Bot AI thao túng thị trường: Mối đe dọa mới với tài chính toàn cầu

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giao dịch tài chính đang đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, khi các bot giao dịch có khả năng tự học, phản ứng linh hoạt và thao túng thị trường mà không cần sự can thiệp trực tiếp từ con người.

Robot tích hợp AI có thể tự mình sản xuất tin tức. Ảnh: Getty Images

Robot tích hợp AI có thể tự mình sản xuất tin tức. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Euronews ngày 18/5, các thuật toán giao dịch đã được sử dụng từ hàng thập kỷ trước, nhưng thế hệ bot AI mới có khả năng học từ kinh nghiệm, xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ và hành động độc lập, đang làm gia tăng nguy cơ thao túng thị trường. Một số chuyên gia cảnh báo rằng các bot này có thể phối hợp để tạo ra làn sóng thông tin giả hoặc thông tin sai lệch trên mạng xã hội, qua đó tác động tới hành vi nhà đầu tư và làm biến động giá tài sản.

Phó giáo sư Alessio Azzutti (Đại học Glasgow) cho rằng các hành vi thao túng như vậy đang xảy ra ở mức độ tinh vi hơn, đặc biệt trong lĩnh vực tiền mã hóa và tài chính phi tập trung. Ông cho biết nhiều nhóm sử dụng Telegram và các nền tảng xã hội để khuyến khích người dùng đầu tư vào tài sản cụ thể, trong khi các bot AI có thể tăng cường hiệu ứng này mà không bị phát hiện.

Cơ quan Giám sát Thị trường và Chứng khoán châu Âu (ESMA) nhận định đây là mối quan ngại thực tế, nhấn mạnh vai trò của mạng xã hội trong việc lan truyền thông tin gây hiểu lầm, vượt quá năng lực giám sát truyền thống. Dù vậy, ESMA chưa có số liệu cụ thể về các vụ thao túng do AI gây ra, nhưng đang tích cực theo dõi.

Trường hợp cổ phiếu GameStop năm 2021 thường được nhắc đến như một ví dụ điển hình của giao dịch theo tâm lý đám đông, khi các nhà đầu tư cá nhân đồng loạt mua vào, đẩy giá tăng đột biến và khiến các quỹ đầu cơ chịu thua lỗ lớn. Dù không có dấu hiệu "thông đồng" rõ ràng, nhưng sự kiện này phản ánh rõ mức độ rủi ro nếu trí tuệ nhân tạo tận dụng được hiệu ứng tâm lý thị trường.

Giáo sư Itay Goldstein (Đại học Pennsylvania) cho rằng AI có thể phối hợp mà không cần liên lạc trực tiếp, khiến các biện pháp giám sát truyền thống trở nên không hiệu quả. Ông kêu gọi cần có chiến lược quản lý mới để bắt kịp với công nghệ, đồng thời chỉ ra rằng dữ liệu hiện nay về cách AI được dùng trong giao dịch vẫn còn rất hạn chế.

Về mặt pháp lý, Giáo sư Filippo Annunziata (Đại học Bocconi) cho rằng không nhất thiết phải sửa đổi các khung quy định hiện hành như MAR hay MiFID II, nhưng các cơ quan giám sát cần được trang bị công cụ tinh vi hơn. Ông đề xuất yêu cầu tích hợp “bộ ngắt mạch” vào các hệ thống giao dịch AI để tạm dừng hoạt động khi rủi ro xuất hiện.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất xây dựng khung pháp lý rõ ràng về trách nhiệm khi các hệ thống AI gây ra thiệt hại mà không có sự can thiệp trực tiếp của con người. Điều này đặc biệt cấp thiết trong bối cảnh ngày càng phổ biến các mô hình giao dịch tự động với thuật toán hoạt động không minh bạch, khi các quyết định đầu tư được đưa ra mà thiếu khả năng giải trình hoặc kiểm tra nguồn gốc dữ liệu.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bot-ai-thao-tung-thi-truong-moi-de-doa-moi-voi-tai-chinh-toan-cau-20250518151459788.htm
Zalo