Báo chí cách mạng giữa 'địa ngục trần gian': Ngọn lửa lý tưởng không bao giờ tắt

Tôi từng đọc nhiều bài báo hay, nhưng vệt bài 5 kỳ 'Làm báo ở một nơi đặc biệt' của nhóm tác giả Minh Nhâm, Minh Luận, Hoàng Thu (Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước - BPTV) thật sự làm tôi xúc động. Những trang viết như thước phim sống động, tái hiện hình ảnh các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, tra tấn dã man ở nhà tù Côn Đảo nhưng vẫn kiên cường làm báo, thổi bùng lên tinh thần chiến đấu kiên cường, như ngọn lửa không bao giờ tắt giữa 'địa ngục trần gian'. Đọc rồi, tôi lặng người đi không chỉ vì xúc động mà còn vì niềm kính phục sâu sắc. Viết lại những dòng này, tôi muốn gửi lời tri ân đến những người đã cầm bút giữa bóng tối để giữ sáng chân lý cách mạng.

Những nhà báo đào sâu vào bóng tối, viết sáng một thời bi tráng

Không dừng lại ở vai trò của những người viết báo, nhóm tác giả đã thực sự hóa thân thành những “nhà điều tra lịch sử” đúng nghĩa. Với tinh thần nghề nghiệp nghiêm túc và một tình yêu sâu sắc dành cho lịch sử cách mạng, họ đã không ngại vượt chặng đường xa xôi để đến Côn Đảo tìm hiểu, rồi lần theo từng dấu vết bị thời gian phủ bụi để dựng lại hình hài sự thật.

Loạt bài viết tái hiện hình ảnh các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên cường làm báo, thổi bùng lên tinh thần chiến đấu giữa “địa ngục trần gian”

Loạt bài viết tái hiện hình ảnh các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, tra tấn dã man nhưng vẫn kiên cường làm báo, thổi bùng lên tinh thần chiến đấu giữa “địa ngục trần gian”

Họ tiếp cận tư liệu một cách hệ thống, sàng lọc những nguồn đáng tin cậy, từ hồ sơ lưu trữ, sách báo, đến phỏng vấn nhân chứng lịch sử còn sống, con cháu của các chiến sĩ cựu tù Côn Đảo năm xưa. Đặc biệt, trong bối cảnh những người trực tiếp làm báo trong ngục tù nay đa phần đã khuất bóng, thì việc khơi dậy ký ức thông qua lời kể gián tiếp và di vật là một thử thách rất lớn, đòi hỏi bản lĩnh, sự cẩn trọng và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng bằng sự kiên trì, tâm huyết, tri ân sâu sắc sự hy sinh của thế hệ cha anh, họ đã làm sống dậy những nhân vật tưởng chừng chỉ còn trong sử sách - những người đã viết báo bằng máu, bằng nước mắt, bằng ý chí quật cường ngay giữa địa ngục trần gian từ gần thế kỷ trước.

Nhóm tác giả đã kết hợp chặt chẽ giữa báo chí điều tra - tư liệu và lối kể chuyện hiện đại, không chỉ dựng lại sự kiện mà còn tái hiện không khí thời đại, tâm thế con người, làm cho lịch sử trở nên gần gũi và lay động người đọc. Sự chính xác về dữ liệu, kết hợp với cảm xúc đậm đà trong văn phong, cho thấy một trình độ nghề nghiệp cao cùng tâm huyết vượt khỏi giới hạn của những bài viết thông thường.

Loạt bài “Làm báo ở một nơi đặc biệt” vì thế không chỉ là tư liệu quý cho người làm báo hôm nay, mà còn là minh chứng cho cách làm báo tử tế, làm báo bằng trách nhiệm, trái tim và trí tuệ. Những người cầm bút trẻ hôm nay đọc loạt bài ấy - có thể học được cách viết, nhưng điều sâu sắc hơn chính là học được cách sống và giữ ngọn lửa nghề cháy mãi không tắt.

Những nhà báo không tòa soạn, không giấy bút - chỉ có lý tưởng

Khi đọc loạt bài “Làm báo ở một nơi đặc biệt” về những tờ báo ra đời giữa địa ngục trần gian Côn Đảo - nơi giam giữ “những tên tử tội cách mạng cứng đầu nhất” - tôi gần như không tin vào mắt mình. Làm báo trong tù? Viết báo trong điều kiện thiếu thốn, dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt, với nguy cơ bị tra tấn, bị biệt giam bất cứ lúc nào?

Các cựu tù Côn Ðảo lật giở từng trang kỷ vật “Làm báo trong tù” có bút tích của chính họ, những nhân chứng sống

Các cựu tù Côn Ðảo lật giở từng trang kỷ vật “Làm báo trong tù” có bút tích của chính họ, những nhân chứng sống

Vậy mà những con người ấy - những chiến sĩ cộng sản bị giam cầm - đã thực sự làm được điều tưởng như không thể ấy. Họ thành lập ban biên tập bí mật, viết báo bằng than củi, bằng máu, bằng tất cả những gì còn sót lại nơi thân xác rệu rã. Họ truyền tay nhau những mảnh giấy nhỏ, đọc thầm trong đêm, chép lại bằng trí nhớ. Tờ “Ý kiến chung”, rồi những tờ báo bí mật không tên… ra đời như phép lạ từ trong tù. Tờ “Cờ Giải Phóng” là minh chứng rõ nét cho tinh thần kiên cường ấy. Được viết bởi các chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Côn Đảo, tờ báo không chỉ mang đến những thông tin về tình hình cách mạng mà còn là công cụ để động viên tinh thần các tù nhân, nhắc nhở họ về lý tưởng và niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Mỗi số báo, dù chỉ có một vài tờ giấy mỏng manh, lại chứa đựng biết bao tâm huyết và hy sinh của những người chiến sĩ.

Làm báo, đối với họ, không đơn giản là truyền tin. Đó là cách duy trì sức sống tinh thần. Là ngọn lửa soi đường. Là tấm khiên chống lại sự bào mòn của đòn roi, của tuyệt vọng, của cái chết luôn chực chờ.

Tôi - một độc giả, nhà báo sống trong thời đại số, khi mọi thứ từ internet đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đều nằm trong tầm tay - đã nghẹn ngào khi tưởng tượng cảnh một người tù bị cùm chân, bị bỏ đói, vẫn cố gắng khắc lên một miếng gỗ dòng tin tức ngắn để đồng đội không mất đi niềm tin. Và tôi tự hỏi: Hôm nay, chúng ta - những người làm báo hiện đại, còn nhớ gì về những ngòi bút đã viết trong máu?

Báo chí trong tù - bài học về lòng tin và trách nhiệm

Tôi đã từng nghĩ báo chí cần sự trung thực, cần kỹ năng, cần sáng tạo. Nhưng sau khi đọc về những người làm báo trong nhà tù Côn Đảo, tôi hiểu rằng: báo chí trước hết là một lời thề. Những chiến sĩ cách mạng, họ đã thề sống và viết cho cách mạng, dù trong ngục tối, dù không ai biết đến tên họ. Không có lương, không có nhuận bút, không có danh xưng nhà báo - họ vẫn viết như mệnh lệnh từ trái tim. Viết để giữ mình và giữ cả phong trào. Viết để soi sáng niềm tin trong đêm đen. Viết để khẳng định: không xiềng xích nào có thể trói được sự thật.

Trong từng dòng chữ họ viết ra - dù thô sơ, dù bí mật - tôi cảm nhận được cái “tâm” của người làm báo. Một cái tâm vì dân, vì nước, vì lý tưởng đến cùng. Và đó là bài học lớn nhất cho những người cầm bút hôm nay.

Khi làm báo trở thành một nghề, là một sự lựa chọn trong muôn vàn ngành nghề thời hiện đại, liệu có bao giờ ta chợt hỏi: mình đang viết vì điều gì?

Người làm báo hôm nay - có dám viết như họ?

Thế hệ nhà báo hôm nay có thể làm việc trong phòng lạnh, có thể phát trực tiếp từ hiện trường chỉ bằng một chiếc điện thoại, có thể truy cập kho dữ liệu khổng lồ chỉ trong vài cái nhấp chuột. Chúng ta có tự do, có điều kiện, có mạng lưới bạn đọc đông đảo. Nhưng khi đối mặt với sự thật gai góc, khi phải lựa chọn giữa an toàn và trung thực, giữa sự thuận lợi và lẽ phải - liệu chúng ta có đủ dũng khí như những nhà báo trong ngục tối năm xưa?

Nhóm tác giả tìm hiểu về các tờ báo cách mạng ra đời trong nhà tù Côn Đảo - Ảnh: Nguyễn Ngân

Họ không sợ mất gì, vì đã mất tất cả - chỉ còn lại một ngòi bút và một niềm tin. Còn chúng ta, đôi khi sợ mất lòng, mất “view”, mất lượt “like”, mất cơ hội, mất nghề... Và chính những nỗi sợ ấy đang làm mai một đi cái “nghề thiêng” mà bao người đã từng đánh đổi cả mạng sống để giữ gìn.

Tôi không nói rằng ai cũng phải trở thành anh hùng. Nhưng ít nhất, người làm báo hôm nay - trong hòa bình - nên nhớ rằng những dòng mình viết ra có thể mang trọng lượng lịch sử. Đó là một trách nhiệm lớn, không phải để khoe tài, mà để cống hiến.

Côn Đảo - đừng để ngọn lửa ấy tắt

Có lẽ, không nơi nào trên đất nước này cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng hơn về phẩm chất người làm báo cách mạng như ở các nhà tù thực dân, đế quốc, trong đó có nhà tù Côn Đảo. Một nơi mà giữa bóng tối, vẫn có ánh sáng. Giữa nhà giam, vẫn có ngôn từ. Giữa bạo lực, vẫn có lý tưởng được truyền đi. Côn Đảo không chỉ là di tích lịch sử - đó là một biểu tượng. Biểu tượng của sự kiên cường, của trí tuệ, của bản lĩnh người làm báo trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Và biểu tượng ấy không nên bị phủ bụi bởi thời gian, mà cần được nhắc nhớ, lan tỏa, trở thành kim chỉ nam cho nghề báo hôm nay và mai sau.

Trại Phú Sơn thuộc hệ thống nhà tù Côn Đảo, nơi đây đã ra đời một số tờ báo cách mạng, được xem là kỳ tích đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam

Trại Phú Sơn thuộc hệ thống nhà tù Côn Đảo, nơi đây đã ra đời một số tờ báo cách mạng, được xem là kỳ tích đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam

Một bài học từ các chiến sĩ Côn Đảo là sự sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt, các chiến sĩ vẫn sáng tạo ra những phương pháp để “xuất bản”, phát hành báo, đưa thông tin đến với bạn tù. Dù chỉ có những mảnh giấy vụn, họ vẫn dùng hết sức sáng tạo của mình để sản xuất báo chí. Côn Đảo là minh chứng sống động cho câu nói "không gì là không thể" khi con người có niềm tin và khát vọng mạnh mẽ.

Tôi mong, trong mỗi khóa đào tạo báo chí, trong mỗi phòng họp tòa soạn, trong mỗi lần biên tập bài viết, người làm báo hãy dành một phút nghĩ về những con người đã viết báo trong ngục tối. Tự hỏi: Nếu là mình, mình có dám làm như họ?

Tôi viết những dòng này như một lời tri ân sâu sắc, biết ơn vô hạn đến những nhà báo không ai phong danh, không ai vinh danh. Những người đã viết trong đêm để tôi được đọc trong ánh sáng. Những người đã in dấu chân mình lên lịch sử bằng ngòi bút không bao giờ gãy. Đọc loạt bài “Làm báo ở một nơi đặc biệt” khi đất nước hòa bình, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng: báo chí không chỉ là tin tức - đó là hơi thở của một dân tộc. Là ký ức thiêng liêng cần được tiếp nối. Là ngọn lửa cần được gìn giữ trong mỗi người cầm bút.

Xin cúi đầu trước những nhà báo viết trong ngục tối. Cảm ơn nhóm tác giả loạt bài viết “Làm báo ở một nơi đặc biệt” của BPTV đã làm sống lại lịch sử bi hùng làm báo giữa địa ngục trần gian Côn Đảo, nhắc nhở thế hệ làm báo hôm nay và mai sau: Viết là để sống, để truyền ngọn lửa lý tưởng và để không bao giờ gục ngã trước bóng tối.

Kim Ngân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172974/bao-chi-cach-mang-giua-dia-nguc-tran-gian-ngon-lua-ly-tuong-khong-bao-gio-tat
Zalo