có tới 150 mức thuế khác nhau”, chuyên gia thương mại quốc tế Ted Murphy của Công ty luật Sidley Austin ở Washington DC, Mỹ nói với tờ báo New York Times.

NGUY CƠ BIẾN ĐỔI HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU

Ngày 13/2/2025, ông Trump ký một sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu phương thức tiến hành áp thuế quan có đi có lại. Các cơ quan hữu quan được yêu cầu đến ngày 1/4/2025 phải trình lên Tổng thống một báo cáo về mức thuế quan và rào cản thương mại khác, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) mà mỗi quốc gia áp với mỗi hàng hàng hóa Mỹ, nhằm xác định mức thuế áp lại cho tương xứng. Nếu được áp, thuế quan có đi có lại đặt ra rủi ro gia tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ giữa lúc lạm phát ở nước này còn cao dai dẳng, thách thức chính cam kết của ông Trump về đưa giá cả thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu hàng ngày khác giảm xuống. Tình trạng lạm phát cao kéo dài sẽ làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải trì hoãn việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Chủ trương áp thuế quan có đi có lại của ông Trump cũng có thể đẩy nhanh sự suy yếu của hệ thống giao thương toàn cầu vốn từ lâu tập trung vào các khối đa phương và có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giữ vai trò phân xử các tranh chấp. Ông Trump muốn mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, các thỏa thuận đa phương nhường chỗ cho các cuộc đàm phán song phương giữa một quốc gia với một quốc gia khác theo tinh thần chủ nghĩa dân tộc.

Một sự dịch chuyển như vậy của hệ thống thương mại có thể gia tăng sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu sau nhiều biến động trong những năm gần đây. Chưa “hoàn hồn” sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ cầm quyền trước của ông Trump, các công ty toàn cầu còn phải đương đầu với giá cước vận tải biển tăng chóng mặt vì những trở ngại ở kênh đào Suez và kênh đào Panama - hai đoạn huyết mạch trong hệ thống vận tải biển của thế giới.

Giờ đây, ông Trump đang đặt ra một bài toán hóc búa nữa cho các doanh nghiệp. Trong hệ thống đã duy trì suốt 3 thập kỷ qua, các thành viên WTO đặt ra thuế quan cho mỗi loại hàng hóa, áp cùng một mức thuế suất căn bản cho tất cả các thành viên của tổ chức này. Các nước thành viên WTO cũng có các thỏa thuận dựa trên đàm phán với các quốc gia khác và thông qua các khối thương mại khu vực để hạ thuế quan xuống mức thấp hơn.

Ông Trump từ lâu đã xem Mỹ là một “nạn nhân” của cấu trúc này, xoáy vào thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Trung Quốc, Mexico và Đức. Khi công bố kế hoạch áp thuế quan có đi có lại, ông tuyên bố mình có thẩm quyền đàm phán lại các điều khoản thương mại theo mong muốn của ông, bất chấp các thỏa thuận thương mại hiện có.

Có vẻ như không phải vô tình mà ông Trump đưa ra kế hoạch thuế quan có đi có lại vào đúng ngày mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nhà Trắng. Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Ấn Độ, trong đó thâm hụt thương mại hàng hóa là 45 tỷ USD trong năm 2024. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), các mặt hàng nhựa và hóa chất của Ấn Độ khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu mức thuế quan dưới 6%, trong khi sản phẩm tương tự của Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ phải chịu mức thuế quan từ 10-30%.

Nếu chính quyền ông Trump nâng thuế quan của Mỹ lên mức tương ứng, các nhà máy ở Mỹ sẽ buộc phải trả mức giá cao hơn cho hóa chất và nhựa nhập khẩu. Câu chuyện tương tự có thể xảy ra ở hàng loạt các hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp khác, như hàng dệt may và cao su từ Indonesia hay máy móc và nông sản từ Brazil.

IPC - một tổ chức hiệp hội hàng đầu của Mỹ trong ngành công nghiệp điện tử - cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. “Thuế quan mới sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy hoạt động sản xuất ra nước ngoài, làm suy yếu thêm nền sản xuất công nghiệp điện tử của nước Mỹ”, Chủ tịch IPC John W. Mitchell đưa ra trong một tuyên bố.

Một số chuyên gia xem kế hoạch thuế quan có đi có lại của ông Trump có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán nhằm buộc các đối tác thương mại của Mỹ phải hạ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ, thay vì là tiền đề để Mỹ tăng thuế quan. Nếu đúng là như vậy, quy trình tính toán mức thuế quan mới có thể sẽ dẫn tới giá cả hàng hóa ở Mỹ rẻ hơn.

“Chuyện này có thể đi theo nhiều chiều hướng rất tồi tệ đối với Mỹ. Nhưng nếu ông Trump có thể khiến các quốc gia khác mở cửa thị trường, vẫn có một cơ hội mong manh mà ở đó kế hoạch này, rốt cục lại thúc đẩy thương mại”, bà Christine McDaniel, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ thời chính quyền Tổng thống George W. Bush và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Mercatus, Đại học George Mason ở Virginia, nhận định với New York Times.

DOANH NGHIỆP MỸ GẶP KHÓ TRĂM BỀ

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo rằng quy trình đàm phán, nếu có, rất có thể sẽ chịu sự chi phối nhiều hơn của lợi ích các đồng minh thân cận của ông Trump thay vì các mục tiêu quốc gia. Tesla, hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính quyền Trump 2.0, có thể hưởng lợi từ việc miễn trừ thuế quan đối với một số linh kiện chủ chốt.

Tình trạng bấp bênh do các kế hoạch thuế quan của ông Trump gây ra đang khiến các doanh nghiệp hoạt động ở Mỹ phải dự đoán xem câu chuyện sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào. Việc dự đoán đầy khó khăn này nhằm mục đích xác định giá nhập khẩu linh kiện hoặc hàng thành phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, điều doanh nghiệp cần là sự chắc chắn, nhưng đó là một điều xa xỉ vào lúc này.

Từ nhiệm kỳ trước của ông Trump, khi ông áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, một chính sách được tiếp nối và mở rộng bởi Tổng thống Joe Biden, các công ty bán hàng hóa ở thị trường Mỹ đã dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Giá cước vận tải biển tăng mạnh khiến các công ty rút ngắn khoảng cách giữa nhà máy và thị trường Mỹ - một xu hướng gọi là “nearshoring” (dịch chuyển sản xuất về gần).

“Đế chế” bán lẻ Walmart đã chuyển nhiều đơn hàng từ các nhà máy ở Trung Quốc sang Ấn Độ và Mexico. Hãng thời trang thể thao Columbia Sportswear đã tìm kiếm địa điểm mở nhà máy ở khu vực Trung Mỹ. MedSource Labs, một nhà sản xuất thiết bị y tế, đã chuyển đơn hàng từ các nhà máy ở Trung Quốc sang một nhà máy mới ở Colombia.

Ông Trump đã thách thức chiến lược dịch chuyển sản xuất đó bằng cách đe dọa áp thuế quan 25% lên hàng hóa từ Mexico, Canada và Colombia, nhưng sau đó lại nhanh chóng hoãn việc áp thuế đó. Tuy nhiên, ông đã áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu và áp thuế quan bổ sung 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Tuần vừa rồi, ông tuyên bố sắp tới sẽ áp thuế quan lên ô tô, dược phẩm và con chip. Việc ông Trump sẽ nhắm tới mục tiêu nào tiếp theo, có lẽ đang là chủ đề thảo luận trong phòng họp của doanh nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới.

Đã có những ý kiến cho rằng sự bấp bênh mà những động thái thuế quan của ông Trump gây ra chính là điều mà ông muốn. Ông Trump từ lâu đã khẳng định mục tiêu cuối cùng của ông là khiến các doanh nghiệp phải mở nhà máy ở Mỹ - cách đáng tin cậy duy nhất để tránh được thuế quan Mỹ. Ông càng nhắm đến nhiều quốc gia, rủi ro mà mỗi công ty phải đối mặt khi tính đến chuyện mở nhà máy ở một nơi khác ngoài Mỹ sẽ càng lớn hơn.

Vấn đề nằm ở chỗ ngay cả các nhà máy đặt ở Mỹ cũng phụ thuộc vào nguồn nguyên, vật liệu thô và linh kiện nhập khẩu. Hơn 1/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ là phụ tùng, linh kiện và nguyên vật liệu thô. Việc làm cho các hàng hóa này đắt đỏ hơn sẽ phá hỏng sức cạnh tranh của các công ty Mỹ và công ăn việc làm ở Mỹ.

Hãng xe Ford của Mỹ mới đây đã cảnh báo rằng thuế quan áp lên Mexico và Canada sẽ gây đảo lộn chuỗn cung ứng của hãng. “Thuế quan 25% áp lên hàng Mexico và Canada sẽ gây ra một lỗ hổng mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ trong nền công nghiệp Mỹ”, CEO Jim Farley của Ford cho biết.

Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang chật vật để xác định tuyên bố nào của ông Trump chỉ là chiến thuật đàm phán và đâu là sự thay đổi thực sự. Đối với các công ty đa quốc gia, mức thuế quan của Mỹ đối với mỗi quốc gia trên thế giới có vẻ như đột nhiên sẽ là những nội dung mà họ phải điều chỉnh lại trên bảng cân đối kế toán, mà cũng có thể họ sẽ không phải điều chỉnh nội dung đó. “Chúng tôi nhìn nhận những động thái của ông Trump là nghiêm túc, nhưng không hoàn toàn như vậy. Ông ấy nói đao to búa lớn, nhưng chúng ta cứ phải chờ xem điều gì thực sự diễn ra”, luật sư Murphy nhận định.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thue-quan-co-di-co-lai-cua-ong-trump-de-doa-kinh-te-toan-cau.htm
Zalo