Chuyện nâng hạng rating bảo hiểm

Với công ty bảo hiểm, định hạng tín nhiệm (rating) không chỉ là mối quan tâm của các cổ đông, mà còn luôn được cơ quan quản lý 'để mắt' và coi đó là điều cần thực hiện trên diện rộng.

Để giành được các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ/tái bảo hiểm cần phải có kết quả rating cao

Để giành được các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ/tái bảo hiểm cần phải có kết quả rating cao

Nâng hạng tài chính quốc tế, không dễ

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vừa qua, trả lời câu hỏi của cổ đông về lộ trình vươn lên xếp hạng quốc tế A- đang được chuẩn bị ra sao, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia - Vinare (mã chứng khoán VNR) cho hay, Vinare đã phối hợp với các nhà tư vấn quốc tế để triển khai việc nâng hạng rating.

“Vinare đã đáp ứng gần hết các tiêu chí để xếp hạng A-, chỉ còn phụ thuộc vào chỉ số xếp hạng quốc gia (Country Ratings). Hiện tại, chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức 4/5, nếu chỉ số này được nâng lên cao hơn thì nhiều khả năng Vinare cũng sẽ được nâng hạng lên A-”, ông Tuấn nói.

Trên thị trường, CTCP PVI (mã chứng khoán PVI) và công ty con do PVI sở hữu 100% vốn là Tổng công ty Bảo hiểm PVI từng gặp trở ngại tương tự từ nhiều năm trước. Khi đó, lãnh đạo PVI cho biết, Công ty khó thăng hạng lên A- do chỉ chỉ số xếp hạng quốc gia của Việt Nam còn thấp, nên chỉ được xếp hạng tín nhiệm tài chính quanh ngưỡng B. Chỉ đến khi lựa chọn xong cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn HDI (Đức) và nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ cổ đông này, chỉ số xếp hạng của PVI và Bảo hiểm PVI mới dần cải thiện và thăng hạng lên A- như bây giờ.

Trong tháng 3/2025, Bảo hiểm PVI tiếp tục được AM Best tái xếp hạng năng lực tài chính mức A- và năng lực tín dụng dài hạn của nhà phát hành mức a-. Các mức xếp hạng này đều là Xuất sắc, phản ánh sức mạnh tài chính của nhà bảo hiểm thông qua kết quả hoạt động, hệ thống kinh doanh và quản trị rủi ro doanh nghiệp (ERM). AM Best cũng xét tới những ảnh hưởng tích cực từ việc xếp hạng của Tập đoàn HDI, cổ đông lớn của PVI - công ty mẹ của Bảo hiểm PVI.

AM Best đánh giá, Bảo hiểm PVI có tính linh hoạt tài chính tốt khi Tập đoàn HDI nắm giữ phần lớn cổ phần. Danh mục đầu tư có mức độ rủi ro trung bình, trong đó phần lớn phân bổ vào các khoản tiền gửi có kỳ hạn, còn lại đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, công ty liên kết, ủy thác đầu tư. Bảo hiểm PVI có tỷ lệ chi trả lợi nhuận cho công ty mẹ ở mức cao, tái bảo hiểm là thế mạnh để hỗ trợ hoạt động bảo hiểm tài sản, kỹ thuật và năng lượng.

Một công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác là Samsung Vina cũng duy trì kết quả rating ở mức A nhờ lợi thế của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). Cuối năm 2024, AM Best công bố Xếp hạng sức mạnh tài chính (FSR) là A++ (Vượt trội) và Xếp hạng tín dụng nhà phát hành (ICR) dài hạn là aa+ (Vượt trội) đối với Samsung Vina.

Hiện tại, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam đã được rating đều có kết quả từ B+ trở lên. Bảo Minh là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam duy nhất trên thị trường được đánh giá mức B++ ngay trong lần đánh giá đầu tiên của A.M.Best vào năm 2017.

Cuối tháng 3/2025, Tổng CTCP Tái bảo hiểm PVI - Hanoi Re (mã chứng khoán PRE) được AM Best tái khẳng định có nền tảng tài chính vững mạnh với vốn hóa rủi ro (Best’s Capital Adequacy Ratio - BCAR) đạt mức mạnh nhất vào cuối năm 2024 và dự kiến duy trì ổn định trong trung hạn. Năng lực vốn của Hanoi Re đã cải thiện đáng kể sau đợt tăng vốn năm 2023, giúp củng cố tiềm lực tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh bền vững.

Hiệu quả hoạt động của Hanoi Re được đánh ở mức tốt, duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong giai đoạn 2020-2024 ở mức tương đối cao và ổn định trên thị trường. Mặc dù thị trường bảo hiểm có nhiều biến động trong năm 2024 do ảnh hưởng nặng nề từ những tổn thất do siêu bão Yagi, Hanoi Re vẫn hoàn thành kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận nhờ vào chiến lược kinh doanh linh hoạt, nền tảng tích lũy tài chính bền vững và hoạt động đầu tư hiệu quả. Trong thời gian tới, Hanoi Re sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động để duy trì đà tăng trưởng.

Với Bảo hiểm Bảo Việt, nhà bảo hiểm này đã bắt tay vào nghiên cứu/triển khai rating từ hơn 10 năm trước, cũng từng mời chuyên gia A.M.Best tư vấn, nhưng hiện chưa có kết quả cuối cùng. Với việc sở hữu khá nhiều đơn vị thành viên, nên riêng khâu củng cố các hoạt động nội bộ để đáp ứng các quy chuẩn về vốn, quản trị, quản lý rủi ro… cần nhiều thời gian hơn.

Kết quả rating ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có Samsung Vina và Bảo hiểm PVI là được xếp hạng tài chính quốc tế ở mức A. Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm, ý nghĩa của việc được xếp hạng tín nhiệm quốc tế là rất lớn.

Để giành được các hợp đồng lớn, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ/tái bảo hiểm cần phải có kết quả rating cao. Bởi thực tế, từng có những đối tác, khách hàng đã từ chối ký hợp đồng bảo hiểm chỉ vì doanh nghiệp chưa được rating hoặc rating không đạt yêu cầu đưa ra. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp bảo hiểm quyết tâm thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Đây cũng là vấn đề được cơ quan quản lý đề cập nhiều trong năm qua tại các diễn đàn bảo hiểm, thôi thúc ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hướng tới, nhất là những doanh nghiệp lớn .

Tại Vinare, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, việc xếp hạng tín nhiệm quốc tế của Công ty còn hạn chế (B++ theo AM Best) đã ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận dịch vụ tốt trên trường quốc tế. Do đó, trong thời gian tới, Vinare tiếp tục tập trung phát triển nội lực, đảm bảo những chỉ tiêu cần thiết nhằm cải thiện thứ hạng. Trong năm 2024, ngoài chi 10% bằng tiền mặt, Vinare đã trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn lên hơn 2.000 tỷ đồng, giúp củng cố tiềm lực tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh bền vững.

Trong khi đó, với Bảo hiểm PVI, nhờ lợi thế rating A-, doanh thu nhận tái bảo hiểm từ thị trường quốc tế tăng cao, góp phần thực hiện thành công và ghi dấu ấn là năm đầu tiên cán mốc tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng. Mảng tái bảo hiểm đóng góp lớn vào thành công này khi đạt 5.885 tỷ đồng, chiếm 28% tổng doanh thu và vượt xa mục tiêu 4.000 tỷ đồng đề ra. Việc được xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức cao đã giúp Bảo hiểm PVI nâng cao uy tín, mở rộng quan hệ đối tác quốc tế và nhận được các hợp đồng lớn.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 mới diễn ra, ông Trần Duy Cương - Kế toán trưởng PVI cho biết, mức xếp hạng năng lực tài chính A- vào đầu năm 2023 đã trở thành tấm vé quan trọng để PVI tham gia thị trường quốc tế, điều mà không nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong nước có thể thực hiện.

“Dẫu vậy, quy mô của PVI còn rất khiêm tốn so với các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Những hợp đồng quốc tế đầu tiên của chúng tôi đều có bước đồng hành của cổ đông ngoại và năm 2024 là năm đầu tiên PVI thực hiện các hợp đồng tái bảo hiểm ở nước ngoài”, ông Cương nói và chia sẻ thêm, trong thời gian tới, thị trường mà PVI hướng đến trong lĩnh vực này là các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Đông Âu...

A.M Best là tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bảo hiểm và tái bảo hiểm nói riêng, lĩnh vực tài chính nói chung. Được thành lập vào năm 1899, đến nay, A.M Best đã xếp hạng tín nhiệm hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp ở hơn 90 quốc gia trên thế giới. Các kết quả xếp hạng của A.M Best được coi là công cụ tham khảo quan trọng dành cho khách hàng cũng như đối tác và các nhà đầu tư trước khi đưa ra quyết định hợp tác với bất cứ doanh nghiệp nào.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-nang-hang-rating-bao-hiem-post369522.html
Zalo