Bất động sản tăng sức hút với xu hướng xanh hóa

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mối quan tâm của cộng đồng về môi trường, sức khỏe tăng cao, các bất động sản xanh sẽ có ưu thế cạnh tranh trước nhóm dự án truyền thống.

Trong vài năm trở lại đây, nhiều chủ đầu các dự án bất động sản đã đầu tư hướng tới phát triển theo tiêu chuẩn xanh. Cả nguồn vốn trong nước và quốc tế đều đang hướng tới các dự án bất động sản xanh, mở ra một cuộc đua "xanh hóa" mạnh mẽ trên thị trường.

Dòng vốn chảy vào bất động sản xanh

Mới đây, các quỹ đầu tư đến từ Singapore đã rót vốn phát triển dự án bất động sản trên quỹ đất đắc địa ven hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt theo các tiêu chí ESG. Có thể nói đây là dự án bất động sản đầu tiên của Việt Nam theo tiêu chí này.

ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp). Dự án bất động sản được “may đo” theo chuẩn ESG từ khâu thiết kế, chọn vật liệu, quá trình xây dựng, vận hành đến yếu tố con người hoàn toàn phù hợp với mục tiêu môi trường, xã hội và quản trị của quỹ, góp phần tạo ra giá trị lâu dài cho thế hệ sau.

Một chủ đầu tư đến từ Malaysia là Gamuda Land cũng được phát triển một dự án bất động sản khu đô thị theo tiêu chuẩn xanh. Trong các dự án của mình tại Hà Nội và TP.HCM, chủ đầu tư luôn áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến nhằm bảo tồn thiên nhiên như trồng cây trong vườn ươm, nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng.

 Nhiều chủ đầu tư hướng tới phát triển dự án bất động sản xanh. Ảnh: QH

Nhiều chủ đầu tư hướng tới phát triển dự án bất động sản xanh. Ảnh: QH

Đồng thời, truyền thông đến toàn bộ cư dân trong khu đô thị dần thay đổi những thói quen rất nhỏ trong đời sống hàng ngày cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường như áp dụng nguyên tắc 3R là reduce - giảm sử dụng, reuse - tái sử dụng, và recycle - sử dụng sản phẩm tái chế.

Ecopark là một trong những doanh nghiệp Việt đi đầu về phát triển bất động sản xanh. Chủ đầu tư nỗ lực thiết kế và xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng, tạo ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Các khu đô thị được Ecopark thiết kế với nhiều tiện ích, không gian cây xanh, hướng tới môi trường sống trong lành cho cư dân sinh sống.

Xu hướng tất yếu

Theo ông Trần Ngọc Duy, Phó Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills, để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.

“Việc nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh sẽ giúp các chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, đạt tỉ lệ lấp đầy nhanh hơn và có thể chào bán, cho thuê với mức giá tốt hơn. Lý do là các dự án xanh không chỉ phục vụ mục tiêu chung của toàn cầu và Chính phủ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường mà còn phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Sau đại dịch Covid-19, người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và làm việc, cùng các yếu tố bền vững”- ông Duy chia sẻ.

 Phát triển bất động sản xanh giúp chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, mang lại giá trị bền vững. Ảnh minh họa: ChatGPT

Phát triển bất động sản xanh giúp chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, mang lại giá trị bền vững. Ảnh minh họa: ChatGPT

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cũng đánh giá việc thay đổi trong chính sách phát triển công trình xanh theo hướng tích cực chắc chắn sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản xanh phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.

Để phát triển nhà ở cao tầng trong đô thị theo định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam, kiến nghị Bộ Xây dựng cần ban hành 1 bộ công cụ đánh giá công trình xanh, dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam. Đồng thời có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình xanh, dự án công trình xanh. Nhà nước cũng cần có các quy định pháp luật thực hiện chính sách ưu đãi như vay lãi suất ưu đãi, thưởng diện tích sàn, thêm ưu đãi cho chủ thể phát hành trái phiếu xanh, nâng cao nhận thức về bất động sản xanh.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang

Đặc biệt, điều đó được thể hiện thông qua việc gia tăng nguồn cung, chất lượng được nâng cao, giá trị tăng. Bởi lẽ, khi nguồn cung bất động sản phát triển đa dạng về loại hình, quy mô và phân khúc khi các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang phát triển các dự án xanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó là sự phát triển của công nghệ và vật liệu xây dựng xanh giúp giảm chi phí xây dựng cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính và chính phủ trong việc tư vấn sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, ứng dụng số hóa, dự báo vận hành công trình đúng cách thúc đẩy việc tăng cung...

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết mặc dù chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho các công trình xanh có thể cao hơn so với loại dự án truyền thống, việc vận hành bền vững vẫn mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn và tiết kiệm hơn, đặc biệt trong việc giảm chi phí năng lượng tiêu thụ. Phía chủ đầu tư cùng đơn vị quản lý cần có các phương án vận hành tiết kiệm năng lượng, theo sát các tiêu chí vận hành xanh dựa trên các tiêu chuẩn của những chứng nhận uy tín.

Có hơn 400 dự án xanh tính đến năm 2024

Dù khởi động muộn hơn các nước trong khu vực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, số lượng công trình xanh tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/15 Singapore với 70 dự án. Trên thực tế, trong những năm gần đây, số lượng dự án xanh tại Việt Nam đã tăng đáng kể. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy có hơn 400 dự án xanh được ghi nhận tính đến năm 2024. Con số này đã vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025, thể hiện nỗ lực của toàn ngành bất động sản.

MINH LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-dong-san-tang-suc-hut-voi-xu-huong-xanh-hoa-post820829.html
Zalo