Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Những năm qua, huyện Di Linh đã có nhiều nỗ lực và giải pháp nhằm bảo tồn có chọn lọc, giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và loại bỏ dần những hình thức lỗi thời, lạc hậu trong việc cưới, việc tang của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần xây dựng cuộc sống văn minh.

Xóa bỏ các hủ tục góp phần giúp bà con vùng đồng bào DTTS xây dựng cuộc sống văn minh

Xóa bỏ các hủ tục góp phần giúp bà con vùng đồng bào DTTS xây dựng cuộc sống văn minh

Di Linh là địa bàn có hơn 42% dân số (với khoảng 70.000 người, cao nhất trong toàn tỉnh) là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gồm 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc, trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn những phong tục không phù hợp với đời sống hiện nay, nhất là trong việc cưới, việc tang. Đơn cử như tục thách cưới, tổ chức lễ cưới rình rang, ăn uống linh đình, kéo dài, lãng phí. Trong việc tang, còn tình trạng để người chết trong nhà nhiều ngày, tổ chức ăn uống kéo dài, tốn kém, việc chôn cất người chết còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tới bảo vệ môi trường chung…

Ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của bà con vùng đồng bào DTTS. Trong đó, nổi bật nhất là việc Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện đã biên soạn và phát hành Bộ khung tiêu chuẩn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đây là hệ quy chiếu để bà con có thể căn cứ vào đó để thực hiện và cơ quan chức năng cũng căn cứ vào Bộ khung tiêu chuẩn để triển khai các nhiệm vụ và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Bộ khung tiêu chuẩn được ban hành vào năm 2023 dựa trên cơ sở Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 27/6 /2012 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định chi tiết về việc cưới, trước khi tổ chức việc cưới phải đăng ký kết hôn theo pháp luật, đăng ký quản lý hộ tịch và các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tổ chức việc cưới đảm bảo trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của địa phương, tôn giáo, dân tộc và hoàn cảnh hai bên gia đình... Về việc tang cần tổ chức trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, đoàn kết cộng đồng, phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Người qua đời nên được chôn cất trong vòng 48 giờ, nếu người qua đời bị bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh không để quá 24 giờ…

Ông Vũ Đức Nhuần thông tin, sau 2 năm triển khai thực hiện các nội dung theo Bộ tiêu chí, đến nay, toàn huyện có 79 mô hình về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đang được duy trì và nhân rộng. Một số địa phương tiêu biểu như: Thị trấn Di Linh và xã Hòa Ninh, 100% các thôn, tổ dân phố đều có mô hình; các xã còn lại đều có từ ít nhất 2 mô hình tại cộng đồng dân cư.

Việc xây dựng các mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mỗi người dân trong thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Thống kê từ UBND huyện Di Linh cho thấy, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có trên 5 ngàn đám cưới, trên 3.100 đám tang. Trong đó có trên 4.600 đám cưới và 3.060 đám tang thực hiện nếp sống văn minh (một số đám cưới còn tổ chức khách mời quá đông, một số đám tang còn để kéo dài ngày). Đặc biệt ở các thôn, tổ dân phố trong vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực như: tục thách cưới, tảo hôn, hứa hôn, kết hôn với con cô, con cậu, phạt vạ, vợ chết chồng phải về với bố mẹ đẻ từng bước được xóa bỏ. Trong việc tang, việc tổ chức cúng tế, để người chết nhiều ngày, tổ chức ăn uống linh đình, chia tài sản… không còn như trước, người chết không để quá 3 ngày; vấn đề phạt vạ không còn…

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song những hủ tục trong việc cưới, việc tang vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Di Linh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trong vùng đồng bào DTTS. Lãnh đạo huyện Di Linh yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy tính tiền phong gương mẫu, vai trò nêu gương trong quá trình triển khai, vận động người thân, gia đình, Nhân dân cùng thực hiện. Huyện Di Linh cũng đã vận động các tổ chức tôn giáo, già làng, người có uy tín cùng phối hợp với chính quyền để vận động tín đồ, giáo dân, cộng đồng dân cư cùng thực hiện tốt Khung tiêu chuẩn về nếp sống văn minh...

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/thuc-hien-nep-song-van-minh-trong-viec-cuoi-viec-tang-4c37b82/
Zalo