Từ 1/7, thêm hàng triệu người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, từ 1/7 sẽ có thêm hàng triệu người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định mở rộng đối tượng theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) đã bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, nhóm người lao động làm việc online, lái xe công nghệ… cũng sẽ có thể thuộc đối tượng này. Theo quy định hiện hành, người lao động có hợp đồng lao động với thời hạn 3 tháng mới phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã điều chỉnh theo hướng người lao động và chủ doanh nghiệp có thỏa thuận làm việc bằng hợp đồng 1 tháng trở lên phải đóng bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mở rộng nhiều đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, Luật mới cũng bổ sung thêm bốn nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ; nhóm đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương; nhóm đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất (tính theo lương tối thiểu vùng); cuối cùng là trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, từ ngày 1/7, sẽ có thêm hàng triệu người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó đáng chú ý là nhóm chủ hộ kinh doanh. Bên cạnh việc mở rộng các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Luật mới cũng có những quy định “mạnh tay” với tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài các hình thức xử lý hành chính, với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, các bên còn chịu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.