Thủ tướng: Chính quyền hai cấp quan trọng nhất là chủ động, tích cực phục vụ người dân

Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng và cơ bản nhất trong bản chất của chính quyền hai cấp là chủ động, tích cực phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về nhiều nội dung, trong đó có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên từ nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2025.

Quốc hội cũng thảo luận về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có phát biểu làm rõ thêm các ý kiến đại biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8. Ảnh: Phạm Thắng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8. Ảnh: Phạm Thắng

Phát triển cả năm phương thức giao thông

Theo người đứng đầu Chính phủ, bối cảnh thế giới hiện rất khó khăn, các định chế tài chính thế giới, các nước lớn đều dự báo tăng trưởng năm nay thấp hơn năm ngoái. Nhưng Việt Nam thì ngược lại, dự kiến tăng trưởng ban đầu khoảng 6,5% đến 7% nhưng vừa qua phân tích và xác định lại, nâng dự kiến tăng trưởng hơn 8% và tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

Để làm được điều này, Việt Nam đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, vốn đã và đang triển khai tích cực: tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, Thủ tướng dành nhiều thời gian chia sẻ về đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông ở cả năm phương thức để giảm chi phí logistics vốn đang rất cao, khoảng 17 - 18% so với trung bình thế giới 10 - 11%, giúp tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Với đường bộ, mục tiêu đặt ra là phải hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc trong năm 2025. Tiếp đó là triển khai hệ thống đường sắt, đây là hệ thống dung hòa giữa hàng không và hàng hải bởi hàng không có chi phí cao, còn hàng hải mất thời gian hơn. Đường sắt có thể vận tải khối lượng lớn, giá thành rẻ, đi suốt ngày đêm, do đó phải nâng cấp hệ thống đường sắt, tập trung xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và đường sắt liên kết với Trung Quốc là Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng. Từ đó, mở ra kết nối giao thông với Trung Quốc, kết nối sang Trung Á và châu Âu, nhờ đó mới đa dạng hóa thị trường và sản phẩm.

Về đường thủy nội địa, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rất lớn, theo Thủ tướng, năm nay và năm tới sẽ tập trung vào loại hình vận tải này để giảm chi phí hàng hóa, tăng sức cạnh tranh.

Đối với hàng không, Thủ tướng cho biết đây là phương thức đang phổ biến. Muốn phát triển hàng không, phải có sân bay, phát triển đội bay, các hãng hàng không. “Không thể dừng ở hai ba hãng hàng không mà phải phát triển nhiều để tạo cạnh tranh, có lợi cho người dân”, ông nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Phạm Thắng

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Phạm Thắng

Về hàng hải, Thủ tướng nhấn mạnh nước ta có 3.000 km bờ biển nên cần phải phát triển hệ thống cảng, vận tải hàng hải và phải xây dựng các cảng lớn để các tàu lớn nhất có thể ra vào. Hiện nay, một số cảng đang được tập trung phát triển như cảng Lạch Huyện, Cái Mép Thị Vải, cảng Cần Giờ, cảng Hòn Khoai...

Ngoài hạ tầng giao thông, hạ tầng về giáo dục, y tế, thể thao... đều phải phát triển bao trùm đồng bộ. Để thực hiện ba đột phá chiến lược, vừa qua Chính phủ đã trình bốn Nghị quyết bao gồm Nghị quyết 57 về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về hội nhập, Nghị quyết 66 về xây dựng pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không thể làm gì một mình, phải hội nhập, không thể lẽo đẽo theo sau mãi. Phải tiến cùng, bắt kịp và vượt lên, tham gia dẫn dắt cuộc chơi. Muốn vậy phải chủ động tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của quốc gia”.

Chuyển trạng thái quản trị, giảm chi phí tuân thủ, làm mới động lực tăng trưởng

Theo Thủ tướng, cần phải làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến động của thế giới.

Một trong những nội dung người đứng đầu Chính phủ dành thời gian phân tích là về chính quyền hai cấp. Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng và cơ bản nhất trong bản chất của chính quyền hai cấp là chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp cận người dân, doanh nghiệp sang chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện sự chuyển đổi này, chính quyền các cấp phải làm, nhân dân và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cần thiết và công bố công khai để người dân làm theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều luật pháp không cấm. Chính quyền thay vì tiền kiểm thì hậu kiểm. Còn quản lý nhà nước phải làm công tác chiến lược, quy hoạch, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để phát triển, giám sát kiểm tra.

Trong quá trình tổ chức bộ máy, Thủ tướng cho rằng chắc chắn sẽ dư thừa các trụ sở và cần xử lý ngay. Hiện Bộ Tài chính đang rà soát nhưng quan trọng nhất là các cấp ủy địa phương không để lãng phí, vận dụng sáng tạo từ địa phương. “Luật pháp không bao giờ bao phủ được hết các góc cạnh của cuộc sống nên không cầu toàn, nóng vội… Với các vấn đề mới phát sinh phải bình tĩnh, tổng kết dần, miễn là không có tiêu cực, tham nhũng”, ông lưu ý.

Nói thêm về phân cấp, phân quyền, Thủ tướng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực thực thi. “Phân cấp, phân quyền nhưng không có nguồn lực, phân bổ ngân sách., giữ khư khư thì ai làm được”, Thủ tướng nói.

Nêu ví dụ về việc phân bổ 1.200 tỷ đồng sửa trụ sở của Chủ tịch nước, Thủ tướng cho biết đây là việc đương nhiên phải làm nhưng theo quy định vẫn phải đưa ra Quốc hội thảo luận, cuối cùng không ai có ý kiến vì đó là việc hiển nhiên cần phải làm. “Với những việc đương nhiên phải làm đó, tại sao lại cần có quá nhiều thủ tục từ tờ trình, thẩm tra, thảo luận?... Giảm thủ tục hành chính chính là ở chỗ này!”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, ông cho rằng nên thực hiện theo hướng có quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng. Song song đó, Chính phủ thiết kế các công cụ kiểm tra giám sát, Quốc hội tăng cường giám sát tối cao. Nhấn mạnh hai lãng phí rất quan trọng là lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian nhưng chưa được đánh giá hết, ông nói: “Cơ hội đến và đi rất nhanh, nhưng phải xử lý một rừng thủ tục. Khi xong được thủ tục thì cơ hội đi mất rồi. Hoặc những vấn đề rất đột xuất, bất ngờ thì phải có cơ chế giải quyết ngay”.

Thủ tướng khẳng định: “Chúng ta không thể làm gì một mình, phải hội nhập, không thể lẽo đẽo theo sau mãi. Phải tiến cùng, bắt kịp và vượt lên, tham gia dẫn dắt cuộc chơi. Muốn vậy phải chủ động tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu của quốc gia”.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-chinh-quyen-hai-cap-quan-trong-nhat-la-chu-dong-tich-cuc-phuc-vu-nguoi-dan-388964.html
Zalo