Nhu cầu than đá trên thế giới vẫn cao
Thế giới dường như vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ than đá và thực tế nhu cầu đối với loại nhiên liệu hóa thạch này đang tăng mạnh ở một số quốc gia, bất chấp những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch đang được đẩy mạnh trên toàn cầu.
![Công nhân làm việc tại một mỏ than ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_294_51438952/7de6fb04cf4a26147f5b.jpg)
Công nhân làm việc tại một mỏ than ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng "không gì có thể hủy diệt than đá", dù gây tranh cãi, nhưng dường như đang phản ánh một thực tế đáng lo ngại. Xuất khẩu than của Mỹ đang tăng trưởng đều đặn để đáp ứng "cơn khát" than toàn cầu, ngay cả khi tiêu thụ nội địa của nước này đang giảm.
Dữ liệu từ Global Energy Monitor (GEM) cho thấy công suất than toàn cầu, tức tổng sản lượng điện có thể tạo ra từ các nhà máy điện than, đã đạt mức cao kỷ lục mới gần 2.175 GW trong năm 2024. Điều này cho thấy một bức tranh trái ngược với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Theo bà Dorothy Mei, quản lý dự án tại GEM, một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đến từ nhu cầu than đá ngày càng tăng ở châu Á, trong khi châu Âu và Mỹ đang giảm tiêu thụ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đưa ra dự báo đáng quan ngại: nhu cầu than toàn cầu có thể đã đạt mức cao kỷ lục 8,77 tỷ tấn trong năm 2024 và sẽ duy trì ở mức tương tự đến năm 2027.
Trong đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là quốc gia tiêu thụ than lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong bức tranh tiêu thụ than toàn cầu. Lượng than nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng vọt 14,4% trong năm 2024, đạt mức cao kỷ lục 542,7 triệu tấn. Theo IEA, Trung Quốc chiếm hơn 56% nhu cầu than toàn cầu trong năm 2023.
Bà Mei cho biết chiến lược dự trữ than quy mô lớn của Trung Quốc chủ yếu là nhằm đối phó với nguy cơ thiếu điện do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặc dù thủy điện, năng lượng gió và Mặt Trời đã chiếm gần 30% cơ cấu điện năng của Trung Quốc trong năm 2023, theo số liệu của Ember Energy, nhưng khi sản lượng thủy điện giảm do không đủ lượng mưa, Chính phủ Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào điện than để đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, việc truyền tải điện Mặt Trời và điện gió giữa các tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, than đá vẫn được coi là “xương sống” của hệ thống năng lượng Trung Quốc cho đến khi hệ thống lưới điện được nâng cấp và hoàn thiện trên toàn quốc.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, cũng đang đối mặt với bài toán năng lượng nan giải. Bà Mei cho biết nắng nóng cực đoan do biến đổi khí hậu khiến nhu cầu năng lượng để làm mát tăng vọt ở nước này, trong khi năng lượng sạch chưa phát triển đủ nhanh để đáp ứng. Sự tập trung vào phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng cũng đẩy mạnh nhu cầu xi măng và thép, hai ngành công nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào than.
Nhu cầu thép của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 8-9% trong năm 2025, nhờ sự bùng nổ của ngành xây dựng. Chính phủ Ấn Độ gần đây đã gia hạn chỉ thị yêu cầu các nhà máy điện than nhập khẩu hoạt động hết công suất đến cuối tháng 2/2025. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng, hướng tới đáp ứng 50% nhu cầu điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tính đến tháng 10/2024, năng lượng tái tạo đã chiếm hơn 46,3% tổng công suất phát điện của Ấn Độ.
Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, các quốc gia khác ở châu Á như Bangladesh, Indonesia và Việt Nam cũng đang đẩy mạnh xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc), trở thành nhà nhập khẩu than lớn thứ năm thế giới sau khi đạt mức nhập khẩu kỷ lục trong hơn 10 năm vào năm 2024. Sản lượng than của Indonesia cũng ghi nhận mức cao mới khoảng 831 triệu tấn trong năm ngoái. Trong khi đó, Philippines đã vượt qua Trung Quốc về tỷ trọng than trong cơ cấu điện năng, trở thành quốc gia phụ thuộc vào than đá nhất Đông Nam Á trong năm 2023.
Ông Dave Jones, chuyên gia của Ember Energy, cho biết giá than rẻ là một trong những nguyên nhân khiến việc sử dụng năng lượng hiệu quả chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine (U-crai-na) khiến giá khí đốt tăng cao cũng góp phần khiến các nước nhập khẩu than nhiệt lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam tạm dừng kế hoạch phát triển điện khí.
IEA dự báo mức tiêu thụ điện toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025. Nhu cầu năng lượng cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu than đá. Các trung tâm dữ liệu AI tiêu tốn lượng điện khổng lồ, khiến việc loại bỏ nguồn năng lượng giá rẻ và ổn định như than đá trở nên khó khăn hơn. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu có thể tăng hơn gấp đôi so với năm 2022, từ 17 GW lên hơn 35 GW.
Trước thực tế nhu cầu than đá vẫn ở mức cao, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tiến độ của quá trình chuyển đổi năng lượng. Mục tiêu hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, thậm chí là 1,5 độ C theo Hiệp định Paris 2015, đang đứng trước những thách thức lớn. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến lạc quan hơn, cho rằng việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo và sự gia tăng nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu có thể giúp giảm nhập khẩu than ở một số thị trường. Ông Jones cho rằng nếu các quốc gia thực hiện cam kết tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo vào năm 2030, nhu cầu than đá có thể bắt đầu giảm đáng kể trong thập kỷ này.