Thủ tướng: Cần cơ chế đặc biệt phát triển hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Thảo luận tại tổ sáng 15/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải có cơ chế huy động nguồn từ hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thảo luận tại Tổ 8](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_338_51484301/375fecdfdf9136cf6f80.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thảo luận tại Tổ 8
Ngày 15/2, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các ý kiến cũng bày tỏ hy vọng, sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Phát biểu tại Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai quyết liệt. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nỗ lực trong thời gian ngắn để xây dựng nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Khẳng định muốn phát triển nhanh, bền vững thì cần phải dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trước hết cần tháo gỡ về mặt thể chế để giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết 57 đi ngay vào cuộc sống. Tiếp đến, cần tiến hành sửa một loạt luật liên quan ngân sách, thuế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ…
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_338_51484301/72e69066a3284a761339.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cho biết, cùng với các chính sách đặc thù, cần bổ sung các cơ chế đặc biệt. Trước hết là cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì hạ tầng này hiện còn rất yếu. Nguồn lực cần rất lớn nên phải có cơ chế huy động nguồn từ hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, xã hội và người dân.
Cùng với đó, cần cơ chế đặc biệt cho quản lý, cụ thể như: Đầu tư công, quản lý tư (Nhà nước đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao tư nhân quản lý); lãnh đạo công, quản trị tư (Nhà nước thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát kiểm tra, còn quản trị giao cho doanh nghiệp)… Thêm vào đó, cần có cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học và công trình khoa học thương mại hóa được. Phân cấp, phân quyền có thể đến các tỉnh, thành phố, bộ ngành, thậm chí tới các chủ thể có liên quan. Xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính để quản lý hiệu quả tổng thể.
Dự thảo mới đề cập miễn trừ trách nhiệm cho người soạn thảo chính sách, nhưng khâu thực hiện mới là khó và còn yếu. Do đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện thì lại dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm. Phải thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho người thực hiện chứ không chỉ với người thiết kế chính sách, như thế mới toàn diện.
Một cơ chế đặc biệt khác được Thủ tướng Chính phủ đề cập là cơ chế thu hút nguồn nhân lực. Như thu hút nhân lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân về khoa học công nghệ; thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài về Việt Nam, vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, bằng chính sách thuế, phí, nhà cửa, đất đai, visa, hợp đồng lao động…
Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận tại tổ, có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, cụ thể chỉ điều chỉnh cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với một loại hình công nghệ nhất định, không nên quy định chung chung như Điều 1 dự thảo Nghị quyết; đề nghị chỉ nên tập trung vào 03 nội dung: Nguồn lực tài chính, quy trình, thủ tục và con người; ý kiến khác cho rằng, cơ chế quỹ, thương mại hóa và đầu tư mạo hiểm là 03 nhóm chính sách rất cần thiết phải quy định tại dự thảo Nghị quyết.
Về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập, một số đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị định đã trao nhiều quyền chủ động cho các tổ chức này, nhất là chủ động xác lập tổ chức bộ máy, người đứng đầu được chủ động trong công tác tuyển dụng, sử dụng nhân lực. Theo đó, cần có cơ chế để đảm bảo người được sử dụng, bố trí làm việc trong tổ chức khoa học công nghệ công lập đáp ứng tốt yêu cầu, đạt được hiệu quả công việc, phù hợp với vị trí việc làm được sắp xếp.