Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Internet chuyển qua giai đoạn kết nối vô cùng lớn
Internet sẽ chuyển sang giai đoạn mới Internet vạn vật, Internet lượng tử với các công nghệ như 5G/6G, IPv6, Bigdata, Cloud, AI, Blockchain, Quantum computing… với số lượng kết nối vô cùng lớn, theo Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Hoàng Phương.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong việc phát triển một Internet mở, an toàn và bao trùm. Ảnh: Tuấn Khoa.
Thông tin được trao đổi tại diễn đàn ICANN APAC DNS Forum 2025, diễn ra ngày 8/5, do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và Tổ chức quản lý tên miền và số quốc tế (ICANN), phối hợp tổ chức với chủ đề “Internet bao trùm: Kết nối con người, kiến tạo tương lai”.
Thúc đẩy các giải pháp quản lý, phát triển tài nguyên Internet
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương đánh giá sự kiện là nơi hội tụ của tri thức, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số sâu rộng. Nghị quyết số 57-NQ/TW về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trong đó, một nội dung quan trọng là tập trung phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số. Hạ tầng Internet, bao gồm hạ tầng DNS là một thành phần quan trọng của hạ tầng số. Việc quản lý đảm bảo an toàn, tin cậy hệ thống DNS quốc gia, phát triển phổ cập tên miền quốc gia “.vn” để phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ quan trọng.
Internet sẽ chuyển sang giai đoạn mới Internet vạn vật (IoT), Internet lượng tử (Quantum Internet) với các công nghệ như 5G/6G, IPv6, Bigdata, Cloud, AI, Block chain, Quantum computing… với số lượng kết nối vô cùng lớn.
"Nhiều hình thức kết nối mới, dịch vụ mới ra đời, tuy nhiên tài nguyên Internet, tên miền, hệ thống DNS luôn là lớp nền định danh – nơi bắt đầu mọi kết nối số có vai trò thiết yếu trong bảo đảm sự tin cậy, an toàn của không gian số", Thứ trưởng Phương nói.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ mong muốn Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy các mô hình, giải pháp quản lý, phát triển tài nguyên và hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh, an toàn và thích ứng với xu thế phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn cầu.
Cùng với đó là ứng dụng hiệu quả công nghệ mới như DNSSEC, 5G/6G, IPv6, Bigdata, Cloud, AI, Block chain, Quantum computing,… trong quản lý, phát triển, đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống hạ tầng DNS và phát triển phổ cập đa ngôn ngữ, tạo ra một không gian mạng toàn diện, nhân văn và bao trùm.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong việc phát triển một Internet mở, an toàn và bao trùm.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác sâu rộng với các đối tác trong khu vực và trên thế giới để cùng nhau xây dựng tương lai số cho tất cả mọi người", ông Phương nêu rõ.
25 năm Việt Nam thiết lập hạ tầng Internet an toàn
Chia sẻ quan điểm của Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC phân tích rõ hơn tình hình phát triển Internet tại Việt Nam. Theo Giám đốc VNNIC, năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng - 25 năm VNNIC liên tục đóng góp cho sự phát triển Internet của Việt Nam.

Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho biết Việt Nam nằm trong top 10 toàn cầu về áp dụng IPv6. Ảnh: Tuấn Khoa.
Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, VNNIC đã nỗ lực thiết lập một cơ sở hạ tầng Internet an toàn và đáng tin cậy, từ việc quản lý tên miền cấp cao nhất mã quốc gia “.vn”, đến thúc đẩy DNSSEC, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang IPv6 và củng cố hệ thống DNS và IX quốc gia của chúng tôi.
"Ngày nay, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” xếp thứ 2 tại ASEAN với hơn 660.000 tên miền. Việt Nam nằm trong top 10 toàn cầu về áp dụng IPv6 - với hơn 65% người dùng truy cập Internet qua IPv6", ông Thắng dẫn số liệu cho thấy sự phát triển năng động của lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các cuộc thảo luận hướng tới thúc đẩy các hệ sinh thái DNS sáng tạo, đa ngôn ngữ và an toàn, đảm bảo Internet vẫn là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển, hòa nhập và tin tưởng.
Các nội dung trọng tâm tại sự kiện xoay quanh việc ứng dụng các giải pháp phát triển tên miền, đặc biệt là tên miền quốc gia, giúp khẳng định sự hiện diện trực tuyến của các tổ chức và doanh nghiệp trên không gian mạng.
Với chiến lược phát triển sáng tạo và chính sách quản lý hiệu quả, đảm bảo an toàn tin cậy; phát triển, quản lý an toàn, tin cậy hệ thống máy chủ tên miền (DNS) – trái tim của Internet, ứng dụng công nghệ (AI, blockchain) đảm bảo an toàn hoạt động DNS và không gian tên miền, bảo vệ người dùng trên môi trường mạng; phát triển tên miền đa ngữ (IDN) cho phép sử dụng ngôn ngữ, ký tự riêng của từng quốc gia, giúp Internet dễ tiếp cận hơn với hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới.