Doanh số tháng 11 của Sao Ta đạt 18,38 triệu USD

Lũy kế 11 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt hơn 228,4 triệu USD (xấp xỉ 5.740 tỷ đồng), vượt gần 9% mục tiêu doanh số cả năm (210 triệu USD).

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh tháng 11 với doanh số chung đạt 18,38 triệu USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt hơn 228,4 triệu USD (xấp xỉ 5.740 tỷ đồng), vượt gần 9% mục tiêu doanh số cả năm (210 triệu USD).

Trong đó sản lượng sản xuất tôm thành phẩm 1.497 tấn, bằng 103% so cùng kỳ năm trước còn sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 1.648 tấn, tăng 1,5%.

Sản xuất nông sản thành phẩm 42 tấn, giảm 59% so với tháng 10/2023 còn sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 95 tấn, giảm 16% so cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp thông tin đã thả giống tôm xong khu mới (203 ha) và đang thả giống khu cũ (322 ha), dự kiến ngày 20/12 hoàn tất.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đề cập đến vụ phía nguyên đơn từ Hoa Kỳ kiện ngành tôm nhiều nước, trong đó có nước ta hưởng lợi từ sự trợ cấp Chính phủ (CVD) đang đi vào giai đoạn cuối.

Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã đưa ra mức thuế CVD sơ bộ và mức thuế cuối cùng cho ngành tôm ta là 2,84%. Trong tiến trình diễn biến, các lô tôm ta bán vào Hoa Kỳ từ đầu tháng tư đến đầu tháng 7/2024 đã nộp tạm cho Hải quan Hoa Kỳ mức thuế tạm này.

Sao Ta cho biết, các lô hàng bán vào đây từ 1/7/2024 chưa cần nộp thuế theo quy định luật của phía Hoa Kỳ và các DN tôm bán hàng vào đây phải trích dự phòng trên sổ sách các khoản tiền này để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, đây chưa là điểm kết luận cuối cùng mức thuế của vụ kiện.

Theo trình tự ngày 5/12/2024 Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng, chỉ kết luận là vụ kiện hình thành hay không. Nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngành tôm Hoa Kỳ, mức thuế 2,84% trở thành chính thức, trở thành một rào cản không nhỏ cho ngành tôm ta ở đây. Nếu ITC cho rằng mức trợ cấp này không ảnh hưởng đáng kể tới ngành tôm Hoa Kỳ thì vụ kiện sẽ bị hủy bỏ. Khoảng chục năm trước, ngành tôm ta cũng từng bị kiện tương tự nhưng ITC đã phán quyết hủy bỏ vụ kiện.

Tình huống thuận này, nếu hiện thực, các doanh nghiệp tôm ta bán hàng vào Hoa Kỳ sẽ hết sức phấn khởi vì thị trường này vẫn còn cơ hội và tiềm năng thâm nhập và mở rộng và các doanh nghiệp tôm đã bán hàng vào đây sẽ được phía Hải quan Hoa Kỳ trả lại phần tiền tạm nộp cho các lô hàng bán vào đây ở quý 2/2024 và khoản tiền trích dự phòng trên sổ sách sẽ chuyển thành khoản thu lãi.

Sao Ta đánh giá, ngày “phán xét” này trở thành kỳ vọng hết sức quan trọng cho các doanh nghiệp tôm bán hàng vào đây. Khi hoạch định kế hoạch kinh doanh 2024, các doanh nghiệp tôm có lẽ chưa lường được tính phức tạp của vụ kiện này và rõ ràng với khoản thuế phải nộp, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả hoạt động của mình.

Sao Ta cũng rất quan tâm, chờ đợi cho ngày “phán xét”, bởi nếu có kết luận thuận, Sao Ta sẽ thu về không ít hơn 40 tỷ đồng cho khoản dự phòng thuế này, góp phần tích cực cho hoàn thành kế hoạch 2024.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo biên lãi gộp của Sao Ta trong quý 4 dự kiến sẽ khó tăng cao so với quý trước khi giá tôm thẻ nguyên liệu tiếp tục tăng dần theo tháng và hiện nay cao hơn 19% so với cùng kỳ trong khi giá bán vẫn chưa tăng trưởng.

Bên cạnh đó, khả năng thỏa thuận với người mua tăng giá bán gặp khó khăn khi nhu cầu tích trữ cho mùa lễ hội không còn nhiều và mức độ cạnh tranh giữa các nước còn cao.

Minh Nhật

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/doanh-so-thang-11-cua-sao-ta-dat-1838-trieu-usd-230590.html
Zalo