Áp lực tỷ giá với Việt Nam trước chính sách thuế quan của Mỹ

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS Stanley Yap - giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, chính sách thuế quan của Chính quyền Trump sẽ gây áp lực lên tỷ giá với Việt Nam. Các cơ quan quản lý cần linh hoạt trong chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế, đồng thời giảm thiểu áp lực lạm phát nhập khẩu trong bối cảnh thị trường toàn cầu không chắc chắn về cách thức chính sách thuế đối ứng sẽ được chính quyền Trump xây dựng và thực hiện ra sao.

Việt Nam có thể cần dự trữ ngoại hối cao hơn để ứng phó với các áp lực tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Ảnh tư liệu

Việt Nam có thể cần dự trữ ngoại hối cao hơn để ứng phó với các áp lực tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn. Ảnh tư liệu

PV: Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện những bước đầu tiên của chính sách thuế quan như tuyên bố trong chiến dịch tranh cử khi áp thuế với hàng hóa của 1 số nước vào Mỹ. Theo ông, chính sách thuế quan của chính quyền Trump sẽ có tác động tới lạm phát tại Mỹ?

TS. Stanley Yap: Các chính sách thuế quan của chính quyền Trump dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến tình hình lạm phát tại Mỹ. Nghiên cứu gần đây cho thấy các chính sách này sẽ khiến gánh nặng thuế lên mỗi hộ gia đình ở Mỹ tăng thêm trung bình hơn 1.200 USD mỗi năm. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây về thương chiến Mỹ-Trung chỉ ra rằng thuế quan không làm giảm giá hàng nhập khẩu, nghĩa là người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu toàn bộ chi phí trong khi các nhà sản xuất trong nước cũng tăng giá. Do đó, thuế quan có khả năng sẽ khiến lạm phát gia tăng ở Mỹ, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Hơn nữa, việc Chính quyền Trump gần đây đưa ra chính sách thuế đối ứng có thể tạo thêm áp lực lạm phát, đặc biệt là đối với người tiêu dùng Mỹ có thu nhập thấp, những người phụ thuộc vào các mặt hàng thiết yếu nhập khẩu như giày dép và thực phẩm. Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát của Mỹ tăng từ 2,4% (tháng 9/2024) lên 3,0% (tháng 1/2025), do giá các sản phẩm nông sản và năng lượng tăng cao. Chính sách áp thuế có thể sẽ khiến lạm phát của Mỹ tồi tệ hơn nữa, vì chi phí cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu và nguyên liệu thô sẽ làm tăng thêm giá tiêu dùng tại Mỹ và toàn cầu.

PV: Lạm phát tại Mỹ tăng sẽ gây tác động thế nào tới áp lực tỷ giá đồng Việt Nam và lạm phát tại Việt Nam, thưa ông?

TS. Stanley Yap: Nghiên cứu trước đây cho thấy, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2018-2019, đồng USD tăng giá trên toàn cầu khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản an toàn hơn trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu, trong khi đó, tỷ giá USD/VND suy yếu với biên độ tỷ giá hối đoái mở rộng hơn.

Các doanh nghiệp nhập khẩu chịu chi phí cao hơn nếu VND mất giá

Theo một số chuyên gia, nếu xuất khẩu sụt giảm, đồng nghĩa với việc nguồn cung USD vào Việt Nam giảm, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đồng VND có thể mất giá, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và máy móc đối mặt với chi phí cao hơn. Điều này làm tăng chi phí sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cả tiêu dùng.

Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như điện tử, dệt may và giày dép, dẫn đến rủi ro đáng kể nếu bị áp thêm thuế. Điều này sẽ làm gián đoạn sự phát triển ngoại thương của Việt Nam và làm suy yếu VND. VND yếu hơn sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, đẩy chi phí sản xuất và lạm phát ở Việt Nam lên cao. Do hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phụ thuộc vào các nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu trong quá trình sản xuất, nên chi phí chuỗi cung ứng toàn cầu tăng kết hợp với VND yếu có thể làm tăng giá cả trong nước, hậu quả là tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Cộng đồng dễ bị tổn thương nhất sẽ là những người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Phân tích nghiên cứu trước đây về thương chiến Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019 cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu sang Mỹ đã không hạ giá khi chịu thuế; thay vào đó, người tiêu dùng Mỹ phải chịu gánh nặng thuế. Nếu mức thuế quan cao hơn của Mỹ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, điều này có thể làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Do đó, Chính phủ nên theo dõi chặt chẽ liệu chính sách thuế quan của ông Trump có làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn tỷ giá hối đoái và làm giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam hay không.

PV:Theo ông, Việt Nam cần lưu ý những gì trong chính sách tiền tệ để ứng phó với những áp lực tỷ giá trên?

TS. Stanley Yap: Chính phủ cần theo dõi sự chênh lệch lãi suất thị trường và biến động tỷ giá hối đoái giữa Việt Nam và Mỹ. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất do lạm phát gia tăng ở Mỹ sẽ làm đồng USD mạnh lên vì lãi suất cao hơn sẽ thu hút dòng vốn toàn cầu đổ vào nước Mỹ. Hệ quả là tỷ giá USD/VND sẽ tăng và tạo áp lực làm VND yếu đi. Điều này có thể đòi hỏi sự can thiệp về chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Nếu cuộc chiến thuế quan gây ra gián đoạn kinh tế nghiêm trọng ở Việt Nam, Chính phủ có thể cân nhắc can thiệp vào các chính sách tài khóa để giảm bớt tác động bất lợi của thuế quan, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc thương chiến.

Việc Chính quyền Trump áp thuế dự kiến sẽ làm tăng chi phí tìm nguồn cung ứng của doanh nghiệp ở nước ngoài và có khả năng làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trong nước. Các cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam cần linh hoạt trong chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế, đồng thời giảm thiểu áp lực lạm phát nhập khẩu trong bối cảnh thị trường toàn cầu không chắc chắn về cách thức chính sách thuế đối ứng sẽ được chính quyền Trump xây dựng và thực hiện ra sao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Có thể cần dự trữ ngoại hối cao hơn

Theo TS. Stanley Yap, nền kinh tế Việt Nam và Mỹ mang tính chất bổ trợ cho nhau chứ không phải cạnh tranh trực tiếp. Quan hệ thương mại song phương Mỹ - Việt đã và đang hợp tác bền vững khi Việt Nam là đối tác chiến lược của Mỹ và là thị trường lớn cho các nhà cung cấp sản phẩm của Mỹ, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên, máy bay và nguyên liệu nông nghiệp. Trong tương lai, có thể giảm thiểu thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong khi vẫn duy trì mối quan hệ thương mại song phương bền vững. Do đó, khả năng xảy ra tác động vô cùng tiêu cực từ việc áp thuế của Mỹ đối với Việt Nam là rất thấp.

Bình luận về đệm dự trữ ngoại hối của Việt Nam, TS. Stanley Yap cho biết, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của Việt Nam đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước. Dự trữ ngoại hối hiện tại của Việt Nam vào khoảng 90 tỷ USD, tương đương kim ngạch nhập khẩu của 2,4 tháng. Mức dự trữ ngoại hối này được coi là ở mức vừa phải chứ không quá cao, khi chuẩn mực quốc tế khuyến nghị ít nhất phải đủ khả năng chi trả nhập khẩu từ 3 đến 6 tháng.

Lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang có xu hướng ngày càng tăng trong dài hạn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy các nước đang phát triển như Việt Nam cần phải có khả năng chi trả nhập khẩu cho ít nhất 5 hoặc 6 tháng để dự phòng cho trường hợp thị trường thương mại toàn cầu gặp biến động. Việt Nam có thể cần dự trữ ngoại hối cao hơn để ứng phó với các áp lực tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn, ví dụ như can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn biến động quá mức của tỷ giá USD/VND nếu có cú sốc thị trường nào do phản ứng với kế hoạch thuế quan của Mỹ - TS. Stanley Yap khuyến nghị.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ap-luc-ty-gia-voi-viet-nam-truoc-chinh-sach-thue-quan-cua-my-170991.html
Zalo