'Cổ phiếu quốc dân' bị đè bán mạnh sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump

Nối tiếp 'chuỗi ngày buồn', cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục giảm về mức 26.050 đồng/cp trong phiên sáng 10/2. Đáng chú ý, thanh khoản cổ phiếu này vọt tăng so với những phiên trước đó và đứng đầu toàn thị trường, với tổng khối lượng đạt hơn 26,1 triệu đơn vị.

Trong thông tin mới nhất, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ áp dụng mức thuế 25% mới đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bên cạnh các khoản thuế kim loại hiện có, một bước leo thang trong cuộc cải tổ chính sách thương mại của ông.

Theo dữ liệu của chính phủ và Viện Sắt thép Mỹ, các nguồn nhập khẩu thép lớn nhất của Mỹ là Canada, Brazil và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam.

Cổ phiếu HPG giảm đỏ cùng thanh khoản tăng vọt.

Cổ phiếu HPG giảm đỏ cùng thanh khoản tăng vọt.

Tại Việt Nam, thị trường xuất khẩu của “vua thép” Hòa Phát đã mở rộng khắp 5 châu. Cho đến nay, thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu đến 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc…

Năm 2024, hoạt động xuất khẩu đóng góp 31% doanh thu của toàn Tập đoàn. Do đó, thông tin áp thuế này được cho là kém tích cực tới ngành thép Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng.

Mặt khác, việc rót tiền vào “quả đấm thép” Dung Quất 2 đang khiến tổng nợ vay tài chính của Hòa Phát tăng cao, lên đến gần 83.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với cuối quý III và cao hơn gần 18.000 tỷ đồng so với năm 2023.

Đây là mức dư nợ vay tài chính cao kỷ lục của doanh nghiệp đứng đầu ngành thép kể từ khi hoạt động. Nợ vay tăng mạnh trong bối cảnh Hòa Phát bước vào giai đoạn nước rút, hoàn thành lắp đặt thiết bị phân kỳ 1 Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

Theo tiến độ, phân kỳ 1 sẽ đi vào vận hành năm 2025. Phân kỳ 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 - đầu 2026.

Dự án có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao/năm. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt 14,5 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao, đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực, nâng tầm thương hiệu thép Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Theo phân tích từ các công ty chứng khoán, giai đoạn 1, Dự án Dung Quất 2 được đưa vào chạy thử cuối năm 2024 và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ nửa sau của năm 2025, dự kiến giúp sản lượng HRC của Hòa Phát tăng trưởng trong những năm tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung HRC trong nước chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, HRC giá rẻ từ Trung Quốc đang xuất khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Bộ Công thương đang trong quá trình điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trong trường hợp các biện pháp bảo hộ thương mại được áp dụng, các nhà sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi, qua đó thúc đẩy sản lượng bán và giá bán HRC của Hòa Phát.

Tuy nhiên, yếu tố cần theo dõi là diễn biến lãi vay của doanh nghiệp trong giai đoạn 2024-2026 khi gia tăng vay nợ để thi công dự án Dung Quất 2.

Ghi nhận trên BCTC quý IV, tính đến cuối năm 2024, tài sản xây dựng dở dang của Hòa Phát lên đến 63.749 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản, chủ yếu dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với 60.108 tỷ đồng, tăng 37.552 tỷ đồng so với ngày đầu năm.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-quoc-dan-bi-de-ban-manh-sau-tuyen-bo-cua-tong-thong-donald-trump-1104889.html
Zalo