Nông dân Lai Châu vươn lên làm giàu từ những dược liệu quý tự nhiên

Trong kỷ nguyên mới của đất nước, Lai Châu đã và đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp và dược liệu Việt Nam.

Từ bao đời nay, các loại lá thuốc, cây dược liệu là món quà quý giá từ rừng để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao. Giờ đây, với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những giống dược liệu ấy được đưa vào sản xuất đã mở ra một hướng đi mới giúp bà con vươn lên, xóa đói giảm nghèo và có thể làm giàu bền vững.

Sì Lở Lầu hay còn được biết tới với tên gọi 12 tầng dốc là xã biên giới nằm ở phía Bắc, cách trung tâm huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hơn 80km đường đèo dốc hiểm trở, với nhiều khúc cua tay áo. Khó khăn là vậy, nhưng nhắc đến anh Phàn Phủ Liêu ở bản Thà Giàng hay còn gọi là Liêu tam thất thì ai cũng biết, bởi anh là một trong những người tiên phong trồng cây dược liệu, mà giá trị hơn cả là cây tam thất ở vùng cao biên giới xa xôi này.

Cây dược liệu đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân Lai Châu

Cây dược liệu đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân Lai Châu

Anh Phàn Phủ Liêu chia sẻ, các loại lá thuốc, cây dược liệu để sắc uống, để bôi, để đắp, để tắm vốn đã rất thân thuộc với bà con người Dao. Đây được xem là món quà quý từ núi rừng đã được truyền lại từ bao đời nay, vừa phục vụ chữa bệnh, vừa chăm sóc sức khỏe cho bà con trong bản. Những sản phẩm từ cây dược liệu sẵn có từ thiên nhiên mọc quanh nhà, quanh vườn, trên nương rẫy và trong những cánh rừng sâu.

Nhận thấy lợi thế từ các loại cây trồng dược liệu từ rừng mang lại, sau những chuyến đi thăm quan, tìm hiểu những mô hình hiệu quả của bà con ở các huyện xung quanh, năm 2018, anh Liêu đã quyết định trồng thử nghiệm với hơn 4.000 gốc tam thất, chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 600 triệu đồng từ việc xây dựng vườn ươm, tường bao, mái che, hạt giống.

“Mình phải cố gắng đầu tư mô hình để gìn giữ, bảo tồn các cây dược liệu của Việt Nam, cũng như hướng dẫn một số bà con cùng sản xuất để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cây dược liệu quá trình chăm sóc và phát triển rất chậm, nên lúc nào cũng phải theo dõi, chăm sóc, có thể mất 6 – 7 năm mới cho thu hoạch nên đòi hỏi sự kiên trì”, anh Liêu cho biết.

Sâm Lai Châu - loại cây trồng đặc hữu hứa hẹn là cây trồng mang lại no ấm cho người dân trên địa bàn

Sâm Lai Châu - loại cây trồng đặc hữu hứa hẹn là cây trồng mang lại no ấm cho người dân trên địa bàn

Từ lòng say mê với những vị thuốc quý của đồng bào Dao, cho tới khi bắt tay trồng và nhân rộng từng mảnh vườn dược liệu, là cả một sự đầu tư bài bản, nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhờ đọc sách báo, nghiên cứu trên mạng internet, trao đổi với các hộ nông dân giỏi, anh Liêu đã có thêm kiến thức, trải nghiệm để vun trồng nên được những khu vườn xanh tốt. Hiện vườn dược liệu của anh đang có hàng chục loài, như tam thất, lan kim tuyến, đương quy, sâm…

“Để trồng dược liệu thành công, cần đào đất thành luống và sàng đất, loại bỏ hết rác và đá nhỏ sau đó gieo giống và phủ lá cây lên trên để đất không bị sói mòn. Khi là cây phủ mục đi sẽ thành mùn bổ xung dưỡng chất cho cây. Cây dược liệu không được bón phân vô cơ, nên bắt buộc phải dùng lá cây và đất mục để cây có chất dinh dưỡng”, anh Liêu chia sẻ.

Nhận thấy tiềm năng, hiệu quả từ trồng cây dược liệu và nhờ những chia sẻ, giúp đỡ từ anh Liêu, nhiều hộ gia đình ở xã biên giới Sì Lở Lầu cũng đã chuyển đổi mảnh vườn tạp sang trồng dược liệu. Tường bao, mái che vẫn còn rất mới nhưng những hạt giống đã không phụ công người chăm bón bao ngày để nay mầm xanh đã vươn mình cứng cáp từ đất. Các giống cây dược liệu, trong đó có tam thất phát triển rất chậm, cây cũng không cao lớn, kích cỡ củ cũng tăng chậm qua từng năm càng làm nên giá trị kinh tế của giống cây quý này.

“Xã cũng đã mở 2 lớp tập huấn cho 60 người tham gia trồng cây tam thất và thất diệp nhất chi hoa. Chính quyền cũng hỗ trợ bà con tìm doanh nghiệp để thu mua sản phẩm, mua dược liệu giống, cũng như hỗ trợ các mô hình liên kết hợp tác xã để bà con chung tay sản xuất”, ông Tẩn Lao San, Phó Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ cho biết.

Các mô hình liên kết phát triển dược liệu đang là hướng đi bền vững tại Lai Châu

Các mô hình liên kết phát triển dược liệu đang là hướng đi bền vững tại Lai Châu

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, tỉnh Lai Châu hiện có gần 900 loài dược liệu, trong đó nhiều loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng có một số cây dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là hơn 17.800 ha, gồm các loại cây như: quế, sơn tra, sa nhân, thảo quả, sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đương quy...

Đối với cây quế, sơn tra, người dân Sơn La thực hiện trồng theo Đề án của tỉnh phê duyệt. Các loại dược liệu khác, người dân tự đầu tư trồng hoặc tỉnh hỗ trợ theo các chương trình, dự án trồng sa nhân, bảy lá một hoa, sâm Lai Châu, được trồng ở nhiều địa phương, như Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường… đang được cơ quan chuyên môn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh sản xuất theo quy trình canh tác mới, hướng tới sản phẩm đạt chất lượng tốt.

Ông Vương Thế Mẫn, Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có những cây như thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, sa nhân tím và nhiều loại cây dược liệu khác. Đây là lợi thế và cũng là sản phẩm cần phải phát triển để đem lại lợi ích cho bà con nhân dân. “Ngành chức năng chú trọng sản phẩm OCOP trên địa bàn và đang xây dựng thương hiệu để tạo uy tín đối với sản phẩm, từ đó tìm thị trường đầu ra cũng như tạo giá trị đặc biệt đối với cây thảo dược của tỉnh Lai Châu”, ông Mẫn thông tin.

Với trên 2/3 diện tích tự nhiên là rừng, đất lâm nghiệp, thảm thực vật phong phú, mảnh đất biên giới Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được đánh giá là tiềm năng lớn trong phát triển cây dược liệu quý hiếm. Để các loài cây dược liệu trở thành hàng hóa chất lượng cao, cơ quan chức năng địa phương đã tập trung hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất, thu hái, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, mẫu mã khi tiêu thụ. Tại các địa phương cũng lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình 30a, chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất, sự nghiệp khoa học… để giúp bà con phát triển cây dược liệu, mang lại thu nhập cao.

Ngành dược liệu đang góp phần tạo ra một nền kinh tế xanh, bền vững

Ngành dược liệu đang góp phần tạo ra một nền kinh tế xanh, bền vững

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu cho biết, hiện nay một số vùng phát triển cây dược liệu như cao Sìn Hồ đã hình thành một số sản phẩm để đưa ra thị trường và đưa vào đánh giá, phân hàng đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Ví dụ như cây Atiso, giảo cổ lam, chè dây, thuốc phong tê thấp... Tỉnh đang hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho bà con để thúc đẩy phát triển sản xuất.

Kỷ nguyên mới mà Lai Châu đang vươn mình không chỉ nhờ vào các sản phẩm nông nghiệp truyền thống, còn nhờ vào những sản phẩm có giá trị cao như cây dược liệu. Ngành dược liệu đang góp phần tạo ra một nền kinh tế xanh, bền vững, giúp tỉnh vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và khẳng định vị thế của mình trong công cuộc phát triển kinh tế.

Để màu xanh của những khu vườn, trang trại trồng dược liệu trở thành màu của no ấm, giàu có cần sự chung sức, quyết tâm lớn của chính quyền địa phương, người nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nếu liên kết này được bền chặt, luôn có sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp lẫn nhau chắc chắn phát triển sản xuất dược liệu sẽ là hướng đi đúng đắn, bền vững. Đó là lợi thế và tiềm năng to lớn cho sức bật mới, sự chuyển mình vươn lên phát triển của mảnh đất biên giới nơi cuối trời Tây Bắc này.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-lai-chau-vuon-len-lam-giau-tu-nhung-duoc-lieu-quy-tu-nhien-post1150164.vov
Zalo