EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần làm gì?
Liên minh châu Âu (EU) chính thức từ bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc cắt giảm thuốc trừ sâu song doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần xuất khẩu sản phẩm sạch vào châu Âu.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải xuất khẩu sản phẩm chất lượng, an toàn vào châu Âu
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, EU đã từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu. Điều này đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược nông nghiệp của khối, cũng như sự điều chỉnh trong chính sách thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green Deal).
Trước đó, mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030 từng là nền tảng của chính sách nông nghiệp bền vững của EU. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị loại bỏ vô thời hạn sau nhiều tranh cãi và phản đối mạnh mẽ từ nông dân cũng như các đảng cánh hữu.
Kế hoạch Quy định sử dụng bền vững thuốc trừ sâu (SUR), được đề xuất vào tháng 6-2022, đặt ra các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, bao gồm cấm hoàn toàn thuốc trừ sâu trong các khu vực nhạy cảm như công viên đô thị và khu bảo tồn Natura 2000. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ nông dân, dẫn đến việc bị rút lại vào năm 2023.
Sau khi hủy bỏ kế hoạch này, EU sẽ ưu tiên nâng cao tiêu chuẩn thương mại và đảm bảo thực phẩm nhập khẩu tuân thủ quy định về thuốc trừ sâu của khối. Một trong những sáng kiến quan trọng là Đạo luật Công nghệ Sinh học (Biotech Act), nhằm đẩy nhanh việc phát triển các giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống.
Thương vụ cho biết, việc EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.
Tuy nhiên, EU vẫn sẽ siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, đặc biệt là về dư lượng thuốc trừ sâu. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ canh tác sạch và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới của EU để duy trì và mở rộng thị phần tại khu vực này.
Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường trái cây và rau quả của EU lên đến 62 tỷ Euro, tương đương với 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, do đó doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý để có kế hoạch khai thác phù hợp.