Tin tưởng năm Ất Tỵ 2025 sẽ có nhiều bứt phá

Trước những chủ trương mang tính đột phá của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số cũng như nhiều quyết sách quan trọng khác... nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý đồng tình và tin tưởng năm Ất Tỵ 2025 sẽ có nhiều bứt phá. Báo Quân đội nhân dân chia sẻ một số ý kiến.

Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội: Lựa chọn cán bộ đủ sức gánh vác trọng trách

Đảng, Nhà nước ta đã có những chủ trương rất đúng, rất hợp lòng dân về cách mạng tinh gọn bộ máy, về đột phá phát triển KHCN, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia... Nhưng đội ngũ cán bộ mới quyết định sự thành bại của những chủ trương này, như Bác Hồ đã đúc kết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Năm nay là năm tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Ngoài nhiệm vụ chuẩn bị văn kiện thì công tác nhân sự là công việc rất quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tuyển chọn cán bộ thế nào cho cả nhiệm kỳ tới và những nhiệm kỳ sau? Lâu nay, chúng ta vẫn hay nói cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên” hoặc “có tâm, có tầm”. “Hồng” và “tâm” ở đây là phẩm chất đạo đức, còn “chuyên” và “tầm” là năng lực công tác, tầm nhìn, khả năng xử thế... Đây là hai vấn đề mang tính thời sự, không thể bỏ được.

Gần đây, chúng ta đã có những đổi mới trong công tác tuyển chọn, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đó là đưa họ vào những môi trường thử thách và giao những công việc khó. Vậy thì những người hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua và trước đấy nữa chính là những người rất đáng tin cậy, là cái gốc để chúng ta tin tưởng, lựa chọn, đề cử, đưa ra để đại hội bầu.

Hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Tôi muốn nói, muốn nhấn mạnh việc lựa chọn cán bộ phải căn cứ trên nền thực tiễn mà họ đã trải qua trong công tác, chứ họ chưa trải qua bất kỳ công tác nào mà đưa họ vào vị trí cao thì có nghĩa chúng ta chưa có “thuốc thử”. Một điều đáng quan tâm nữa là trước đại hội bao giờ cũng phải tìm nguồn, dự nguồn để cung cấp cho đại hội bầu. Vậy thì những người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào nguồn cán bộ các cấp thì luôn luôn phải giữ mình suốt cả cuộc đời, cả sự nghiệp, chứ không phải dự nguồn thì giữ mình tốt nhưng đến khi được bầu rồi thì thoái hóa biến chất, bị đồng tiền, lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân làm mờ mắt, bán rẻ bản thân để rồi rơi vào vòng lao lý, bị xử lý kỷ luật.

-----------------------------------------------

PGS, TS BÙI THỊ AN, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội: Chắp cánh đam mê cho nhà khoa học

Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện thể chế, loại bỏ mọi tư tưởng, quan niệm và rào cản cản trở sự phát triển, với mục tiêu biến thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều mà các nhà khoa học hiện nay quan tâm nhất là Chính phủ sẽ sửa đổi pháp luật để tháo gỡ rào cản trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu. Bởi lẽ, theo quy định trước đây, làm nghiên cứu khoa học là phải thành công.

Điều này rất khó và đã tạo áp lực cho các nhà khoa học. Cán bộ, các nhà khoa học làm việc trong sự lo lắng, vì một lý do khách quan nào đó sẽ ảnh hưởng đến cả sự nghiệp. Lâu dần sinh ra tâm lý e ngại, sức ì, hạn chế sự sáng tạo trong quá trình làm khoa học. Vì vậy, việc đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu như một cú hích, thay đổi tư duy làm khoa học, chắp cánh đam mê cho nhà khoa học.

Để nhà khoa học thực sự là nhân tố then chốt, cần phải có cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ tốt hơn. Nghị quyết cũng đã chú trọng việc mở rộng, đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các nhà khoa học, nhà sáng chế; trân trọng từng phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác, hiệu suất công việc. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học.

Theo tôi, chế độ đãi ngộ đối với các nhà khoa học không chỉ đơn thuần là tiền lương và thu nhập mà quan trọng hơn là điều kiện làm việc và môi trường sáng tạo. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã trao cho các nhà khoa học quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Không chỉ trí thức, nhà khoa học mà toàn thể nhân dân đều đang mong chờ một cuộc cách mạng đột phá trên con đường phát triển đất nước.

-----------------------------------------------

Đồng chí DƯƠNG THANH TÙNG, Bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa (Bắc Giang): Mục tiêu xóa nhà tạm sẽ về đích sớm

Một trong những quyết sách an sinh xã hội rất ý nghĩa đã được Quốc hội xem xét, quyết nghị tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV vừa qua, đó là cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đây là quyết sách được nhân dân cả nước phấn khởi, mong chờ. Việc giải quyết dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có khó khăn về nhà ở cũng chính là để nhân dân được hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Với quyết sách này, huyện Hiệp Hòa sẽ có thêm nguồn lực quan trọng để tập trung hiện thực hóa mục tiêu cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, về đích sớm. Thời gian qua, phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Hiệp Hòa được thực hiện thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị.

Đến nay, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã hoàn thành 100%, sớm hơn so với kế hoạch và chỉ tiêu tỉnh giao. Toàn huyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa 117 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng. Tiếp nối những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên trong việc chung tay thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

-----------------------------------------------

Luật sư TRẦN VĂN QUYẾT, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Xã hội sẽ ngày càng văn minh, kỷ cương hơn

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc đang bị điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự, nguyên nhân đến từ các vụ việc gây rối trật tự công cộng, xô xát khi xảy ra va chạm, đe dọa hành hung người khác... Điều này thể hiện rõ, hiện nay việc thực thi pháp luật được thực hiện rất nghiêm minh, không ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật.

Theo dõi các vụ việc, chúng ta thấy nhiều vụ cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng xuất phát từ những va quệt hoặc mâu thuẫn nhỏ trong quá trình lưu thông trên đường, mâu thuẫn với lực lượng thi hành công vụ, thậm chí có trường hợp không xảy ra va chạm, mâu thuẫn nhưng đối tượng vẫn tấn công nạn nhân. Có nhiều người vi phạm pháp luật là do thiếu hiểu biết. Nhiều quy định, bộ luật mới đã được truyền thông, tuyên truyền nhưng người dân không nắm rõ. Hạn chế nhận thức pháp luật khiến cho nhiều người không biết đúng-sai, dẫn đến không chấp hành, có những hành vi chống đối.

Chỉ đến khi phải làm việc với cơ quan chức năng mới biết mình phạm luật. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Trong năm 2025, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân; trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới được thông qua năm 2024; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Mỗi người dân cần tự nâng cao hiểu biết pháp luật, giữ bình tĩnh, tỉnh táo khi xử lý các sự việc, tình huống xảy ra trong cuộc sống, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tin-tuong-nam-at-ty-2025-se-co-nhieu-but-pha-813214
Zalo