Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Từ những sản phẩm nuôi trồng tự phát phục vụ gia đình và tiêu thụ tại thị trường nhỏ lẻ, nhiều hợp tác xã (HTX) đã khai thác lợi thế địa phương hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng hàng hóa.

Từ những sản phẩm nuôi trồng tự phát phục vụ gia đình và tiêu thụ tại thị trường nhỏ lẻ, nhiều hợp tác xã (HTX) đã khai thác lợi thế địa phương hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng hàng hóa.

Từ ngày tham gia hợp tác xã, gia đình bà Bàn Thị Thinh ở tổ 9, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) có thu nhập ổn định từ cây sả.

Từ ngày tham gia hợp tác xã, gia đình bà Bàn Thị Thinh ở tổ 9, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) có thu nhập ổn định từ cây sả.

Nhiều năm trước, bà Xa Thị Sinh ở xóm Tràm, xã Tân Pheo (Đà Bắc) đã chăn nuôi lợn bản địa. Ngày đó, việc chăn nuôi chỉ để sử dụng vào dịp lễ, Tết hay nhà có công việc. Thức ăn chăn nuôi tận dụng phụ phẩm trong gia đình, nếu nuôi thêm được vài con thì bán cho những hộ xung quanh có nhu cầu. Năm 2021, bà tham gia là hộ liên kết của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, việc chăn nuôi của gia đình chuyển theo hướng hàng hóa. Chuồng trại mở rộng, đầu tư chăn nuôi giống lợn bản địa thuần chủng. Giống lợn này được thị trường ưa chuộng bởi thịt thơm ngon. Bà Sinh cho biết: Từ ngày tham gia HTX gia đình tôi mở rộng chăn nuôi và có nguồn thu nhập ổn định. Công việc chăn nuôi phù hợp với địa phương vì tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp và lao động nông nhàn.

Ông Hà Văn Vững ở xóm Tràm, xã Tân Pheo chăn nuôi lợn bản địa từ nhiều năm nay cho biết: Trước đây nhà tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ vài con để dùng trong gia đình. Tính về kinh tế vẫn thấy nuôi lợn hiệu quả hơn các vật nuôi khác nên gia đình mở rộng quy mô. Với diện tích khoảng 3ha, tôi làm rào thả đồi hơn 70 con, đầu tư chuồng trại đơn giản, không phải chăm sóc nhiều. Tôi dự tính tiếp tục nhân đàn khoảng 200 con. Đây là hướng đi phù hợp với bà con vùng cao Đà Bắc.

Không chỉ gia đình bà Sinh, ông Vững mà nhiều hộ ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc đã thay đổi tư duy, cách làm trong chăn nuôi. Việc chăn nuôi không chỉ sử dụng trong gia đình mà còn là nguồn thu nhập chính.

Bà Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh chia sẻ: Hiện, quy mô nuôi lợn đen của HTX khoảng 200 con/lứa. HTX liên kết với 25 hộ dân trong xã để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Các hộ liên kết ký cam kết với HTX đảm bảo về nguồn giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi. HTX đảm bảo thu mua lợn thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg. HTX đã đầu tư hệ thống lò mổ cùng trang thiết bị bảo quản, máy hút chân không, đảm bảo thịt lợn luôn tươi ngon đến tay khách hàng, kể cả khách hàng ở xa. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch rõ ràng. Thịt lợn móc hàm được HTX bán với giá 130.000 đồng/kg; bán lẻ hút chân không 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 5 tạ lợn thương phẩm. Hiện tại, nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng các tỉnh, thành phố rất lớn. Mỗi năm, vào dịp Tết Nguyên đán chúng tôi không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Trung bình dịp Tết tiêu thụ hơn 100 con lợn đen. Tôi tin rằng, sau khi sản phẩm lợn bản địa Tân Minh được công nhận đạt chuẩn OCOP thì thị trường sẽ được mở rộng. Do đó, HTX mong muốn liên kết với các HTX chăn nuôi lợn đen trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo thành chuỗi liên kết ngành lợn đen của tỉnh, đảm bảo nguồn cung cho thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước đây, sản phẩm sả của bà con ở phường Thống Nhất, TP Hòa Bình được trồng để nhà dùng. Gia đình nào có nhiều thì bán nhỏ lẻ ngoài chợ. Từ khi HTX nông nghiệp bản Dao Thống Nhất được thành lập, triển khai làm sản phẩm tinh dầu sả thì ngoài phần củ sả bán ra thị trường, bà con tận dụng lá sả bán cho HTX làm tinh dầu. Cũng từ đó, diện tích sả được mở rộng hơn 20ha và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Bà Bàn Thị Thinh ở tổ 9, phường Thống Nhất cho biết: Gia đình tôi có diện tích 2ha. Trước đây trồng mía, trồng ngô, việc tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường. Nhiều năm mía rẻ không muốn thu hoạch. Từ ngày thành lập HTX, tôi chuyển sang trồng sả. Việc chăm sóc cây sả ít tốn chi phí và công hơn. Mặt khác được thu thường xuyên và giá ổn định, phù hợp với người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX nông nghiệp bản Dao Thống Nhất cho biết: Trước đây các hộ trồng sả theo hình thức nhỏ lẻ nên không thành vùng canh tác. Từ sự liên kết với người sản xuất, mô hình phát triển bền vững hơn. Vùng trồng nguyên liệu lớn và sản xuất tinh dầu sả tạo hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Cũng từ đó người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, quy mô lớn với tiêu chuẩn chất ượng cao. Đây là hướng đi lâu dài tạo dựng vùng trọng điểm trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/201294/thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-theo-huong-hang-hoa.htm
Zalo