Tập trung ba đột phá chiến lược để tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững

Sáng 23/5, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham gia phiên thảo luận tổ cùng các đại biểu Quốc hội, tập trung đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đề ra định hướng lớn trong thời gian tới.

Ba đột phá chiến lược: Nền tảng cho phát triển bền vững

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt là tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng phải đi đôi với hiệu quả và bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thủ tướng đề ra ba đột phá chiến lược cần được tập trung triển khai mạnh mẽ: hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng nhận định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt trên 8%, vượt xa mục tiêu 6,5% đặt ra từ đầu năm. Để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm tới.

Theo Thủ tướng, ba đột phá chiến lược chính là chìa khóa để tạo nên bước chuyển biến căn cơ, bao gồm:

Thứ nhất, thể chế: Được xác định là “điểm nghẽn” nhưng cũng là “động lực phát triển”, thể chế nếu được hoàn thiện sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Nghị quyết 66, trong đó đề ra yêu cầu tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế trong năm 2025.

Thứ hai, hạ tầng: Chi phí logistics hiện chiếm tới 17-18% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư đồng bộ các phương thức giao thông như đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa. Đặc biệt, mục tiêu là hoàn thành ít nhất 3.000 km đường cao tốc trong năm nay, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, mở rộng các cảng biển chiến lược như Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục và xã hội cũng là yêu cầu cấp thiết.

Thứ ba, nguồn nhân lực: Thủ tướng nêu rõ, năng suất lao động thấp là một điểm yếu cần sớm khắc phục. Cần đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống giáo dục, từ giáo dục phổ thông tới đào tạo nghề và đại học, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển kỹ năng toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ba đột phá trên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của bốn nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về thể chế pháp luật; và Nghị quyết 18 về phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều thách thức, cần phát huy đồng bộ các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân, thu hút FDI, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đồng thời, cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, đặc biệt và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Cải cách hành chính và chuyển đổi mô hình hoạt động chính quyền

Một nội dung quan trọng khác được Thủ tướng đề cập là chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp từ trạng thái “thụ động tiếp nhận” sang “chủ động phục vụ”. Giảm thủ tục hành chính, cắt khâu trung gian, mở rộng không gian phát triển và xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ về dân cư, đất đai, y tế, giáo dục… là những việc phải làm ngay để phục vụ công cuộc cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành y tế, giáo dục cần chuyển đổi mạnh mẽ: y tế cần chuyển từ chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe chủ động, nâng cao chất lượng y tế cơ sở và dự phòng; giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng giáo dục kỹ năng sống và bảo đảm tiếp cận bình đẳng giữa các vùng miền. Vấn đề lãng phí cũng được đề cập, với yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án kéo dài, chính sách không phù hợp, như trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời.

Kết thúc phần phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ cũng phải thay đổi. Muốn đạt mục tiêu kép - tăng trưởng nhanh và bền vững - thì toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào ra việc nấy, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Đây chính là phương châm hành động để Việt Nam có thể tiếp tục bứt phá, vững bước trên con đường phát triển trong thời kỳ mới.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tap-trung-ba-dot-pha-chien-luoc-de-tang-truong-nhanh-hieu-qua-va-ben-vung-727895.html
Zalo