Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam

Chiều 9/1, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án Thương mại số tại Việt Nam tổ chức hội thảo 'Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics'.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học và các tổ chức liên quan, tạo ra một diễn đàn quan trọng để các bên chia sẻ ý kiến, hợp tác và cùng thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics” diễn ra chiều 9/1, tại Hà Nội

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics” diễn ra chiều 9/1, tại Hà Nội

Hội thảo giới thiệu về Dự thảo Báo cáo Chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam - thực trạng và khuyến nghị do nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế của Dự án Thương mại số tại Việt Nam (VDT) thực hiện nhằm đánh giá mức độ chuyển đổi số trong các nhóm ngành dịch vụ cảng, kho bãi, vận tải và giao hàng chặng cuối tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể.

Báo cáo nhận định, với quy mô thị trường lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong ngành logistics mặc dù các doanh nghiệp mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình này.

Nguồn vốn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp FDI và nhóm giao hàng chặng cuối có mức độ chuyển đổi số cao hơn nhờ lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quốc tế và áp lực thị trường.

Báo cáo cũng chia sẻ các thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics từ một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia và Đức.

68% công ty đầu tư vào công nghệ mới

Phiên thảo luận tại hội thảo, với sự tham gia của đại diện từ các hiệp hội, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics, tập trung vào các khía cạnh quan trọng của chuyển đổi số trong ngành logistics, bao gồm đánh giá quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam và trong các lĩnh vực như vận tải, kho bãi và giao hàng chặng cuối.

Các diễn giả thảo luận về vai trò của hải quan trong cải thiện chu trình lưu chuyển hàng hóa, các thành tựu trong ngành cảng biển và tiềm năng xây dựng trung tâm trung chuyển hàng hóa khu vực cùng với tầm quan trọng của cửa khẩu số.

Ngoài ra, các chuyên gia nêu rõ những thách thức như thiếu vốn, nhân lực và đề xuất giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Vai trò quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong logistics cho thương mại điện tử cũng được đề cập, mang lại góc nhìn toàn diện về chiến lược chuyển đổi số.

Ông Trevor O’Regan - Chuyên gia quốc tế Dự án Thương mại số tại Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - đánh giá, với đường bờ biển trải dài và các cảng quốc tế lớn (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu), Việt Nam trở thành trung tâm lý tưởng cho vận chuyển hàng hải. Ngành logistics của Việt Nam chiếm khoảng 4,5% GDP và đang tăng trưởng với tốc độ 14-16% mỗi năm.

Chính phủ đang đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, bao gồm xây dựng đường cao tốc mới, mở rộng sân bay. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức như chi phí logistics cao, khoảng cách về cơ sở hạ tầng và các quy định phức tạp trong một số trường hợp.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho hay, ngành logistics của Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, với 68% công ty đầu tư vào công nghệ mới bất chấp những thách thức về cơ sở hạ tầng. Các đổi mới chính bao gồm hệ thống quản lý kho bãi và vận tải, dự báo dựa trên AI và các giải pháp theo dõi lộ trình dựa trên Internet vạn vật. Điều này giúp các công ty vượt qua khoảng cách về cơ sở hạ tầng, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các ngành sản xuất chế tạo và thương mại điện tử đang mở rộng của Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho rằng, Báo cáo của Dự án VDT và ý kiến từ hội thảo là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi có những quyết sách kịp thời nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành logistics, đồng thời nâng cao nhận thức và hành động từ các bên liên quan trong việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và cải thiện năng lực cạnh tranh cho ngành logistics Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu để ngành logistics Việt Nam nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan nhà nước.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-nganh-logistics-tai-viet-nam-368817.html
Zalo