Doanh nghiệp tất bật với đơn hàng đầu năm

Những ngày đầu năm 2025, không khí sản xuất tại nhiều doanh nghiệp hết sức sôi động để đáp ứng kịp thời những đơn hàng lớn. Đây là sự khởi đầu đánh dấu cho một năm kinh doanh thắng lợi.

Bước vào năm mới, nhiều ngành nghề như dệt may, chế biến thực phẩm, đồ gỗ nội thất và linh kiện điện tử… ghi nhận số lượng đơn hàng gia tăng mạnh mẽ. Các nhà máy hoạt động hết công suất, nhiều nơi thậm chí phải tổ chức làm thêm giờ để hoàn thành đúng hạn.

 Tàu hàng cập bến tại cảng Cát Lái. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tàu hàng cập bến tại cảng Cát Lái. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ghi nhận chung cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước khi nghỉ tết. Kế hoạch tuyển dụng bổ sung lao động cũng được triển khai sớm để đảm bảo lực lượng nhân sự sẵn sàng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng tận dụng cơ hội từ nhu cầu tăng cao tại các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN...

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh, chia sẻ, công ty chia 2 đợt đi làm, đợt 1 là mùng 4 tết, tương ứng với 75% số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại các dây chuyền sản xuất; đợt 2 trễ hơn 2 ngày. Kế hoạch sản xuất cũng được công ty thiết lập kỹ càng nhằm đảm bảo kịp tiến độ giao hàng cho đối tác Mỹ, với đơn hàng hơn 30.000 USD. Năm 2025, công ty ước tăng tổng doanh thu khoảng 16% nhờ phát triển đơn hàng ở thị trường mới là Nga, Brazil.

Tương tự, tại nhà máy sản xuất của Công ty CP Sản xuất thực phẩm Anh Kim (AK Food), quận Tân Bình, TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty, cho biết, 84% nhân sự công ty sẵn sàng trở lại làm việc ngay từ mùng 6 tết. Đầu năm, AK Food tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, phối hợp chặt chẽ với các đối tác để lên kế hoạch sản xuất, hoàn tất những đơn hàng xuất khẩu lớn từ trước Tết Dương lịch.

Bà Nguyễn Thị Thu nhìn nhận, năm 2025 hứa hẹn là một năm có nhiều tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung và ngành dịch vụ khách sạn, du lịch, nhà hàng (F&B) nói riêng. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ, doanh thu ngành thực phẩm tiêu dùng được dự báo tăng đáng kể so với năm 2024. Hiện công ty đang tập trung khai thác sâu rộng thị trường Mỹ với hơn 3 triệu kiều bào. Công ty cũng đặt trọng tâm trong việc duy trì việc bán hàng tại các thị trường xuất khẩu hiện hữu, nơi đã thiết lập mạng lưới khách hàng ổn định và có mối quan hệ hợp tác lâu dài. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu mở rộng các thị trường mới như Anh, Brazil, Mexico…

 Dây chuyền sản xuất nước giải khát của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh. Ảnh: Hoàng Hùng

Dây chuyền sản xuất nước giải khát của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh. Ảnh: Hoàng Hùng

Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới cùng nỗ lực đa dạng hóa các dòng sản phẩm đã thổi làn gió cạnh tranh vào thị trường trong nước và quốc tế. Không khí sản xuất sôi động ngay từ đầu năm không chỉ phản ánh sự quyết tâm mà còn là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tận dụng tốt những cơ hội hiện tại, vượt qua thách thức để đạt được những thành công mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng khi vẫn đối mặt với không ít thách thức: Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics có xu hướng tăng, trong khi chuỗi cung ứng quốc tế chưa hoàn toàn ổn định; yêu cầu cao hơn từ đối tác về chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.

“Để đứng vững và phát triển trong bối cảnh này, các công ty cần linh hoạt thích ứng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và không ngừng đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh. Ngay từ đầu năm, việc tăng thêm lượng hàng dự trữ kết hợp tìm hiểu và khai thác thêm nhiều thị trường mới tiềm năng để chủ động sản xuất, giảm rủi ro xuất khẩu tại các thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu… đã được doanh nghiệp thiết lập sẵn sàng”, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhấn mạnh.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-tat-bat-voi-don-hang-dau-nam-post779470.html
Zalo