Nghị quyết 68-NQ/TW và loạt chính sách ưu đãi dành cho hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi Nghị quyết 68-NQ/TW của Trung ương chính thức đưa ra loạt chính sách hỗ trợ mới.

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Trung ương đã xác lập nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có nhóm hộ kinh doanh – một lực lượng sản xuất đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Theo thống kê, khu vực này hiện đóng góp khoảng 50% GDP và chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trước yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, Nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thiết thực cho hộ kinh doanh phát triển và chuyển đổi mô hình hoạt động.

1. Mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho hộ kinh doanh

Một trong những nội dung trọng tâm tại Mục 3, Phần II của Nghị quyết là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn, cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, Nhà nước định hướng kết nối và tích hợp thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế và các tổ chức liên quan nhằm thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu về hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp, bao gồm cả hộ kinh doanh.

Thông tin này sẽ được sử dụng để đánh giá mức độ tín nhiệm và xếp hạng tín dụng từ phía các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng độc lập. Qua đó, tạo cơ sở cho việc mở rộng tín dụng, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh có tiềm năng phát triển.

2. Tăng cường liên kết chuỗi giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp lớn

Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến vai trò của các chuỗi liên kết trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh. Cụ thể, Trung ương khuyến khích xây dựng các cụm ngành, chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nội địa, trong đó các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt.

Hộ kinh doanh sẽ được tạo điều kiện tham gia vào các chuỗi này thông qua các chính sách hỗ trợ như: chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và thử nghiệm sản phẩm. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp lớn được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Đáng chú ý, các khoản chi cho việc đào tạo và đào tạo lại nhân lực do doanh nghiệp lớn thực hiện cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh trong chuỗi sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này không chỉ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp lớn mà còn khuyến khích tinh thần hợp tác trong toàn hệ sinh thái kinh doanh.

3. Thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Một mục tiêu quan trọng khác được Nghị quyết 68 đặt ra là khuyến khích hộ kinh doanh từng bước chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nhà nước sẽ tiến hành rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh cá thể, từ đó thu hẹp khoảng cách về điều kiện hoạt động, chế độ kế toán và cơ chế quản lý giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Chính sách này nhằm tạo lập một môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, giúp hộ kinh doanh dễ dàng thích ứng và gia nhập khu vực doanh nghiệp chính thức, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị và năng lực cạnh tranh.

4. Xóa bỏ hình thức thuế khoán trước năm 2026

Để đảm bảo công bằng trong chính sách thuế và minh bạch trong hoạt động kinh doanh, Trung ương đã đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất là vào năm 2026. Thay vào đó, cơ chế quản lý thuế sẽ được số hóa, đơn giản hóa, đảm bảo tính tuân thủ cao và dễ thực hiện.

Việc này không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý của cơ quan thuế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động và từng bước chính thức hóa.

5. Hộ kinh doanh được tiếp cận miễn phí nền tảng số và tư vấn pháp lý

Một điểm mới đáng chú ý trong Nghị quyết là chủ trương cung cấp miễn phí các công cụ hỗ trợ số hóa hoạt động kinh doanh cho các hộ kinh doanh, bao gồm: phần mềm kế toán dùng chung, nền tảng số, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo quản trị, kế toán, thuế, nhân sự…

Chính sách này nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo tuân thủ pháp luật cho hộ kinh doanh, giúp họ thích ứng nhanh hơn với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực.

6. Ưu tiên hộ kinh doanh trong tiếp cận sản phẩm tài chính

Trong khuôn khổ Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Nghị quyết 68 cũng đặt trọng tâm vào việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho nhóm hộ kinh doanh. Các sản phẩm tài chính sẽ được thiết kế linh hoạt, phù hợp với đặc thù và quy mô hoạt động của nhóm này.

Đặc biệt, chủ hộ kinh doanh thuộc các nhóm đối tượng như: thanh niên, phụ nữ, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo... sẽ được ưu tiên thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nhằm bảo đảm tính bao trùm và công bằng trong tiếp cận nguồn lực tài chính.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã cho thấy một bước tiến rõ rệt trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân, với nhiều chính sách thiết thực dành cho hộ kinh doanh. Những thay đổi này không chỉ mở rộng cơ hội phát triển, mà còn giúp định hình một môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại và hội nhập – tạo tiền đề cho hộ kinh doanh nâng tầm, chuyển đổi bền vững trong thời gian tới.

An Vũ

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/nghi-quyet-68nqtw-va-loat-chinh-sach-uu-dai-danh-cho-ho-kinh-doanh-143044.html
Zalo