Doanh nghiệp loay hoay tuyển lao động
Nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng đa số các doanh nghiệp lo tuyển không đủ nhân công cho mùa cao điểm sản xuất - kinh doanh cuối năm
Càng về cuối năm, doanh nghiệp (DN) khắp cả nước, trong đó các địa phương phía Nam tích cực sản xuất - kinh doanh, chuẩn bị cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đây cũng là thời điểm nhu cầu tuyển dụng của DN tăng cao nhưng rất khó tìm lao động do vào cuối năm, người lao động (NLĐ) không muốn thay đổi công việc.
Xoay xở đủ cách
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết thị trường lao động đang ghi nhận tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm 2024. Dự kiến từ nay đến cuối năm, thành phố cần tuyển khoảng 63.000 lao động, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Bình Tân, TP HCM) đang cần tuyển 300 lao động nhưng hồ sơ ứng tuyển vẫn rất ít. "Chúng tôi đơn giản hóa quá trình tuyển dụng, chỉ cần đăng ký căn cước công dân và số điện thoại, bộ phận nhân sự sẽ gọi điện phỏng vấn và tuyển dụng trực tuyến. Công ty cũng triển khai chính sách lựa chọn giờ làm việc linh hoạt để tạo điều kiện cho NLĐ có con nhỏ nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng đề ra" - ông Nguyễn Văn Phu, giám đốc công ty, nói.
Bà Hoàng Thị Lan, trưởng phòng tuyển dụng của một tập đoàn bán lẻ có trụ sở tại TP HCM, cũng cho biết cuối năm chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại của tập đoàn này cần tuyển khoảng 400 lao động với mức lương cơ bản từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, chưa kể tăng ca. Đối với các vị trí đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề, thu nhập khoảng 10 - 13 triệu đồng/tháng. Công ty còn hỗ trợ 1 bữa ăn ca, chế độ thưởng doanh số, thưởng ngày lễ, Tết... Bà Lan nói: "Chúng tôi dùng mọi cách nhưng vẫn chưa tuyển đủ người. Đến cuối tháng 11 mà tình hình không khả quan, chúng tôi sẽ chuyển qua tuyển bán thời gian".
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng loạt DN tuyển dụng với số lượng lớn. Điển hình như Công ty TNHH ETOP Việt Nam (thị xã Phú Mỹ) cần tuyển 1.000 lao động phổ thông và công nhân (CN) may, nhân viên kỹ thuật may; Công ty TNHH May Thạnh Mỹ cần tuyển hơn 500 CN may; Công ty TNHH Quốc tế All Wells Việt Nam (AWI) cần tuyển hơn 500 CN; DN chế xuất Nitori Việt Nam (Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu) cần tuyển hơn 300 công nhân… Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Trung, cán bộ tuyển dụng của AWI, do rơi vào thời điểm cuối năm nên dù liên tục tuyển dụng kết quả vẫn không mấy khả quan.
Ở Đồng Nai, nhiều DN đang đẩy mạnh sản xuất, chạy đua với nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, do thiếu lao động, một số DN có nguy cơ đình trệ sản xuất, không đủ nhân công để bảo đảm tiến độ các đơn hàng. Bà Du Thị Thùy Tâm, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Asian Blending (KCN An Phước, huyện Long Thành), phản ánh công ty đang cần bổ sung khoảng 300 lao động với mức thu nhập trung bình từ 11-14 triệu đồng/người/tháng. Công ty sẵn sàng mở rộng cửa đón NLĐ nhưng vẫn có rất ít người tìm đến. Tại huyện Trảng Bom, Công ty TNHH Hansol Electronics cũng rơi vào tình trạng "đỏ mắt" tìm lao động.
Còn tại Bình Dương, Công ty TNHH Poong In Ving (TP Tân Uyên) tuyển dụng liên tục và đưa ra chính sách cứ mỗi người giới thiệu 1 lao động vào công ty được hưởng 1 triệu đồng và CN mới vào làm được hỗ trợ 2 triệu đồng ngoài lương nhưng vẫn khó tuyển người. Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (TP Tân Uyên) đang ráo riết tuyển dụng lao động để bảo đảm tiến độ đơn hàng cho 7 nhà máy trên địa bàn nhưng việc tuyển dụng cũng không dễ.
Quan trọng là đãi ngộ
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc tuyển dụng khó khăn, ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông, cho rằng hiện nay, xu hứng CN "bỏ phố về quê" khá nhiều, trong khi đa số CN đang làm việc có cuộc sống ổn định, không muốn thay đổi công việc, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, vì liên quan đến lương, thưởng Tết.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết vấn đề nan giải mà đa số các nhà máy trực thuộc tập đoàn đang phải đối mặt đó là thiếu lao động và sự cạnh tranh lao động gay gắt trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh. Theo ông Hiếu, việc khó tuyển dụng lao động đã và đang trở nên đáng ngại khi tỉ lệ lao động nghỉ việc trong thời gian qua tại một số đơn vị trực thuộc tập đoàn đã ngang bằng với cả năm 2023 và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng. Theo ông, cần có những nghiên cứu, phân tích chuyên sâu hơn; đồng thời khảo sát mức độ hài lòng của NLĐ tại DN để có giải pháp giữ chân NLĐ, cũng như thu hút được nguồn lao động mới từ bên ngoài.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan TP HCM, cho rằng việc cải thiện thu nhập và chính sách tiền lương là rất quan trọng để thu hút và giữ chân NLĐ. DN nên hỗ trợ thêm tiền tăng ca, thưởng hằng tháng và một số chi phí khác cho NLĐ. "Cần cố gắng không tăng ca quá nhiều nhưng vẫn bảo đảm thu nhập bằng cách khuyến khích NLĐ làm việc năng suất cao hơn"- ông Hồng lưu ý.
Cũng theo ông Hồng, lao động của các tỉnh, thành khác đến TP HCM làm việc, đóng góp cho sự phát triển của thành phố là rất lớn. Do đó, thành phố cần có chính sách đãi ngộ đối với nhóm lao động này để họ gắn bó lâu dài. Các chính sách hỗ trợ nhà ở, học phí, bảo hiểm, đào tạo nghề... đã có nhưng thực tế triển khai còn chậm và chưa tương xứng, còn nhiều bất cập.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, 2 tháng cuối năm là giai đoạn DN "chạy nước rút" để hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh nên ráo riết tuyển dụng lao động. Đến thời điểm này, trung tâm tiếp nhận đăng ký tuyển dụng của hơn 100 DN với nhu cầu khoảng 6.000 người. Để hỗ trợ DN, trung tâm tiếp tục liên kết với các trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh thành, chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây; tổ chức đưa DN Bình Dương đến tận địa phương để tuyển dụng...
Bình Dương vốn được xem là nơi thu hút rất đông lao động ngoại tỉnh, nhất là từ các tỉnh, thành ĐBSCL. Dù vậy, theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, năm 2024 ghi nhận DN trên địa bàn tỉnh này rất khó tuyển dụng lao động. Trong 10 tháng của năm 2024, nhu cầu tuyến dụng của doanh nghiệp trên địa bàn là khoảng 67.000 lao động nhưng số tuyển mới chỉ được khoảng 32.000 người.
Ông Phạm Anh Thắng
Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP HCM:
Tạo môi trường làm việc tốt hơn
DN cần có chiến lược, hành động cụ thể để thu hút NLĐ thông qua việc tái cấu trúc nội bộ, tăng năng suất lao động, cải thiện chính sách tiền lương, tạo ra môi trường làm việc tốt hơn cho NLĐ. DN cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với chính quyền trong việc đầu tư vào chăm sóc y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở... Những chính sách này sẽ "kéo" NLĐ, giúp họ gắn bó lâu dài với DN.
Ở chiều ngược lại, NLĐ cũng phải hiểu rằng sự sẻ chia, gắn bó và đồng hành với DN sẽ thúc đẩy mọi thứ phát triển hơn., như: thúc đẩy phát triển sản phẩm mới, gia tăng cơ hội nghề nghiệp, tăng năng suất, hiệu quả công việc... Từ đó mới tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và đầu tư để phát triển bản thân. "Việc "kéo" - "đẩy" như vậy sẽ giúp hài hòa quan hệ lao động, DN ổn định nhân công, NLĐ yên tâm gắn bó làm việc. Hiện có khá nhiều DN tại TP HCM giải quyết căn bản tình trạng thiếu hụt lao động nhờ làm tốt việc này.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt:
Không tăng lương, đãi ngộ thì sẽ khó thu hút nhân công
Thực tế cho thấy nhiều DN đòi hỏi ngày càng cao đối với NLĐ nhưng không có nhiều thay đổi trong chính sách tuyển dụng. Bối cảnh hiện nay rất khác, kinh tế phát triển nên vị trí công việc ngày một nhiều, ở đâu NLĐ cũng có thể kiếm được việc làm. Trong đó cần nhấn mạnh đến xu hướng trở về quê làm việc vẫn còn kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Điều đó cho thấy nếu không thay đổi chính sách tuyển dụng, không tăng lương, tăng đãi ngộ thì DN sẽ khó thu hút được nhân công. Kể cả những DN đang ổn định cũng phải tìm mọi cách để giữ chân NLĐ.