Sửa nghị định về xuất xứ hàng hóa: 'Đường thênh thang doanh nghiệp không đi'

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong quá trình xác minh xuất xứ hàng hóa, các doanh nghiệp không nên tự làm khó cho mình, con đường rộng thênh thang doanh nghiệp không đi, cứ tự đi vào đường vòng vèo, đường rừng rậm để đến đích đang là trở ngại lớn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo lần 2 Nghị định về xuất xứ hàng hóa chiều 23/5 tại Hà Nội. Đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc đồng hành, tạo điều kiện cho DN trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua, tuy nhiên, bà Trần Hoàng Yến, Phó trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội XNK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vẫn có một số quy định trong Dự thảo nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của DN trong thời gian tới.

Cụ thể là theo quy định của Dự thảo Nghị định, công đoạn chế biến đơn giản như phối trộn, phơi sấy, bảo quản, lưu kho sản phẩm không được coi là hoạt động chế biến để xem xét cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), điều này là vướng mắc lớn của của các DN lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm qua.

“VASEP đã có Công văn gửi Bộ Công Thương, KH&CN, NN&MT về những vướng mắc liên quan đến ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Trong đó nhiều DN phản ánh một số sản phẩm không được ghi nhãn là “sản phẩm sản xuất tại Việt Nam” hay “sản phẩm của Việt Nam”. Lý do là theo quy định chỉ những sản phẩm nào đã xác định xuất xứ mới được ghi nhãn là sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam”, còn không chỉ được ghi là “đóng chai tại Việt Nam” hoặc “phối trộn tại Việt Nam”. Điều này khiến các DN khó đáp ứng được yêu cầu của các đối tác xuất khẩu”, bà Yến nói.

Đối với quy định sản phẩm hàng hóa có xuất xứ thuần túy, bà Yến cho rằng, việc hạn chế ghi nhãn xuất xứ đối với sản phẩm thủy sản đánh bắt xa bờ có thuê tàu tàu nước ngoài hợp tác, nhưng treo cờ Việt Nam cũng đang gây khó khăn cho DN. Để đảm bảo về điều kiện bảo quản đông lạnh cũng như sơ chế ngay trên tàu, đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu, hiện nhiều ngư dân Việt Nam phải thuê tàu nước ngoài để đánh bắt ở vùng biển Việt Nam.

“Nếu sản phẩm thủy sản xuất khẩu đánh bắt từ tàu cá đi thuê nước ngoài không được ghi xuất xứ tại Việt Nam, sẽ gây vướng mắc rất lớn cho nhiều DN, trong bối cảnh sản phẩm và thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt như hiện nay”, bà Yến quan ngại.

Còn quy định chồng chéo

Tại hội thảo, liên quan đến sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tham gia lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu để tránh mức thuế cao từ Hoa Kỳ. Với quy định sản phẩm gỗ xuất khẩu nếu chỉ có các công đoạn lắp ráp đơn giản sẽ không được xin C/O, nhưng thực tế sẽ rất khó xác định điều này bởi nhiều sản phẩm chỉ qua công đoạn đục, bào, sơn một chút lại sẽ được xem xét là sản phẩm không qua công đoạn lắp ráp giản đơn.

Chính vì thế, Hiệp hội gỗ kiến nghị Ban soạn thảo Dự thảo cần quy định những mặt hàng đặc thù hay có nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ cần có thêm phụ lục, quy định chi tiết việc lắp ráp cơ bản là thế nào, lắp láp giản đơn ra sao và Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành để minh bạch hóa điều này.

Vấn đề nổi cộm hơn cũng đang gây khó khăn đối đối với ngành gỗ, đó là gỗ rừng trồng do DN tự đầu tư sản xuất theo quy định không phải xin xác nhận vào bản kê lâm sản từ chính quyền địa phương cấp xã hay cơ quan kiểm lâm. Tuy nhiên trên hồ sơ xin cấp C/O của Bộ Công Thương lại yêu cầu DN cung cấp bản kê lâm sản có xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã và cơ quan kiểm lâm. Quy định của Bộ Công Thương như vậy không đồng bộ với Thông tư 26 của Bộ NN&MT gây khó khăn cho các DN.

Phản hồi về thắc mắc của đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản, ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định của Nghị định 31 hiện nay về thủ tục cấp C/O, trong trường hợp cần thiết cơ quan cấp C/O được phép yêu cầu thêm một số điều kiện, thường áp dụng cho các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản. Đơn cử như với các mặt hàng được khai thác và làm ra từ gỗ, nếu DN thể hiện trên C/O là xuất xứ thuần túy sẽ buộc yêu cầu phải có chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan kiểm lâm.

Mặc dù vậy theo ông Bình, không phải tất cả các mặt hàng có nguồn gốc từ gỗ đều phải có bản kê kiểm lâm. Chỉ khi các DN làm ra các sản phẩm từ gỗ và khai báo là xuất xứ thuần túy, bên cấp C/O mới yêu cầu chứng minh tất cả các nguyên liệu cấu thành sản phẩm phải thuần túy. Đồng thời, trong quy định của tất cả các FTA Việt Nam đang thực thi và trong form B không nhất thiết yêu cầu các sản phẩm cấu thành từ gỗ phải thuần túy.

“Theo cách hiểu của DN thường xin thêm giấy phép C/O khiến vấn đề trở nên phức tạp. Đối với các sản phẩm có xuất xứ từ lâm nghiệp tiêu chí rất đơn giản, chỉ cần chuyển đổi mã HH ở cấp 4 số hoặc chuyển đổi mã HF ở cấp 6 số là rất đơn giản trong cấp C/O. Các DN không nên tự gây khó cho mình, con đường rộng thênh thang DN không đi, cứ tự đi vào đường vòng vèo, đường rừng rậm để đến đích đang là trở ngại lớn”, ông Bình nói.

Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 8/3/2018, đã đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Luật Quản lý ngoại thương, tạo điều kiện khai thác hiệu quả các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, và góp phần phòng chống gian lận thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động xuất nhập khẩu, thực tiễn đã phát sinh nhiều tình huống, yêu cầu mới chưa được đề cập hoặc cần điều chỉnh trong Nghị định hiện hành.

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 31/2018/NĐ-CP là cần thiết, cấp bách. Trong đó hướng tới các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa minh bạch, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương và các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Nghị định mới sẽ cập nhật những nội dung mới, làm cơ sở triển khai cho giai đoạn các năm tới, tạo cơ sở để DN, cơ quan quản lý xác định xuất xứ Việt Nam của hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, hoặc gia nhập, phù hợp pháp luật hiện hành. Nghị định cũng hướng tới tăng cường công tác phòng, chống gian lận xuất xứ, hạn chế tình trạng giả mạo xuất xứ; bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/sua-nghi-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa-duong-thenh-thang-doanh-nghiep-khong-di-post1201737.vov
Zalo