Xây dựng con người ngân hàng có tâm, có tầm, vươn mình cùng đất nước

Hơn nửa thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn vượt thời đại đã đặt ra cho Ngành Ngân hàng không chỉ những chuẩn mực nghiệp vụ, mà còn là những nguyên tắc đạo đức nền tảng. Những lời dạy của Người không chỉ là hồi chuông nhắc nhớ, mà còn là kim chỉ nam cho ngành ngân hàng trong hành trình xây dựng một nền tài chính ngân hàng nhân văn, hiệu quả và vì dân.

“Ngân hàng vì dân”

Năm 1962, trong chuyến thăm Nhà máy Dệt Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé Quỹ tiết kiệm Xã hội Chủ nghĩa đặt trong Nhà máy Dệt Nam Định. Trong lúc nói chuyện với 3 cán bộ của Quỹ, Bác đã hỏi xem có bao nhiêu công nhân gửi được tiền tiết kiệm và đặt một câu hỏi: “Bác có một hào thì có gửi tiết kiệm được không? (vì mức gửi thấp nhất khi ấy là 1 đồng). Đằng sau câu hỏi tưởng như bình dị ấy là một chân lý sâu sắc - một lời dạy của Bác với cán bộ ngân hàng: Ngân hàng dù phát triển hiện đại đến đâu cũng không được quên gốc là ngân hàng của dân, do dân, vì dân, nên trước hết là phải sẵn sàng phục vụ nhân dân. Câu chuyện “một hào” là lời nhắc nhở không chỉ về chính sách tiền gửi, mà về triết lý tài chính công bằng, rằng không ai quá nhỏ bé để không được phục vụ. Không số tiền nào quá ít để không đáng được trân trọng. Không vị thế nào trong xã hội bị loại khỏi quyền tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp ngày 19/5/1957)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lương Bằng (ảnh chụp ngày 19/5/1957)

Trong kỷ nguyên tài chính số, nơi mà thuật toán có thể thay thế con người, câu hỏi của Bác vẫn gợi mở một yêu cầu: Ngân hàng hiện đại phải có trái tim. Dịch vụ thông minh phải song hành với sự tử tế. Và sự bao trùm tài chính phải được định nghĩa bằng lòng nhân ái, không chỉ bằng chỉ tiêu. Đây cũng là điều mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai trong thời gian qua.

Hệ thống ngân hàng phát triển ngày càng lớn mạnh không chỉ hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp, mà còn phục vụ cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế. Bên cạnh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chuyên trách thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo và đối tượng chính sách, còn có sự nỗ lực đồng hành toàn Ngành. Như các NHTM Nhà nước trích 2% nguồn tiền gửi sang NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, nhiều NHTM, bao gồm cả các NHTM cổ phần, đều có chính sách tín dụng riêng cho người nghèo và đối tượng yếu thế. Bên cạnh đó là sự vận hành hiệu quả của gần 1200 QTDND trên cả nước và các tổ chức tài chính vi mô cùng các chương trình an sinh xã hội để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong hành trình phát triển của đất nước.

Giữ tiền là giữ đạo đức, niềm tin và lẽ công bằng

Trong thư gửi Hội nghị Cán bộ Ngân hàng tháng 1/1965, Bác căn dặn: “Quản lý tiền bạc là một công tác rất quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ ngân hàng là người có trách nhiệm giữ tiền cho Nhà nước và nhân dân, phải học tập cách quản lý tiền cho tốt, đừng để lãng phí, mất mát. Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng. Phải tích cực huy động tiền nhàn rỗi để bỏ vào sản xuất”.

Không phải ngẫu nhiên mà Người dùng từ “giữ” khi nhắc nhở cán bộ ngân hàng. Giữ không đơn thuần chỉ là thao tác nghiệp vụ mà “giữ” ở đây là giữ gìn, giữ cùng trách nhiệm và danh dự. Đó là sự ủy thác vĩ đại từ xã hội người dân: ủy thác niềm tin, hy vọng và sinh kế vào những người làm ngân hàng.

Khi người dân gửi đồng tiền tiết kiệm, họ không chỉ ký gửi tài sản, mà ký gửi niềm tin. Khi một doanh nghiệp nhỏ đến ngân hàng vay vốn, họ không chỉ tìm nguồn tiền, mà tìm một bàn tay nâng đỡ, một chỗ dựa để bước tiếp.

Trong bối cảnh hệ thống tài chính ngày càng phức tạp, việc quản lý tiền càng thêm khó, không chỉ đơn thuần là kiểm đếm, mà là đọc đúng rủi ro, định vị đúng giá trị, và bảo đảm sự an toàn minh bạch trong từng quyết định. Một chữ ký phê duyệt hôm nay có thể là cơ hội cho một doanh nghiệp vượt khó, nhưng cũng có thể là khởi đầu của thất thoát, sai phạm nếu cán bộ thiếu trách nhiệm và bản lĩnh.

Do vậy, "giữ tiền"theo lời Bác chính là giữ lấy phẩm giá nghề nghiệp. Giữ lấy sự chính trực của một người công bộc. Giữ lấy cái tâm trong một hệ thống chịu thử thách hàng ngày bởi quyền lực và cám dỗ.

Cũng trong bức thư này Bác nhấn mạnh: “Một đồng vốn bỏ ra phải bảo đảm tăng thêm của cải cho xã hội, phải luân chuyển nhanh, đừng để đọng”. Tư tưởng này đặt ra một yêu cầu đồng vốn nhà nước, đồng vốn của người dân gửi vào ngân hàng không phải để “giữ hộ” “xếp tủ”, mà phải được vận hành để tạo giá trị. Giá trị ấy không chỉ là lợi nhuận cho ngân hàng, lợi tức tiền gửi cho người dân, mà quan trọng hơn là tạo công ăn việc làm, sản phẩm xã hội, biến tiền gửi của người dân trở thành động lực cho nền kinh tế phát triển.

Khi người cán bộ ngân hàng coi mỗi đồng vốn là “hạt giống của niềm tin” thì khi ấy họ sẽ cẩn trọng hơn trong quyết định, tỉnh táo hơn trước rủi ro, và dấn thân hơn để đồng vốn ấy “nảy mầm” trong cuộc sống.

“Cần, kiệm, liêm, chính” không phải là khẩu hiệu, mà là nguyên tắc

Đặc biệt trong thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng tháng 1/1965, Bác căn dặn: “Cán bộ Ngân hàng phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thấu suốt hơn nữa đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu học tập lý luận và nghiệp vụ, cải tiến lề lối làm việc, để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được nhiều và tốt hơn”.

Thực tế chứng minh tư tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ dừng ở đạo đức suông. Người luôn gắn đạo đức với hành động cụ thể, với vị trí nghề nghiệp, và với môi trường đặc thù. Đối với ngành ngân hàng, yêu cầu đạo đức lại càng quan trọng bởi người cán bộ ngân hàng thường xuyên phải tiếp xúc với tiền, nên không giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, rất dễ bị cám dỗ.

Cũng vì thường xuyên tiếp xúc với tiền, nên “cần, kiệm, liêm, chính” không phải là giáo điều, mà là hệ thống nguyên tắc sống còn. Cần - không chỉ là chăm chỉ, mà là không vô cảm, không lười học, không trì trệ trước đổi mới. Kiệm - không chỉ là tiết kiệm vật chất, mà là tiết kiệm thời gian cho dân, tiết kiệm cơ hội cho nền kinh tế. Liêm - là không để một đồng sai lệch, một hành vi vụ lợi, một sự mập mờ đánh đổi đạo đức lấy “lợi ích riêng”. Chính – là sống ngay thẳng, công minh, không bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm, hay áp lực từ “trên xuống”.

Chính từ hệ giá trị này mà người cán bộ ngân hàng mới có thể vừa là người quản lý tài sản, vừa là người giữ lửa đạo lý, vừa là người phục vụ phát triển.

Trong một thế giới tài chính ngày càng số hóa, toàn cầu hóa, và nhiều biến động, điều khiến ngành ngân hàng vững chãi không phải là công nghệ hay quy mô vốn, mà chính là con người - những người mang tâm thế phụng sự, trí tuệ kinh tế và bản lĩnh đạo đức phục vụ tổ quốc, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói nhiều về ngân hàng, nhưng mỗi lời của Người là một “thiết kế đạo đức” và có tính hệ thống cho cả Ngành; giáo dục cán bộ ngân hàng không chỉ cần thông thạo quy trình, mà cần hun đúc lý tưởng, tôi luyện nhân cách, khơi dậy bản lĩnh chính trị trong từng hành vi nghiệp vụ…

Hơn 60 năm kể từ thư gửi Hội nghị cán bộ Ngân hàng tháng 1/1965 và 63 năm kể từ câu chuyện “một hào”, những lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị tiếp tục soi đường cho các cán bộ nhân viên ngân hàng tu dưỡng, học tập và rèn luyện đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Người mong muốn.

Minh Ngọc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-con-nguoi-ngan-hang-co-tam-co-tam-vuon-minh-cung-dat-nuoc-164396.html
Zalo