Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Quảng Ngãi cần nỗ lực khởi động các dự án đã có trong quy hoạch ngành
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tỉnh Quảng Ngãi bám sát các Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch ngành để triển khai các dự án trọng điểm, động lực.
Quảng Ngãi cần khai thác tốt hơn lợi thế công nghiệp
Chiều 9/2, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nêu đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần cùng tỉnh Quảng Ngãi đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước năm 2025.
![Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu các giải pháp cho phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51434015/b6f29842a30c4a52131d.jpg)
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu các giải pháp cho phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ngãi
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu liên quan đến ngành Công Thương.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp năm 2024 chỉ tăng 2,6% so với năm 2023, đã kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Trong khi, tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế để phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp năng lượng, luyện kim, cơ khí. Đặc biệt, tỉnh có lợi thế là nơi đóng chân của nhà máy lọc dầu Dung Quất - Trung tâm năng lượng Dung Quất đảm bảo cung ứng 1/3 sản lượng năng lượng cho cả nước. Trong thời gian tới, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tiếp tục phát triển giai đoạn 2 mở rộng quy mô, công suất kèm theo nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là lợi thế rất lớn tỉnh Quảng Ngãi cần khai thác.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý, tỉnh Quảng Ngãi có đặc điểm là hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập thấp, khả năng thích ứng còn kém. Đây là điều phải lưu ý trong quá trình chỉ đạo điều hành cũng như trong quá trình thu hút đầu tư các dự án lớn làm sao “kéo” các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển theo.
Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đánh giá rất cao tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. “Tỉnh Quảng Ngãi đã có các kịch bản tăng trưởng kinh tế, trong đó, nổi bật là tỉnh lạc quan đặt mục tiêu phấn đấu để tăng trưởng kinh tế lên đến 10%. Mong tỉnh sẽ lan tỏa sự tích cực, lạc quan này đến các ngành, trong đó có ngành Công Thương”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.
Gợi mở, đề xuất các giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần bám sát các quy hoạch gồm Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh để cố gắng khởi động các dự án đã có trong quy hoạch. “Đơn cử như trong ngành Công Thương có tới 20 dự án nguồn điện, 20 dự án lưới điện, 35 điểm mỏ khoáng sản (nhiều chủng loại, toàn khoáng sản quý hiếm); cùng với đó là các dự án hạ tầng thương mại”, Thứ trưởng chỉ ra và nói thêm “Đặc biệt là đề án xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia. Đây là Đề án tổ hợp, nòng cốt chính là hoạt động lọc hóa dầu, từ đó có thêm các hoạt động phụ trợ liên quan, phát triển các dịch vụ hỗ trợ kèm theo. Dự án này không chỉ tạo động lực cho kinh tế tỉnh mà còn tạo động lực cho vùng”.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi cũng cần có các giải pháp để xanh hóa sản xuất, nhất là trong bối cảnh công nghiệp của tỉnh chủ yếu là các ngành hóa dầu, thép.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi chiều 9/2](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51434015/999abe2a85646c3a3575.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi chiều 9/2
Bộ Công Thương đã trình Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất lên Thủ tướng Chính phủ
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã thông tin về các kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến ngành Công Thương.
Đối với kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù trong Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, Thứ trưởng cho biết, đề án do Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp xây dựng. “Tháng 12/2024, Bộ Công Thương đã có tờ trình trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án. Trong đó, đã nêu rõ xin kiến nghị có một số cơ chế, chính sách đặc thù theo ý kiến của tỉnh Quảng Ngãi. Bộ Công Thương mong Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm phê duyệt giúp cho Bộ Công Thương và tỉnh tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của Đề án”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.
Đối với kiến nghị liên quan đến việc sớm đưa vào hoạt động các Nhà máy Điện khí (I và III) tại Trung tâm điện khí Dung Quất và mỏ khí Cá Voi Xanh, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương thường xuyên đôn đốc, đặc biệt là đôn đốc chủ đầu tư tích cực phối hợp trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. Đối với đề xuất tạm thời sử dụng khí LNG nhập khẩu để thay thế, Bộ Công Thương sẽ trao đổi lại với các đơn vị liên quan và phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi để tính toán lại các chi phí, cân đối đầu vào, đầu ra.
Về chồng lấn Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch ngành khoáng sản, cụ thể là chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản Titan với dự án Tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh (chồng lấn khoảng 19,54 ha), Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cơ bản đồng tình với đề xuất của tỉnh là trong thời gian tới sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đối với diện tích chồng lấn. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Dự án tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh theo quy hoạch.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm triển khai các dự án theo Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng để tạo động lực cho phát triển kinh tế; có giải pháp để phát triển công nghiệp xanh.
Thứ trưởng cũng thông tin các nội dung liên quan đến kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi về có cơ chế, chính sách đặc thù trong Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; đẩy nhanh các dự án Nhà máy điện khí; chồng lấn Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch ngành.