Thực hiện Nghị quyết về 'tam nông': Nông dân phát huy vai trò chủ thể
Thực hiện Nghị quyết về 'tam nông' (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), Bắc Giang đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, yếu tố tiên quyết là lấy nông dân làm trung tâm, tạo sự lan tỏa các hoạt động từ cộng đồng, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng nhiều vùng quê đáng sống.
Chuyển mình mạnh mẽ
Nông thôn Bắc Giang đang đổi thay từng ngày. Giao thông thuận lợi, xe bon bon chạy không chỉ ở trong làng, ngoài đồng ruộng mà còn lên cả một số khu vực trồng rừng kinh tế. Tại một số huyện miền núi có những nông dân được ví như “nghệ nhân” làm vườn. Dịp này, cam, bưởi đang chín rộ, tỏa hương thơm ngát. Vườn cam ngọt của gia đình anh Trần Văn Hồng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn (thị xã Chũ) cây nào cây ấy sai trĩu quả, khiến ai đến tham quan cũng phải trầm trồ.
Anh Hồng phấn khởi: “Với hơn một mẫu cam, gia đình tôi thu được 30 tấn quả, gấp đôi năm ngoái. Từ đầu vụ đến nay đã bán hơn 2 tấn, giá 65 nghìn đồng/kg. Nếu từ giờ đến cuối vụ, giá cả không có nhiều biến động, bán cả vườn sẽ thu khoảng 1,8 tỷ đồng”.
Cũng như ở thị xã Chũ, nhiều hộ ở các huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh như: Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang… cũng giàu lên nhờ nghề nông. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, mỗi hộ thu nhập từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng/năm. Đời sống của người dân khấm khá, hạ tầng được cải thiện đã giúp nông thôn Bắc Giang thêm giàu đẹp.
Hết năm 2024, toàn tỉnh có 159/182 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 87,36%; 70 xã đạt NTM nâng cao, 17 xã đạt NTM kiểu mẫu, 445 thôn đạt NTM kiểu mẫu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 138 triệu đồng/ha (tăng 18 triệu đồng/ha so với năm 2020).
Nông nghiệp phát triển đóng góp tích cực vào kết quả giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Bắc Giang có thêm nhiều xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu. Hết năm 2024, toàn tỉnh có 159/182 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 87,36%; 70 xã đạt NTM nâng cao, 17 xã đạt NTM kiểu mẫu, 445 thôn đạt NTM kiểu mẫu; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 138 triệu đồng/ha (tăng 18 triệu đồng/ha so với năm 2020).
Bắc Giang có 1,5 nghìn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, cho giá trị thu nhập gấp 2-3 lần so với cách làm truyền thống.
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26) và chủ trương, đường lối của Đảng về “tam nông”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang qua các nhiệm kỳ luôn bám sát định hướng chung của cả nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tiễn tại địa phương. Mấy năm gần đây, Bắc Giang có sự bứt phá, đạt kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Đóng góp vào thành tích chung đó có vai trò quan trọng của nông dân, ngành nông nghiệp.
Dân được biết, được bàn
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra về “tam nông”, Bắc Giang đã ban hành hàng chục nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy, tạo động lực mới, diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình ở các xã xây dựng NTM...
Để huy động được sức dân, khẳng định vị trí quan trọng của nông dân, tỉnh chỉ đạo thực hiện với phương châm mọi việc đều phải công khai, minh bạch. Người dân được biết, được bàn, được kiểm tra khi xây dựng NTM tại thôn, xã mình, được giám sát và thụ hưởng lợi ích. Mọi việc minh bạch thì bà con sẽ nỗ lực, tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền, sẵn sàng góp công, góp của. Minh chứng là có nhiều hộ ủng hộ cả tỷ đồng, hiến đất "vàng" làm đường giao thông. Khi vai trò trung tâm của bà con được phát huy, lan tỏa góp phần xây dựng chính quyền minh bạch, tạo lòng tin cho người dân, tạo nguồn lực cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nếu chỉ có nguồn lực của Nhà nước thì không có bức tranh nông thôn như hôm nay. Ở đâu xây dựng NTM thành công thì ở đó bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả. Trước đây, giao thông trong xây dựng NTM là tiêu chí khó nhất đối với địa bàn miền núi. Sản xuất nông nghiệp không có giao thông thì khó phát triển. Từ khi có Nghị quyết về hỗ trợ làm đường nông thôn cộng với cách triển khai bài bản, hiệu quả tại các địa phương đã “truyền lửa”, khơi dậy sức dân.
Riêng huyện miền núi Lục Ngạn (nay chia tách thành thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới), trong 2 năm đã làm được hơn 2 nghìn km đường, chiếm 1/2 tổng chiều dài đường nông thôn toàn tỉnh được cứng hóa. Tiêu chí giao thông hoàn thành góp phần thúc đẩy các tiêu chí khác. Có đường, nông sản tiêu thụ thuận lợi hơn, người dân dễ dàng tiếp cận thị trường.
Hạ tầng hoàn thiện, "nước, phân, cần, giống" đầy đủ thì chất lượng nông sản nâng lên. Hơn nữa, khi thu nhập từ sản xuất tăng, thời gian di chuyển từ nông thôn đến đô thị hay các vùng công nghiệp được rút ngắn, người trẻ có nhiều sự lựa chọn. Họ có thể ở nhà làm nông nghiệp hoặc “ly nông không ly hương”, ban ngày đi làm công nhân theo ca, kíp, hết giờ về chăm sóc ruộng vườn để có thu nhập “kép”.
Nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định con người là yếu tố số một trong thực thi các chính sách về "tam nông" nên tỉnh luôn quan tâm phát huy vai trò trung tâm của nông dân với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng tại các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh phù hợp với quy hoạch, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của các địa phương trong sản xuất để nâng giá trị nông sản. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị. Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nông dân.
Trường Sơn