Thủ tướng nêu 3 mục tiêu, 7 giải pháp để phát triển logistics
Sáng 2.12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2024 với chủ đề 'Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics'. Diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung vào các nội dung chính như: "Logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỳ nguyên mới"; "Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam Bộ"; "Xu hướng phát triển khu thương mại tự do"; "Cơ hội và khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành logistics, ví như "mạch máu" của nền kinh tế, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy ngành logistics phát triển.
Diễn đàn năm nay là cơ hội để Chính phủ phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc thu hút và khuyến khích đầu tư, đặc biệt vào các khu thương mại tự do. Đây được xem là giải pháp mang tính đột phá với các chính sách hấp dẫn, thông thoáng, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có ngành dịch vụ logistics.
Bộ Công Thương hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đề ra các giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về logistics, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển ngành logistics nhưng hiện nay chưa phát huy tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chi phí Logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp và thiết hụt nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, nhận định rằng diễn đàn logistics là cơ hội quý giá để các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, và các tập đoàn logistics toàn cầu cùng nhau thảo luận, trao đổi, đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy việc thành lập các khu thương mại tự do. Đây được xem là yếu tố quan trọng, tạo động lực đột phá cho ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Phạm Viết Thanh cũng nhấn mạnh việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một bước đi mang tính chiến lược. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển tại địa phương mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng logistics trong toàn vùng Đông Nam Bộ, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ba mục tiêu và bảy giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành logistics. Ba mục tiêu bao gồm: Giảm chi phí logistics xuống còn 15% GDP; nâng quy mô logistics trong GRDP lên 15% với mục tiêu phấn đấu đạt 20%, và tăng quy mô ngành logistics của Việt Nam trên tổng quy mô toàn cầu từ 0,4% lên 0,5%, hướng tới 0,6%.
Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nâng cao nhận thức về vai trò của logistics trong phát triển kinh tế, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội, tạo động lực đột phá để đưa đất nước vươn lên trong kỷ nguyên mới, trở nên giàu mạnh và thịnh vượng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách cơ chế, thủ tục hành chính thông thoáng để giảm chi phí và thời gian cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt; giảm chi phí đầu vào và tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, cần phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực như hàng không, hàng hải, và đường sắt tốc độ cao. Song song đó, việc ứng dụng quản trị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ngoại giao logistics, hiện đại hóa logistics nội địa, xây dựng quốc gia thương mại tự do với các kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông là những ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tăng cường tính tự lực, tự chủ; đồng thời xây dựng phương án phát triển logistics phù hợp với điều kiện và tiềm năng của từng địa phương; đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững trên toàn quốc.