Kim ngạch thương mại Việt Nam-Malaysia tăng trưởng ấn tượng
Kim ngạch xuất khẩu từ Malaysia sang Việt Nam tăng mạnh hơn so với chiều ngược lại, đạt khoảng 160%, phản ánh nhu cầu ngày càng gia tăng của Việt Nam.
Trong thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Malaysia đã có bước tăng trưởng đáng kể, tăng từ mức 8 tỷ USD trong năm 2015 lên 14,2 tỷ USD trong năm 2024, qua đó sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 18 tỷ USD nhanh hơn so với dự kiến. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hứa hẹn sẽ có bước phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường cho biết trong giai đoạn từ năm 2015 – thời điểm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược – cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu từ Malaysia sang Việt Nam tăng mạnh hơn so với chiều ngược lại, đạt khoảng 160%, phản ánh nhu cầu ngày càng gia tăng của Việt Nam về nguyên liệu sản xuất như nhiên liệu, linh kiện điện tử và sản phẩm dầu mỏ. Đây là những mặt hàng quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đã tăng hơn 80% và có sự mở rộng về thị phần, đặc biệt là nông sản và sản phẩm chế biến.

Từ năm 2016 đến nay, Malaysia trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong các nước Đông Nam Á (ASEAN). Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khi thâm nhập vào Maylaysia như gạo, trái cây, rau củ, thủy hải sản, hạt tiêu, cà phê… Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Trong năm 2024, nhập khẩu gạo của Malaysia tăng đột biến và gạo của Việt Nam trở thành một trong 3 mặt hàng nhập khẩu lớn, sau mặt hàng điện tử điện máy và sắt thép. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Malaysia cũng tăng tưởng mạnh và sẽ là một sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng do diện tích trồng cà phê của Malaysia hạn chế, chủ yếu ở bang Sarawak, song sản lượng nhỏ, không đủ đáp ứng nhu cầu của nội địa.
Về hợp tác đầu tư, tính đến hết tháng 4 vừa qua, các nhà đầu tư Malaysia có 770 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt gần 13,6 tỷ USD, đứng thứ 10/150 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, đứng thứ 3 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Phạm vi đầu tư của Malaysia khá rộng, với 18/21 ngành kinh tế của Việt Nam, tập trung nhiều nhất lĩnh vực Giáo dục đào tạo với 7 dự án, chiếm hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, thứ hai là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo với 249 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 2,9 tỷ USD, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ ba là lĩnh vực Sản xuất, phân phối điện, khí với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,5 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư.
Ở chiều ngược lại, tính đến hết tháng 4 vừa qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư sang Malaysia 27 dự án với tổng vốn đăng ký gần 854,8 triệu USD. Vốn đầu tư của Việt Nam tại Malaysia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực Khai khoáng với 1 dự án, vốn đăng ký đạt 804,2 triệu USD, chiếm 94,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ với 11 dự án - 43,7 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 5,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo là lĩnh vực Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các lĩnh vực khác.
Đề cập đến những khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường Malaysia, Tham tán Lê Phú Cường cho rằng sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt khi Malaysia không chỉ có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam mà còn nhiều nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần có nhiều nỗ lực hơn để tạo được vị thế ở thị trường này.Tham tán Lê Phú Cường khuyến nghị để tăng cường tham gia thị trường Malaysia, các doanh nghiệp nên nghiên cứu về văn hóa Malaysia để tận dụng được nhiều phân khúc khách hàng khác nhau như người Hồi giáo Mã Lai, người Mã gốc Ấn, gốc Hoa và trên cùng một sản phẩm hàng hóa nên gắn nhãn mác có nhiều thứ tiếng để tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Ngoài ra, Malaysia vẫn mong muốn các sản phẩm nhập khẩu cần có chứng chỉ Halal. Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ thông qua các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp.