Thủ tướng Chính phủ: Chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, một số dự án luật, nghị quyết đang được cho ý kiến.

Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh

Phát biểu tại Tổ 8 (gồm đoàn: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng), liên quan đến các giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh thế giới hiện nay rất khó khăn, các định chế tài chính dự báo tăng trưởng năm nay thấp hơn năm ngoái, nhưng Việt Nam đi ngược lại xu thế thế giới, khi nâng mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Vậy làm sao để đạt được mục tiêu này? Thủ tướng đặt câu hỏi và chia sẻ 3 đột phá chiến lược Việt Nam đang triển khai tích cực, đó là: Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế; đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

"Trong điều kiện khó khăn, các nước đều hạ tăng trưởng nhưng chúng ta lại dám đi ngược lại. Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, các ngành, các cấp phải đoàn kết, đồng lòng để làm, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phân công công việc 6 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền". Chỉ có như vậy mới đạt được mục tiêu đề ra về tăng trưởng, về 2 mục tiêu 100 năm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thể chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, với quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển kinh tế-xã hội ngay trong năm 2025. Theo đó, chúng ta tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm; biến thể chế vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển.

Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta quyết liệt làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, Trong đó, chính sách tài khóa phải giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển; về chính sách tiền tệ thì nỗ lực giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, khoanh nợ, giãn, hoãn nợ…. Cùng với đó, Việt Nam cũng sẵn sàng lắng nghe, đối thoại để giải quyết các vấn đề quan tâm của các đối tác trên tinh thần các bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, trong đó tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ về thuế quan và thương mại.

Thủ tướng yêu cầu cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Các động lực này được tạo động lực, truyền cảm hứng từ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực, chủ động thực hiện.

 Quang cảnh phiên họp tại Tổ 8. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quang cảnh phiên họp tại Tổ 8. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phân cấp, phân quyền đi kèm với phân bổ nguồn lực

Thủ tướng Chính phủ cũng dành thời gian phân tích về chính quyền hai cấp. Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng và cơ bản nhất trong bản chất của chính quyền hai cấp là chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận yêu cầu của người dân, doanh nghiệp sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện sự chuyển đổi này, chính quyền các cấp phải làm dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời nhân dân và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ. Trong đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cần thiết và công bố công khai để người dân làm theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn, được làm những điều luật pháp không cấm. Chính quyền thay vì tiền kiểm, cấp phép thì tập trung vào hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát. Quản lý nhà nước phải làm công tác chiến lược, quy hoạch, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để phát triển, giám sát kiểm tra, tổng kết thi đua, khen thưởng, kỷ luật... Tinh thần là thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ cơ chế xin-cho, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cấp nào gần dân nhất, làm tốt nhất thì phân cấp…

Thủ tướng đặt vấn đề: "Phân cấp, phân quyền mà không phân bổ nguồn lực, cái gì cũng phải đi xin thì không làm được, sẽ gây ra nhiều thủ tục hành chính". Nhất là có những việc đương nhiên phải làm, đưa ra không ai có ý kiến phản đối nhưng vẫn phải làm thủ tục.

Nói thêm về phân cấp phân quyền, Thủ tướng Chính phủ thiết kế các công cụ kiểm tra giám sát, Quốc hội tăng cường giám sát tối cao. Nhấn mạnh hai lãng phí rất quan trọng là lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian nhưng chưa được đánh giá hết, Thủ tướng bày tỏ: “Cơ hội đến và đi rất nhanh, nhưng phải xử lý một rừng thủ tục. Khi xong được thủ tục thì cơ hội đi mất rồi. Hoặc những vấn đề rất đột xuất bất ngờ thì phải có cơ chế giải quyết ngay”.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-chu-dong-tich-cuc-phuc-vu-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-829625
Zalo