Thúc đẩy tinh thần doanh nhân kiến tạo, phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiêu dùng, theo đó yêu cầu của các thị trường về sản xuất kinh doanh bền vững đang ngày càng cao.
Để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn mới và hướng đến tính bền vững và bao trùm. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân với tài trợ từ USAID đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị).
Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID tổ chức Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững.”
Sự kiện nhằm khích lệ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng thời đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.
Hiện cả nước có khoảng 910.00 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 14.400 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh đã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Trên cơ sở đó, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 50% vào GDP cả nước, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 80% số lao động cả nước.
Ông Đông chia sẻ quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới. Trong đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần kinh doanh, nỗ lực vượt khó và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh ngày càng rõ nét. Đến nay, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và từng bước khẳng định vai trò, vị thế không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra trên thị trường khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh phía trước vẫn còn rất nhiều rủi ro và thách thức. Và, một trong các thách thức lớn hiện nay là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ ra xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường về sản xuất kinh doanh bền vững đang ngày càng cao. Trong khi, khi vực doanh nghiệp nội địa có gần 98% là quy mô nhỏ và vừa với những hạn chế năng lực, trình độ quản trị... Hầu hết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ và đầu tư thích đáng cho kế hoạch và chiến lược kinh doanh bền vững, dẫn đến nguy cơ bị mất cơ hội để tham gia và tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ghi nhận và đánh giá cao một lực lượng doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế Xanh, kinh tế Tuần hoàn. Một số doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thành công mô hình kinh tế Tuần hoàn, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050.
“Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh
Trong hai năm qua, Dự án IPSC với nhiều hoạt động đã sáng kiến tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã được triển khai mạnh mẽ. Chương trình đã lựa chọn và hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, từng bước tạo dựng những mô hình kinh doanh tiên phong tiêu biểu trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Kết quả đã định vị thành công sản phẩm Made by Vietnam trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, từ hơn 600 doanh nghiệp đăng ký, dựa trên những tiêu chí đánh giá khách quan và khoa học, Hội đồng đánh giá đã lựa chọn 22 doanh nghiệp tiên phong để nhận gói hỗ trợ được thiết kế riêng với tổng giá trị lên tới 150.000 USD (tùy theo quy mô, nhu cầu, năng lực và cam kết của doanh nghiệp). Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Dự án cho doanh nghiệp tiên phong có sự đồng hành của các bên liên quan và tập trung vào xây dựng chiến lược tổng thể (bao gồm chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế); nghiên cứu và phát triển thị trường mục tiêu; hỗ trợ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt và hỗ trợ Chuyển đổi Số toàn diện.
Về thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và thực hành khung đánh giá ESG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID khởi động cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 vào tháng 11/2022. Sáng kiến đã thu hút gần 150 hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trên cơ sở đó, Dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp có sáng kiến tốt nhất để hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyên sâu 1-1 nhằm nâng cao năng lực và hiểu biết về ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững khác, giúp các doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG. Top 3 doanh nghiệp chiến thắng chung cuộc nhận được các hỗ trợ tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết USAID cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam. USAID tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh bền vững và áp dụng thực hành ESG. Chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những kết quả ấn tượng bước đầu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn Chính phủ, người dân Hoa Kỳ và USAID tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động của doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong (như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình kinh doanh mới).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện thể chế để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp hãy mạnh dạn, chủ động có những giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, tận dụng và nắm bắt cơ hội để doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của Quốc gia.
“Doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự lực, nỗ lực vượt khó, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ... nhằm nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhắn nhủ./.