Thực thi Nghị quyết 68: Phải rõ cách làm, ai làm và ai chịu trách nhiệm
Giới chuyên gia và doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng vào Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân sẽ được thông qua vào ngày mai, 17/5.
Thực thi Nghị quyết 68: Ai làm, ai chịu trách nhiệm
Theo nghị trình mới được cập nhật, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân sẽ được thông qua vào ngày mai, 17/5.
Đây là điều giới doanh nghiệp cũng như chuyên gia kinh tế đang rất chờ đợi. Bởi, như TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế vừa phát biểu, thể chế và bộ máy thực thi thực sự chuyển biến đang là điều kiện tiên quyết trong thực thi Nghị quyết 68.
Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng, song một nghị quyết là chưa đủ. Điều cần thiết là tất cả phải làm một cách thật quyết liệt, không hời hợt, chỉ như thế Nghị quyết mới có thể thực sự thành công”, ông Nghĩa nhấn mạnh trong phát biểu tại "Tọa đàm Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68" do Tạp chí Việt Nam Finance vừa tổ chức.
Song, chính các chuyên gia cũng thừa nhận, yêu cầu này là thách thức rất lớn, nhất là khi bối cảnh đất nước đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tới.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc cấp bách lúc này là phải kiện toàn lại bộ máy, cải tiến quy trình xây dựng và thực thi chính sách theo hướng vừa đảm bảo tính tuân thủ, vừa đề cao tính linh hoạt và khả năng phản ứng chính sách.
“Chúng ta không thể tiếp tục chỉ dừng ở khẩu hiệu hay tổng kết. Ví dụ, Nghị quyết 57-NQ/TW đã nêu ra tới 142 điều cần làm, rất cụ thể và thiết thực. Vậy với Nghị quyết 68, có bao nhiêu điều tương tự? Một điều quan trọng nữa là phải chỉ rõ biện pháp thực hiện, ai là người làm và ai là người chịu trách nhiệm. Nếu không, 10 năm nữa, chúng ta lại tiếp tục bàn về những ‘nút thắt thể chế’ như bây giờ”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Làm rõ bài toán tiếp cận vốn, đất đai
Với góc nhìn này, các vấn đề đang chờ đợi có cách làm rõ đang được bàn luận rất chi tiết. Từ góc độ doanh nghiệp, đó là việc tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng.
Trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024, tiếp cận đất đai tiếp tục làm khó doanh nghiệp. Có tới 74% doanh nghiệp trong tổng số 8.000 doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai. Tỷ lệ này trong lần khảo sát năm 2023 là 73%, cao hơn đáng kể so với mức 42,9% của năm 2022 và 53,9% năm 2021.
Bên cạnh việc rà soát, chấn chỉnh lại các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế đang chờ đợi việc thể chế hóa giải pháp đã được đưa ra tại Nghị quyết 68.
Cụ thể, Nghị quyết 68 yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp nêu trên.
Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất.
Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất trong các vụ việc tranh chấp, vụ án kéo dài.

TS. Nguyễn Đình Cung.
“Giao rõ quyền, trách nhiệm cho chính quyền địa phương, dư địa sẽ rất lớn. Một mặt, các địa phương sau sáp nhập sẽ có không gian rộng hơn đế sắp xếp. Mặt khác, áp lực thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng trên 10% sẽ buộc các địa phương phải có nhiều sáng kiến, sáng tạo để huy động nguồn lực, sử dụng nguồn lực, bố trí nguồn lực phát triển kinh tế”, TS. Cung phân tích.
Liên quan đến các giải pháp liên quan đến tín dụng, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc cần là thiết kế thị trường vốn đầu tư cho doanh nghiệp để thực hiện nhóm giải pháp về đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân mà Nghị quyết 68 đã đề cập.
Trước mắt, TS. Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, mục tiêu phải đưa tín dụng vào phục vụ sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển cũng như mở rộng cơ hội tiếp cận các dự án đầu tư...
Nếu cái gì là rào cản với doanh nghiệp thì cần xóa bỏ ngay
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, cách tiếp cận mới trong phát triển khu vực tư nhân không nên chỉ dừng ở việc “cho” nguồn lực vật chất, như đất đai hay vốn vay. Điều cốt lõi là phải tạo môi trường để trí tuệ được phát huy tối đa.

Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới.
“Một doanh nghiệp công nghệ cao đến Việt Nam không chỉ vì chúng ta có khu công nghiệp công nghệ cao. Điều họ quan tâm là có được tự do phát triển hay không. Đây cũng là điều doanh nghiệp tư nhân trong nước quan tâm”, Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời mới bày tỏ quan điểm.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đang mở ra một “trạng thái mới” cho khu vực kinh tế tư nhân - nơi không chỉ được khẳng định vị thế, mà còn cần được tiếp cận thể chế theo cách thức hoàn toàn khác trước.
“Khi được tin tưởng, người ta sẽ dám làm, dám bỏ tiền, bỏ công sức và trí tuệ để theo đuổi mục tiêu kinh doanh bền vững”, ông chia sẻ. Vì vậy, quan điểm của ông Thành là nếu cái gì là rào cản với doanh nghiệp thì cần xóa bỏ ngay. Thể chế cần phục vụ cho sự phát triển, không phải làm chậm lại những nỗ lực của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.