Hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại

Ngành y tế Thủ đô triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị bệnh viện và công tác khám, chữa bệnh. Xây dựng hệ thống y tế thông minh, hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân hiệu quả, nhanh chóng và chất lượng.

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số y tế

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số y tế

Hiệu quả bước đầu từ bệnh án điện tử

Từ năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là một trong những đơn vị y tế công lập tiên phong tại Hà Nội triển khai bệnh án điện tử. Đây là bước đột phá trong công tác số hóa hồ sơ bệnh nhân, giúp thay thế dần hồ sơ giấy truyền thống vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về lưu trữ, truy xuất dữ liệu và bảo mật thông tin.

Điểm nổi bật của mô hình tại Xanh Pôn là tích hợp giải pháp đăng ký khám bệnh bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Trong lần đầu đăng ký, bệnh nhân sẽ được xác thực danh tính thông qua thẻ căn cước công dân gắn chip và thẻ bảo hiểm y tế. Từ lần khám sau, người dân không cần mang theo giấy tờ tùy thân, góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian làm thủ tục, đồng thời tạo điều kiện để họ tiếp cận nhanh hơn các dịch vụ y tế chất lượng.

Việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin và số hóa hồ sơ bệnh án đã giúp Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn giảm đáng kể áp lực cho nhân viên y tế, tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh. Đây là mô hình minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, tạo tiền đề quan trọng để hiện đại hóa toàn diện ngành y của Thủ đô.

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hà Nội, đến nay đã có 11/42 bệnh viện công lập trực thuộc hoàn thành triển khai bệnh án điện tử. 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố đã áp dụng tiếp đón khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip, đồng bộ với dữ liệu VNeID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế truyền thống.

Sở Y tế Hà Nội đã ban hành chỉ đạo yêu cầu tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khẩn trương triển khai bệnh án điện tử, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2025 theo lộ trình của Chính phủ.

Bên cạnh đó, thành phố hiện có 5 bệnh viện triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) theo quyết định của Bộ Y tế, gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn. Telehealth cho phép kết nối trực tuyến giữa các bác sĩ tuyến trên và tuyến dưới, từ đó hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn ca bệnh khó và nâng cao chất lượng điều trị tại cơ sở.

Sở Y tế Hà Nội cũng tổ chức các buổi giao ban trực tuyến định kỳ với hàng trăm điểm cầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập. Đây là hình thức họp hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đồng thời thể hiện sự linh hoạt, hiện đại trong điều hành hoạt động ngành.

Không chỉ dừng lại ở số hóa dữ liệu và hệ thống quản trị, ngành y tế Thủ đô còn bước đầu triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám, chữa bệnh. Hai bệnh viện tiên phong là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Tại Xanh Pôn, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong chẩn đoán hình ảnh phim chụp X-quang ngực, góp phần hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm dấu hiệu bệnh lý. Ngoài ra, công nghệ AI cũng được tích hợp trong hệ thống nội soi tiêu hóa tại Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (thuộc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát hiện tổn thương niêm mạc sớm và nâng cao độ chính xác chẩn đoán.

Đặc biệt, công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng AI cũng được triển khai tại khu vực tiếp đón bệnh nhân, giúp quy trình đăng ký khám bệnh trở nên tự động hóa, nhanh chóng và chính xác.

Song song với đó, một số cơ sở y tế tại Hà Nội cũng đang thí điểm ứng dụng thực tế ảo (VR) vào điều trị tâm lý và phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Công nghệ VR giúp bệnh nhân trải nghiệm mô phỏng các tình huống thực tế nhằm giảm stress, cải thiện chức năng nhận thức và hỗ trợ điều trị các rối loạn tâm thần kinh.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng AI cũng được triển khai tại khu vực tiếp đón bệnh nhân

Công nghệ nhận diện khuôn mặt bằng AI cũng được triển khai tại khu vực tiếp đón bệnh nhân

Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu y tế đồng bộ

Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP. Hà Nội, khẳng định: Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong y tế là xu thế tất yếu. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mà còn hỗ trợ bác sĩ trong quá trình hành nghề, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và quản lý ngành y hiệu quả.

Trong đó, bệnh án điện tử được xác định là khâu đột phá, có vai trò cốt lõi trong xây dựng hệ thống dữ liệu y tế đồng bộ, hỗ trợ ngành y tế đưa ra các chỉ đạo kịp thời trong phòng, chống dịch bệnh và hoạch định chính sách phát triển y tế phù hợp.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn toàn thành phố. Việc kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đang được đẩy mạnh, qua đó góp phần làm giàu hệ sinh thái dữ liệu, tiến tới xây dựng nền tảng dữ liệu lớn cho ngành y.

Cùng với đó là việc hình thành môi trường làm việc số, phát triển tư duy số trong cán bộ y tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Chuyển đổi số trong y tế không chỉ là xu hướng phát triển mà còn là yếu tố sống còn để nâng cao năng lực của hệ thống y tế công cộng trong thời đại mới. Với những bước đi bài bản, đồng bộ, ngành y tế Hà Nội đang dần hình thành nền tảng y tế thông minh, hướng đến phục vụ nhân dân một cách toàn diện hơn.

Từ bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe cá nhân đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khám chữa bệnh từ xa, Hà Nội đang khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình hiện đại hóa ngành y, vì mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả, chất lượng và bền vững.

Lập Nguyễn

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/huong-toi-he-thong-y-te-thong-minh-hien-dai-478030.html
Zalo