Doanh nghiệp thực phẩm Hàn Quốc điêu đứng trên 'sân nhà'

Sự suy yếu của đồng won buộc nhiều người đứng đầu các công ty thực phẩm có tiếng ở Hàn Quốc tìm cách xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, theo Korean Times.

 Xe Bibigo của CJ Food trên đường phố New York hồi 2020. Ảnh: New York Food Truck Association.

Xe Bibigo của CJ Food trên đường phố New York hồi 2020. Ảnh: New York Food Truck Association.

Chứng kiến mức doanh số bán hàng trong nước sụt giảm, chủ một số tiệm bánh, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhẹ cho đến mì ăn liền tại Hàn Quốc thành lập các nhà máy sản xuất ở nước ngoài, tờ Korean Times đưa tin ngày 5/1.

Sự "bành trướng" này, một mặt là phương án cứu cánh để nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp mặt hàng cho thị trường toàn cầu, mặt khác giúp các công ty giảm thiểu gánh nặng tài chính ngày càng tăng trong bối cảnh đồng won giảm giá so với đồng USD (mức thấp nhất được ghi nhận trong 16 năm qua hồi tháng 12/2024).

Đổ xô xây nhà máy ở nước ngoài

Theo đó, công ty thực phẩm và đồ uống Nongshim có kế hoạch xây dựng một nhà máy chuyên xuất khẩu tại Khu công nghiệp quốc gia Noksan, ở thành phố cảng phía nam Busan trong nửa đầu năm nay.

Cơ sở mới sẽ tăng sản lượng hàng năm của công ty thêm 500 triệu đơn vị.

 Samyang Roundsquare, công ty mẹ của Samyang Foods, tổ chức lễ khởi công cho nhà máy sản xuất thứ hai tại Miryang, tỉnh Nam Gyeongsang (Hàn Quốc) ngày 6/3/2024. Ảnh: Samyang Foods.

Samyang Roundsquare, công ty mẹ của Samyang Foods, tổ chức lễ khởi công cho nhà máy sản xuất thứ hai tại Miryang, tỉnh Nam Gyeongsang (Hàn Quốc) ngày 6/3/2024. Ảnh: Samyang Foods.

Trong khi đó, đơn vị sản xuất mì ăn liền đầu tiên của Hàn Quốc - Samyang Foods - cũng đang trong quá trình xây dựng nhà máy thứ hai ở Miryang, tỉnh Nam Gyeongsang.

Nhà máy mới sẽ tập trung vào việc phân phối các sản phẩm phổ biến của công ty, bao gồm cả dòng mì ăn liền Buldak (chìa khóa thành công trong mảng xuất khẩu công ty vào năm ngoái).

Còn CJ Cheiljedang đang mở rộng sản xuất tại thị trường nước ngoài ở cả châu Âu và Mỹ.

Công ty thực phẩm đa quốc gia muốn cơ sở sản xuất đầu tiên nằm gần Budapest, Hungary. Thời gian hoạt động dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2026.

Nhà máy mới sẽ tập trung vào việc sản xuất mặt hàng bán chạy nhất là há cảo đông lạnh Bibigo cho thị trường châu Âu.

Thông qua công ty con Schwan's Company của Mỹ, CJ Cheiljedang đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất thực phẩm khác tại Sioux Falls, Nam Dakota (Mỹ). Sau khi hoàn thành vào năm 2027, cơ sở này sẽ sản xuất trứng cuộn và há cảo Bibigo.

 Các sản phẩm đông lạnh Bibigo của CJ Cheiljedang được trưng bày tại một cửa hàng Costco bên ngoài Los Angeles, California (Mỹ) ngày 12/12/2024. Ảnh: Korean Times.

Các sản phẩm đông lạnh Bibigo của CJ Cheiljedang được trưng bày tại một cửa hàng Costco bên ngoài Los Angeles, California (Mỹ) ngày 12/12/2024. Ảnh: Korean Times.

Một cơ sở sản xuất bánh của công ty SPC của Hàn Quốc cũng đã thành hình tại Texas (Mỹ) dưới tên công ty con là Paris Baguette.

Nhà máy sẽ phục vụ các thị trường trên khắp Bắc, Trung và Nam Mỹ.

Trong khi đó, Orion, công ty đã chứng kiến doanh số bán đồ ăn nhẹ Kkobuk Chip tăng ở Mỹ vào năm ngoái, cho biết đơn vị đang xem xét thành lập một nhà máy sản xuất mới tại xứ cờ hoa.

Các công ty trên ngày càng tập trung vào xuất khẩu và được hưởng lợi từ tỷ giá hối đoái tăng do đồng won yếu và đồng USD mạnh.

Lợi nhuận cao nhưng vẫn rủi ro

Các chuyên gia thị trường từng dự đoán doanh số các đơn vị chạy theo phương án xuất khẩu hàng ở nước ngoài sẽ tăng.

Điều này đúng với Samyang Foods. Họ phỏng đoán công ty này sẽ có doanh số tăng hàng chục tỷ won nếu đồng tiền Hàn Quốc suy yếu 10%. Đến quý 3 năm ngoái, công ty đã đạt được xuất khẩu hơn 960 tỷ won (660 triệu USD), chiếm khoảng 77% tổng doanh thu trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, đối với các công ty tạo ra thị phần lớn hơn doanh số bán hàng từ thị trường nội địa, đồng won suy yếu có thể khiến việc nhập khẩu các thành phần chính, chẳng hạn như lúa mì nguyên cám và đường thô, trở nên đắt đỏ hơn.

 CJ CheilJedang bán bánh bao có nguồn gốc thực vật Bibigo tại các căn cứ quân sự của Mỹ, đầu năm 2024. Ảnh: CJ CheilJedang.

CJ CheilJedang bán bánh bao có nguồn gốc thực vật Bibigo tại các căn cứ quân sự của Mỹ, đầu năm 2024. Ảnh: CJ CheilJedang.

Cũng theo chuyên gia, các công ty thực phẩm tại Hàn Quốc có thể bắt đầu tăng giá bán lẻ sớm nhất là vào tháng 3 và không muộn hơn tháng 6 nếu đồng won vẫn yếu so với đồng USD. Bởi, công ty thường dự trữ các nguyên liệu nhập khẩu trong 3-6 tháng. Việc tăng giá là khó tránh khỏi sau nửa năm đầu.

Tuy nhiên, ngay cả khi chủ doanh nghiệp quyết định thực hiện tăng giá sớm hơn, đơn vị phải cẩn thận và tính đến sự nhạy cảm của người tiêu dùng địa phương cũng như sự giám sát từ đơn vị quản lý thị trường.

"Tôi không mong sẽ thấy sự tăng giá đáng kể từ các công ty thực phẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự suy yếu mạnh mẽ của đồng won đã làm tăng thêm tính lung lay trong thị trường thực phẩm của đất nước, vốn bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu và sản phẩm tăng. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty mở rộng thị trường sang nước ngoài cũng như tìm kiếm giải pháp khác để tồn tại trong nước", một quan chức ngành thực phẩm nhận xét.

Đồng won đã suy yếu rõ rệt so với đồng USD sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3/12/2024. Mặc dù nghị định đã nhanh chóng bị Quốc hội vô hiệu hóa chỉ vài giờ sau đó, sự kiện chớp nhoáng đã gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị, dẫn đến việc quốc hội thu hồi quyền hạn của cả tổng thống và Thủ tướng Han Duck-soo.

Tuờng Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-han-quoc-dieu-dung-tren-san-nha-post1522730.html
Zalo