Thạc sĩ kiêm kỹ sư bỏ phố về quê làm nông dân 'công nghệ cao', giờ có thu nhập gây 'sốc'
Trước đó, chàng trai tài năng này từng du học ở nước ngoài và sở hữu mức lương hàng tỉ đồng/năm.
Bỏ việc kỹ sư để về quê làm nông dân
Nếu bạn có bằng thạc sĩ, đang làm kỹ sư với mức lương hàng năm lên đến 1 triệu NDT (3,3 tỉ đồng), liệu bạn có dám bỏ phố về quê khởi nghiệp? Có lẽ phần lớn mọi người đều sẽ chọn duy trì cuộc sống ổn định ở thành phố, song Trần Chí Tường - một kỹ sư kiêm thạc sĩ ở Trung Quốc lại chọn trở về vùng quê để sống cuộc đời của một nông dân.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_296_51438841/ed2dff32c47c2d22746d.jpg)
Ảnh: Xiandai Kuaibao
Trước đây, anh Tường từng làm kỹ sư cho một công ty chứng khoán tại Mỹ với mức lương trong mơ. Trong một dịp đến làm việc tại trang trại ở miền Tây nước Mỹ, anh vô cùng bất ngờ khi các nông dân ở đây làm việc nhàn nhã hơn nhiều so với quê nhà của anh lúc đó.
“Trang trại ở miền Tây nước Mỹ đó có 3.000 mẫu đất nhưng chỉ có 4 nhân công. Tất cả quy trình đều được vận hành bằng cơ giới thông minh, điều này đã khiến tôi bị sốc” - Anh Tường nhớ lại.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_296_51438841/84f695e9aea747f91eb6.jpg)
Ảnh: Xiandai Kuaibao
Phân bón được rải bằng máy bay không người lái, toàn bộ trang trại đã hình thành mô hình trồng trọt theo chu kỳ, rất thân thiện với môi trường. Lợi nhuận từ nông sản và gia súc của nông trại đều rất cao. Những trải nghiệm này đã hoàn toàn thay đổi nhận thức của anh về cuộc sống nhà nông.
Năm 2014, sau khi du học về, anh Tường làm việc cho một công ty chứng khoán với mức lương lý tưởng, nhưng kèm với đó là cường độ công việc vô cùng cao. Cuối năm 2019, anh về quê thăm bà ngoại. Do dịch bệnh nên anh không thể trở lại thành phố và đã định cư ở quê nhà.
Trong khoảng thời gian này, anh chợt nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với một trang trại của riêng mình. Bất chấp việc bị cha mẹ phản đối, bản thân anh cũng chưa hề có kinh nghiệm làm nông, anh Tường vẫn kiên quyết theo đuổi giấc mơ của mình. Bởi anh tin rằng, nông nghiệp có tiềm năng phát triển hơn nữa, và anh không muốn quay lại với khoảng thời gian làm thêm giờ vô tận với áp lực công việc khổng lồ trước kia.
Biến công việc “đầu tắt mặt tối” thành nghề siêu lợi nhuận nhờ ứng dụng công nghệ
Tháng 6 năm 2022, anh chính thức trở thành “nông dân mới”, thành lập công ty TNHH Phát triển Nông Nghiệp TaiZhou ZeHeng và tiến hành trồng rau hẹ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_296_51438841/ffd7efc8d4863dd86497.jpg)
Ảnh: Xiandai Kuaibao
Trong giai đoạn đầu, anh dùng tiền tiết kiệm thuê 50 mẫu đất để lắp pin mặt trời trên cánh đồng rau hẹ, ngoài ra còn sắm thêm 3 chiếc xe tải, san lấp mặt bằng và cải tạo đường điện nước.
Vào mùa hè ở Thái Châu, nhiệt độ có thể lên tới trên 35 độ C. Nhiệt độ cao sẽ ức chế sự phát triển của rau hẹ. Các tấm pin mặt trời có thể làm giảm nhiệt độ, giảm ảnh hưởng đến rau hẹ.
Vốn là một nông dân thế hệ mới thích thử nghiệm những giải pháp sáng tạo, anh đã sử dụng nhiều thiết bị tự động tưới nước và bón phân. Vừa nâng cao hiệu suất sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí khi có thể tinh chuẩn hóa lượng nước tưới tiêu và lượng phân bón.
Nhờ công nghệ trồng trọt chất lượng cao, anh Tường có thể thu hoạch khoảng 6 vụ rau hẹ mỗi năm. Diện tích trồng trọt ở trang trại của anh đã lên tới 300 mẫu, trồng nhiều giống rau khác nhau và bán đến nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_296_51438841/2080379f0cd1e58fbcc0.jpg)
Ảnh: Xiandai Kuaibao
Anh Tường cũng trở thành “vua rau hẹ” ở địa phương. Anh cho biết, năm 2023, sản lượng mỗi mẫu của anh là khoảng 4 tấn, với giá bán cho mỗi kg là 1,8 NDT (6.000đ). Như vậy anh có thể thu về 24 triệu đồng cho mỗi mẫu, nhân với 300 mẫu, con số thu về lên tới 7,2 tỉ đồng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_296_51438841/e477f268c92620787937.jpg)
Ảnh: Xiandai Kuaibao
Việc trồng rau hẹ đã mang lại cho anh thu nhập khổng lồ, đồng thời tạo việc làm cho hơn 50 người dân trong làng. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng và nhân giống với những người khác, cung cấp cho nông dân các giải pháp tổng hợp về hạt giống, thuốc trừ sâu và phân bón, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu vào cho họ.
Ngoài ra, trang trại của anh Tường còn tận dụng phân gà lên men để làm phân bón, các loại rau được trồng cũng có thể dùng một phần để nuôi gà, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín. Anh đã tái chế hơn 3.000 tấn phân gia súc, gia cầm và rơm rạ mỗi năm, đồng thời có thể sản xuất và bán rau xanh, trứng gia cầm quanh năm, đạt được đồng thời 2 mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái và lợi ích kinh tế.