Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến năm 2030 kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55-58% GDP

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55-58% GDP.

Sáng 18/5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với sự tham dự và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân tham dự hội nghị

Lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân tham dự hội nghị

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Nghị quyết 68: Mở đường phát triển bền vững cho kinh tế tư nhân

Theo đó, Thủ tướng tập trung giới thiệu các nhóm nội dung chủ yếu gồm: khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; nội dung chính của Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 198/2025/QH15 và công tác tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VPQH

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VPQH

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính việc phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, luật của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong suốt gần 40 năm qua.

Nhờ đó, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước”- Thủ tướng khẳng định.

Đến nay cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; giai đoạn 2017-2024, khu vực kinh tế tư nhân sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế; năm 2024 đóng góp 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo Thủ tướng, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia cả về số lượng, quy mô, đóng góp vào GDP, tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác còn hạn chế...

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thực xây dựng các đề án, dự thảo trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân: Khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; Nghị quyết cũng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm quan các gian hàng tại Triển lãm, giới thiệu các thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VPQH

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm quan các gian hàng tại Triển lãm, giới thiệu các thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VPQH

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của kinh tế tư nhân thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

Đột phá thể chế, kích hoạt động lực tăng trưởng từ kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá và cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Các nhóm nhiệm vụ này nằm trong tổng thể 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị, được xem là “bộ tứ chiến lược” về: phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; hoàn thiện pháp luật; và phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: VPQH

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: VPQH

Trong đó, để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới cho tăng trưởng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, bảo đảm và bảo vệ thực chất quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng.

Đáng chú ý, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự, nhằm củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Cùng với đó, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mô hình kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu; hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị đã phân công rõ nhiệm vụ cho toàn bộ hệ thống chính trị, bao gồm: Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các Ban Đảng Trung ương, Đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 68-NQ/TW.

Thực hiện chỉ đạo này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Nghị quyết nêu rõ phương châm hành động: quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động dứt khoát, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm; phân công nhiệm vụ một cách cụ thể, rõ ràng theo tinh thần “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian và rõ kết quả.

Chương trình hành động của Chính phủ xác định 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, được giao cho từng bộ, ngành, địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai theo chức năng, quyền hạn. Mục tiêu xuyên suốt là phát triển khu vực kinh tế tư nhân nhanh, mạnh và bền vững.

Cụ thể, Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 68 xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động về phát triển kinh tế tư nhân.

Đồng thời, đề ra 50 nhóm nhiệm vụ cải cách nhằm nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng. Trong đó có các nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung 11 luật trình cấp có thẩm quyền; đổi mới tư duy quản lý nhà nước từ “kiểm soát” sang “đồng hành”, xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ thay vì đối tượng quản lý; nghiêm cấm mọi biểu hiện lạm dụng cơ chế “xin-cho”.

Ngoài ra, chương trình hành động cũng chỉ rõ 31 nhiệm vụ nhằm tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực về đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao; 4 nhóm nhiệm vụ thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; 6 nhóm nhiệm vụ tăng cường liên kết giữa các loại hình doanh nghiệp; 7 nhiệm vụ hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, trong đó có Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh hóa sản xuất.

Chính phủ cũng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; cùng 12 nhiệm vụ thúc đẩy đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân.

Hành động quyết liệt, giải phóng tiềm năng doanh nghiệp tư nhân

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng tại Triển lãm. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng tại Triển lãm. Ảnh: VPQH

Trong đó, để cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết của Quốc hội quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với kinh tế tư nhân; nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh; phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW; quy định cụ thể về gải quyết phá sản doanh nghiệp; rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường…

Để hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về tiêu chí, mức, hình thức hỗ trợ, trình tự, thủ tục đối với từng loại tài sản và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương...

Nghị quyết cũng quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, trong đó Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; các trường hợp miễn giảm thuế, phí, lệ phí; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định về việc gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa sử dụng ngân sách nhà nước không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết của Quốc hội quy định chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, trong đó, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; được trừ 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; bố trí ngân sách nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng 10 nghìn giám đốc điều hành đến năm 2030...

Nghị quyết quy định cụ thể hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong như: đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu...

Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngày 17/5/2025 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 thì cũng trong ngày 17/5/2025, Chính phủ Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phân công nhiệm vụ với thời hạn cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể, thiết thực", khẩn trương đưa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-den-nam-2030-kinh-te-tu-nhan-dong-gop-khoang-55-58-gdp-388114.html
Zalo